TP Hà Nội có 10.925 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản

author 06:18 15/06/2023

(VietQ.vn) - Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm của TP Hà Nội đã hoàn thiện thủ tục quản lý và minh bạch thông tin của 653 doanh nghiệp với hơn 10.925 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, hiện nay hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm của TP Hà Nội đã hoàn thiện thủ tục quản lý và minh bạch thông tin của 653 doanh nghiệp với hơn 10.925 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, thực tế cho thấy, việc các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia ứng dụng sử dụng mã QR đã giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng cùng ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán trên thị trường. Qua đánh giá từ các cơ sở, sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn theo chuỗi có tem nhãn đều bán được giá cao hơn sản phẩm sản xuất truyền thống 10 - 30%.

Mặt khác, hệ thống điện tử ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi từng bước nâng cao năng lực cho hợp tác xã, doanh nghiệp trong sản xuất, cung ứng sản phẩm. Đặc biệt, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh truy xuất được ngày, tháng sản xuất, hạn sử dụng và nguồn gốc mặt hàng nên yên tâm về chất lượng.

TP Hà Nội đã hoàn thiện thủ tục quản lý và minh bạch thông tin của 653 doanh nghiệp với hơn 10.925 bộ mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ảnh minh họa

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội, thực hiện Chương trình OCOP, lũy kế đến nay, TP Hà Nội đã có 2.167 sản phẩm được đánh giá, công nhận. Trong đó, có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực. Với số lượng này, Hà Nội không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên), mà số sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao, cũng nhiều nhất.

Một trong những cách làm hiệu quả của Hà Nội đó là tạo cơ hội cho các sản phẩm có mặt tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Đây là nơi gặp gỡ, trao đổi với các nhà phân phối, từ đó có những điều chỉnh sản xuất phù hợp theo yêu cầu của người tiêu dùng.

Mỗi năm, theo kế hoạch trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên. Với nhiều dư địa để phát triển, việc thực hiện mục tiêu này của thành phố - sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và góp phần thiết thực vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thành phố kiến nghị Bộ NN&PTNT cùng cơ quan liên quan ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về hệ thống truy xuất nguồn gốc, quy định, hướng dẫn việc ứng dụng thông tin điện tử trong truy xuất nguồn gốc bằng mã QR cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại các địa phương; sau đó tích hợp lên hệ thống truy xuất hàng hóa quốc gia.

Ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp các sở, ngành liên quan phát triển, quản lý “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm sản và thủy sản thực phẩm an toàn cho thành phố” với mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thiện, tích hợp, kết nối vào Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia; tiếp tục tham mưu để có cơ chế hỗ trợ các cơ sở kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn có truy xuất tham gia hệ thống. Ngoài ra, các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở hoạt động về truy xuất nguồn gốc trên địa bàn như: Tư vấn, hướng dẫn thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, mã QR...

Thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, ngày 31/12/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định số 4173/QĐ-BKHCN công bố các tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc.

Cụ thể 3 tiêu chuẩn gồm: TCVN 12827:2019, Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau quả tươi; TCVN 12850:2019, Truy xuất nguồn gốc – Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc; TCVN 12851:2019, Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu đối với tổ chức đánh giá và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Truy xuất nguồn gốc là quá trình nghiệp vụ cho phép các đối tác theo dõi sản phẩm khi được chuyển từ đồng ruộng đến cửa hàng bán lẻ hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Mỗi đối tác thương mại tham gia truy xuất nguồn gốc phải định danh được nguồn trực tiếp (nhà cung cấp) và người tiêu thụ trực tiếp (khách hàng) của sản phẩm. Nó đưa ra khả năng xác định được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn theo thời gian trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Ưu tiên hàng đầu trong truy xuất nguồn gốc là để bảo vệ người tiêu dùng thông qua việc định danh sản phẩm nhanh hơn và chính xác hơn. Điều này rất quan trọng khi sản phẩm bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang