Hà Nội: Buôn lậu hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp

author 17:07 09/05/2024

(VietQ.vn) - Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội cho biết, trong tháng 4 và đầu tháng 5/2024 các lực lượng chức năng thành phố đã thanh tra, kiểm tra và phát hiện nhiều vụ vi phạm về hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại...

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Chu Xuân Kiên cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu là các hàng hoá phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân như thuốc lá, bánh kẹo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng...

Việc sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trong các lĩnh vực như hàng dệt may, da giày, điện tử, đồ gia dụng... vẫn diễn ra với nhiều thủ đoạn và phương thức khác nhau. Đặc biệt, tháng 4 là “Tháng vì hành động an toàn thực phẩm”, các lực lượng chức năng thành phố tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm về lĩnh vực an toàn thực phẩm. Cùng với đó là triển khai thực hiện Kế hoạch chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử, thương mại truyền thống.

Kết quả trong tháng 4/2024, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội thanh tra, kiểm tra 451 vụ, xử lý hành chính 389 vụ. Phạt hành chính 5,505 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 2,406 tỷ đồng. Công an thành phố đã kiểm tra 125 vụ, xử lý hành chính 145 vụ (trong đó xử lý 20 vụ tồn), phạt hành chính 2,949 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm 2,061 tỷ đồng. Khởi tố 06 vụ đối với 08 đối tượng. Cục Hải quan Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 117 vụ, phạt hành chính 2,1 tỷ đồng; truy thu thuế, thu hồi thuế 1,1 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm 4,58 tỷ đồng.

Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh: Cục QLTT Hà Nội

Vụ việc cụ thể, ngày 12/04/2024, Đội Quản lý thị trường số 9 đã tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh trái cây tại địa chỉ số 9 Hồng Hà, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Quá trình kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 9 phát hiện hộ kinh doanh trái cây trên đang kinh doanh 450 kg cam có xuất xứ từ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 9 cũng đã kiểm tra và xử lý đối với 5 cơ sở kinh doanh thuốc lá điện tử, tạm giữ 992 sản phẩm liên quan đến thuốc lá điện tử.

Ngày 17/4/2024 Đội Quản lý thị trường số 17 phối hợp với Đội 7 PC03 Công an thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra đối với 02 cơ sở kinh doanh gồm: Hộ kinh doanh tại địa chỉ ki ốt số 32, chợ Tam Hiệp, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội bày bán 1.050 kg nầm lợn. Toàn bộ số hàng hóa trên là thực phẩm đông lạnh, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa nói trên. Hộ kinh doanh thứ 2 cũng tại chợ Tam Hiệp, xã Tam Hiệp, Huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. bày bán 300 kg xương lợn; 150 kg đùi gà không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp.

Ngày 22/4/2024, Đội Quản lý thị trường số 22 phối hợp với Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và Chức vụ, Công an Quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra Cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh, địa chỉ số 489 Hoàng Quốc Việt, Phường Cổ Nhuế 1, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra Cơ sở đang kinh doanh 740kg hàng hóa là thực phẩm đông lạnh gồm 130kg thịt lợn nạc vai; 560kg thịt gà và 50kg thịt bò là hàng hóa được bao gói sẵn, đựng trong các túi nilong và chứa đựng trong các thùng carton giấy; Trên bao bì hàng hóa không có nhãn hàng hóa thể hiện thông tin về nơi sản xuất hay xuất xứ của hàng hóa; Hàng hóa không có hóa đơn chứng từ kèm theo hàng hóa là hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bước sang đầu tháng 5/2024 lực lượng chức năng cũng liên tiếp phát hiện và ngăn chặn lượng lớn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu.

Theo đó, vào ngày 3/5/2024, Đội Quản lý thị trường số 11 phối hợp với Đội 7 PC 03 Công an TP Hà Nội kiểm tra hộ kinh doanh thực phẩm tại số 6 nghách 4 đường phía Nam, thôn kỳ Thuỷ, Bích Hoà, Thanh Oai, Hà Nội. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 1.520 kg thực phẩm là nầm lợn, lườn vịt, đùi vịt các loại. Làm việc với đoàn kiểm tra chủ cơ sở đã không xuất trình được bất cứ giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số thực phẩm trên. Ngoài ra, cơ sở này cũng chưa có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.

Tiếp đến ngày 06/5/2024, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 24 và Công an huyện Hoài Đức tiến hành kiểm tra Cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát hàng hóa tại địa chỉ số 15 Ngõ 69 đường Vạn Xuân, Lai Xá, Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở chuyển phát đang có 18 chiếc máy hút thuốc lá điện tử, made in China, 370 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử trên vỏ hộp có chữ made in USA, 6300 gói loại 40g/gói dạng thuốc lá thành phẩm khác, vỏ bao bì có chữ made in Denmark by (quy đổi 20g=1 bao là: 12.600 bao). Đây là vụ việc điển hình trong việc lợi dụng mô hình chuyển phát hàng hóa để vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hóa là thuốc lá điện tử, đặc biệt là hàng cấm (thuốc lá thành phẩm dạng gói khác – thuốc lá lăn tay).

Ngày 07/5/2024, Đội Quản lý thị trường số 24 phối hợp với Đội 7 - Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra đối với Cơ sở kinh doanh hàng hoá tại địa chỉ số 115, đường Đồng Tiến, thôn Quyết Tiến, xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành Phố Hà Nội phát hiện lượng lớn thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, bao gồm: 40 thùng xúc xích (loại 04 viên/gói, 10 gói/túi, 0,5 kg/túi, 12 túi/thùng); 170 thùng xúc xích (loại 02 viên/gói, 50 gói/túi, 0,5 kg/túi, 12 túi/thùng); 210 thùng cánh gà (loại 25 gram/gói, 30 gói/hộp, 12 hộp/thùng); 22 thùng cánh gà (loại 30 gói/túi, 0,6 kg/túi, 12 túi/thùng); 160 thùng bỏng gạo (loại 180 gói/thùng, 05 kg/thùng).

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang