Thị trường Hà Nội sắp có nhiều sản phẩm hoa công nghệ cao nhờ ứng dụng KH&CN

author 06:31 14/10/2017

(VietQ.vn) - Tiềm năng đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội là rất rộng mở. Trong đó nổi bật là sản xuất và tiêu thụ hoa ứng dụng công nghệ cao.

Sự kiện: Khoa học công nghệ và Nông thôn

Hà Nội có lợi thế trong sản xuất hoa chất lượng cao

Những năm qua, sản xuất và tiêu thụ hoa, cây cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hiện toàn thành phố có khoảng 2.700ha diện tích sản xuất hoa, cây cảnh (tăng 1.350ha so với năm 2011).

Đến nay, Hà Nội có 50 vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín… với chủng loại hoa ngày càng phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu nhiều cấp độ tiêu dùng.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn TP mới đạt 25%. Trong đó, với lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt tỷ lệ 17,9%, trong chăn nuôi đạt 33,5% và thủy sản 13%.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Hà Nội là rất rộng mở. Trước hết, diện tích đất sản xuất nông nghiệp tương đối lớn, trên 150.000ha. Tính đến nay, toàn TP đã thực hiện dồn điền đổi thửa được gần 79.000ha, tạo điều kiện thuận lợi cho ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất. Hơn nữa, sau dồn điền đổi thửa, trên địa bàn TP đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, có hạ tầng kỹ thuật về giao thông, thủy lợi khá đồng bộ.

Hoa chất lượng cao đang được đánh giá là sản phẩm mang tính chiến lược của ngành Nông nghiệp Thủ đô trong việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao giá trị đất canh tác

Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuất hoa công nghệ cao

Ứng dụng KH&CN vào sản xuất hoa lan công nghệ cao

Từ năm 2006 đến năm 2009, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học Công nghệ (KH&CN), Hợp tác xã (HTX) Đan Hoài, huyện Đan Phượng, Hà Nội đã triển khai Dự án “Nghiên cứu tổ chức sản xuất và tiêu thụ hoa ứng dụng công nghệ cao bước đầu hình thành ngành sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ) và xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao theo quy mô công nghiệp tại Đan Phượng - Hà Nội”.

Sau khi triển khai dự án, cơ sở vật chất và năng lực khoa học công nghệ sản xuất hoa chất lượng cao, nhất là hoa lan Hồ Điệp đã được nâng cao đáng kể. HTX đã làm chủ được quy trình trồng, chăm sóc và xử lý ra hoa hàng loạt đối với lan Hồ Điệp trong nhà kính và hoa Lily trên đồng ruộng; đã có hệ thống nhà kính, nhà lưới hiện đại có thể chủ động sản xuất theo quy mô và phương thức công nghiệp đối với lan Hồ Điệp đạt chất lượng cao.

Những thành công bước đầu cũng đã giúp HTX Đan Hoài trở thành một mô hình sản xuất hoa cao cấp tại Thủ đô. Với quy mô 10.000 m2 nhà lưới sản xuất điều khiển nhiệt độ tự động qua hệ thống cảm ứng nhiệt máy tính và hệ thống tười nước giữ ẩm tự động, chuyên sản xuất các loại hoa cao cấp như hoa lan, hoa ly...

Trong đó, doanh thu từ sản xuất hoa lan hồ điệp trong nhà kính hiện đại đạt từ 4 đến 5 tỷ đồng/ha/năm; doanh thu từ sản xuất hoa lan vũ nữ, hoa ly trong nhà lưới hiện đại cấp II đạt từ 1,2 đến hai tỷ đồng/ha/năm. Doanh nghiệp cũng tạo công ăn việc làm cho 30 lao động thường xuyên và 70 lao động bán thời gian, với thu nhập trung bình 3,5 triệu đồng/tháng. Hằng năm, doanh nghiệp cung cấp cho thị trường gần 100 nghìn cây lan hồ điệp, hàng chục nghìn hoa ly, lan vũ nữ...với phẩm chất không thua kém hoa nhập khẩu về độ bền và mầu hoa.

Cùng với đó, HTX còn xây dựng được thương hiệu riêng “Flora Việt Nam” được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu và bảo hộ độc quyền.

Cũng trong địa bàn Hà Nội, Mê Linh vốn được coi là "vựa" hoa của Hà Nội cũng đã bắt đầu triển khai mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao. Nông dân tham gia mô hình được tập huấn kỹ thuật chăm sóc nên chất lượng hoa cao hơn hẳn so với mô hình sản xuất hoa hồng truyền thống. Hiện mỗi héc ta sản xuất hoa hồng chất lượng cao tại Văn Khê (Mê Linh) cho hiệu quả kinh tế từ 400 triệu đồng trở lên...

Tương tự là mô hình sản xuất hoa chất lượng cao của HTX hoa, cây cảnh Thụy Hương (huyện Chương Mỹ). Với diện tích 7ha, trong đó có 1.000m2 nhà kính hiện đại sản xuất giống lan hồ điệp, Hợp tác xã có thể cho hoa nở đúng thời điểm như ý muốn. Bên cạnh đó, nơi đây còn có 3.000m2 nhà lưới chuyên trồng hoa ly và đồng tiền; diện tích còn lại trồng các loại hoa: Loa kèn, cúc, hồng… Mỗi năm, doanh thu từ hoa của hợp tác xã đạt hơn 2 tỷ đồng.

Trước đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu, các địa phương cần khắc phục hạn chế trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm nay. Các sở, ban, ngành sớm hướng dẫn cụ thể hóa các chính sách, có chính sách ưu đãi đặc thù, nhất là trong việc tích tụ đất đai để thu hút doanh nghiệp, hộ dân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành xây dựng một điểm ứng dụng công nghệ cao của thành phố. Các địa phương chủ động tìm hiểu, đề xuất phương án đầu tư xây dựng mô hình phù hợp theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để tạo điểm nhấn trong sản xuất nông nghiệp, thuyết phục doanh nghiệp, người dân tham gia.

 Lê Huy

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang