Hà Nội: Kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm đối với rượu thủ công trong dịp cuối năm

author 05:38 11/11/2024

(VietQ.vn) - Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hàng trăm ca ngộ độc rượu với con số tử vong lên tới hàng chục người. Trong đó, đa phần là do lạm dụng các loại rượu nấu, rượu ngâm theo phương pháp thủ công không rõ nguồn gốc.

Cảnh báo về nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm, TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin vừa qua cơ sở thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc do uống rượu không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần, trôi nổi ngoài thị trường. Những loại rượu này bị người sản xuất pha cồn công nghiệp vào để kiếm lợi nhuận.

Theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, thành phần ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp sẽ gây tổn thương lan tỏa ở cả 2 bên não. Nếu tình trạng này được xử lý chậm, tổn thương não sẽ lan rộng hơn, gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong. Đặc biệt, những người gầy yếu, suy kiệt và người trẻ (dưới 30 tuổi) là đối tượng dễ bị hạ đường huyết do rượu.

Được biết, thời gian qua, Trung tâm Chống độc đã phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng có nồng độ methanol rất cao, chiếm 70-90%. Nhiều đối tượng đã mua cồn này về pha chế thành rượu bán. Các chuyên gia cảnh báo, rượu không rõ nguồn gốc thường chứa các thành phần độc hại như methanol - một loại cồn công nghiệp cực kỳ nguy hiểm đối với con người. Khi uống phải methanol, người tiêu dùng có thể gặp các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, nôn mửa, và trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến mù lòa hoặc thậm chí tử vong.

Không chỉ dừng lại ở đó, rượu tự nấu không qua kiểm định còn có nguy cơ nhiễm các chất độc khác như acetaldehyde, furfural, và các chất hóa học phát sinh trong quá trình lên men. Những chất này có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến gan, thận, và hệ thần kinh trung ương, khiến người sử dụng dễ mắc các bệnh lý mạn tính.

Kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm đối với rượu thủ công trong dịp cuối năm. Ảnh minh họa

Thông tin về rượu thủ công trên địa bàn thành phố Hà Nộ, Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây ông Phạm Hùng Sơn cho biết, trên địa bàn thị xã có 108 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Trong đó, có 7 cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh; sản lượng sản xuất 50.000 lít/năm; 36 cơ sở kinh doanh bán lẻ rượu; 65 cơ sở bán lẻ rượu tiêu dùng tại chỗ. Hiện nay, việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công còn khó khăn do các hộ này nấu rượu chủ yếu bán lẻ quanh thôn, xóm, số lượng không đáng kể, chỉ nấu theo kinh nghiệm, chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, khó yêu cầu các cá nhân này thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính theo quy định về sản xuất, kinh doanh rượu.

Tương tự, tại huyện Hoài Đức (Hà Nội) có 155 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Trong đó, số cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh có nồng độ cồn trên 5,5 độ là 119 cơ sở; sản lượng sản xuất 11.000 lít/năm; 36 cơ sở bán lẻ rượu; 28 cơ sở bán rượu tiêu dùng tại chỗ được phân bố ở 20 xã, thị trấn trên địa bàn. Tuy nhiên, phần lớn cơ sở sản xuất rượu thủ công có quy mô nhỏ lẻ, nằm rải rác trong các khu dân cư, sử dụng chính diện tích nhà ở để sản xuất; sản xuất không thường xuyên, không thực hiện đăng ký hộ kinh doanh, điều kiện kinh tế còn hạn chế nên chưa tự giác nộp hồ sơ xin cấp phép sản xuất rượu thủ công theo quy định.

Kiểm soát chặt lưu thông rượu không rõ nguồn gốc trên thị trường

Để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng và hạn chế tình trạng sử dụng rượu nấu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm bày bán, lưu thông trên địa bàn.

Qua đó, phát hiện sớm, truy xuất triệt để nguồn gốc vi phạm; kiên quyết xử lý các vi phạm, nhất là hành vi làm giả, làm nhái, sử dụng nguyên liệu bị cấm trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và công khai vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông; yêu cầu các đơn vị, người dân không sử dụng rượu không dán tem, không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ theo quy định.

Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của rượu; trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, nghiêm cấm hành vi sản xuất rượu sử dụng nguyên liệu cấm, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, rượu không bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục điều tra, ngăn chặn việc sử dụng, lưu thông sản phẩm rượu nêu trên trên địa bàn. Cùng với đó, ngành Y tế phối hợp với ngành Công Thương và chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công;

Ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường. Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu, bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu.

Người dân tuyệt đối không sử dụng các loại động vật, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường. Về nhận diện, phân biệt rượu ethanol (rượu thông thường) và methanol rất khó. Cồn methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn.

Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau khi uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều axít formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.

Khuyến cáo về hậu quả của lạm dụng rượu, Ths. Lê Thị Phương Thảo, Phòng điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khuyên người dân không nên uống rượu quá 5 ngày/tuần. Đối với nam không nên uống quá 1 - 1,5 lon bia/ngày; không quá 2 ly rượu vang/ngày, 2 ly rượu (40 độ)/ngày.

Còn theo TS.Nguyễn Trung Nguyên, người dân hãy lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được đăng ký của các công ty, bảo đảm từ khâu sản xuất, phân phối. Việc mua bán có mã hàng, có hóa đơn, truy xuất được nơi sản xuất, người phân phối. Trong dịp cuối năm, uống rượu bia ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần uống, uống từ từ, kết hợp với sử dụng đồ ăn, xen kẽ với nước lọc.

Đặc biệt, theo các chuyên gia, người thân cần chú ý theo dõi người say rượu. Nếu người say vẫn nhận biết được thì nên cho ăn uống thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn, sữa, nước hoa quả có đường, nước canh, cháo loãng... để có năng lượng, nếu không dễ bị hạ đường huyết. Đồng thời, gia đình cần chú ý quan sát những dấu hiệu nặng ở người thân để đưa đi cấp cứu kịp thời.

Chẳng hạn, nếu uống phải rượu methanol, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng nhức đầu, lơ mơ, mất tri giác, mất thị lực, hôn mê. Các triệu chứng trên thường không xảy ra ngay trong cuộc nhậu, hầu hết bệnh nhân đều rơi vào tình trạng nguy kịch sau 1 ngày. Nếu không được nhập viện, điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong ở mức rất cao, trường hợp được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác. Có những ca nặng, dù được cứu sống nhưng việc điều trị rất khó khăn. Ngoài thở máy, bệnh nhân phải lọc máu liên tục kèm với các giải pháp lọc độc chất, chi phí điều trị có thể tốn hàng trăm triệu đồng.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang