Hà Nội kiểm soát chặt truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các bếp ăn trường học
Tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn thực phẩm tại khu vực trường học
Kiểm soát truy cập – an toàn bảo mật cho tổ chức, doanh nghiệp
Mối lo về an toàn thực phẩm từ hoa quả sấy khô nhập không rõ nguồn gốc, kém chất lượng
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trên địa bàn thành phố có hơn 4 nghìn bếp ăn tập thể trường học. Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm bếp ăn trường học luôn được đẩy mạnh.
Qua kiểm tra, ý thức phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể các trường học được nâng cao hơn. Đa số các trường đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng bếp ăn theo nguyên tắc một chiều.
Còn theo báo cáo từ Sở Y tế Hà Nội - thành viên của Ban Chỉ đạo 389 thành phố, tính đến hết tháng 10/2024, thành phố đã kiểm tra và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 20 cơ sở bếp ăn tập thể trong các trường học trên địa bàn. Trong số này, có 15 cơ sở đạt tiêu chuẩn, và kết quả xét nghiệm nhanh cho thấy 190/190 mẫu đều đạt yêu cầu, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho học sinh và giáo viên.
Công tác đảm bảo ATTP tại các trường học luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của thành phố. Hà Nội đặt mục tiêu kiểm tra, giám sát 100% các cơ sở giáo dục theo quy định, với con số kiểm tra trong năm 2023 đạt 84,5% trên tổng số cơ sở.
Hà Nội phấn đấu kiểm soát chặt nguồn gốc bếp ăn tập thể của tất cả các trường học trên địa bàn. Ảnh: Công Thương
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn trong việc quản lý ATTP tại các khu vực xung quanh trường học, đặc biệt là các loại thức ăn đường phố và gánh hàng rong khu vực cổng trường. Có những bếp ăn vẫn còn một số tồn tại như: Điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp; thiếu biện pháp phòng, chống côn trùng; chế độ vệ sinh dụng cụ, vệ sinh cá nhân chưa đúng quy định… Cùng với đó, nguồn gốc nguyên liệu đưa vào bếp ăn có nơi chưa rõ ràng; người sản xuất, chế biến, kinh doanh không được khám sức khỏe, tập huấn kiến thức bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Trước tình hình trên, ngay từ đầu tháng 8/2024, thành phố Hà Nội đã triển khai các đoàn kiểm tra chuyên đề về ATTP tại trường học. Không chỉ tập trung kiểm soát các bếp ăn tập thể trong trường, các đợt kiểm tra còn mở rộng ra khu vực cổng trường và các khu vực lân cận, nhằm kiểm soát hoạt động kinh doanh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe của học sinh.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, từ tháng 8/2024 đến tháng 8/2025, thành phố sẽ thực hiện các đợt cao điểm đảm bảo ATTP trong và ngoài các trường học.
Theo đó tất cả các bếp ăn trong trường học hiện đang được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc và quá trình chế biến thực phẩm. Cùng với đó, chính quyền địa phương đã được yêu cầu tăng cường giám sát các dịch vụ ăn uống xung quanh trường học. Đặc biệt, cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát, điều tra kỹ lưỡng các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, các dịch vụ ăn uống và quầy hàng quanh trường học nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.
Trong các đợt kiểm tra này, thành phố đặc biệt lưu ý đến các gánh hàng rong tự phát quanh cổng trường. Các gánh hàng này thường có nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng, gây nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Vì vậy, cơ quan chức năng sẽ tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm các cá nhân và tổ chức vi phạm quy định ATTP.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đã kiểm tra, giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại 19 cơ sở dịch vụ ăn uống trong khu vực sân bay trên địa bàn. Kết quả cho thấy có 12 cơ sở đạt tiêu chuẩn và xét nghiệm nhanh các mẫu thực phẩm cho thấy 190/190 mẫu đạt yêu cầu.
Bên cạnh công tác kiểm tra, thành phố đã ban hành Kế hoạch cao điểm truyền thông về ATTP giai đoạn 2024 – 2025 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về ATTP. UBND thành phố kỳ vọng kế hoạch này sẽ tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người tiêu dùng, các cơ quan quản lý, cũng như các tổ chức sản xuất và kinh doanh thực phẩm.
Trong tháng 11/2024, ngành y tế Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong quản lý. Những nỗ lực này không chỉ bảo vệ sức khỏe người dân mà còn tạo môi trường an toàn, lành mạnh cho các cơ sở giáo dục và xã hội.
Bếp ăn tập thể phải đảm bảo những điều kiện gì về an toàn thực phẩm?
Theo khoản 5 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định về cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống như sau: Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là cơ sở chế biến thức ăn bao gồm cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng-tin và bếp ăn tập thể."
Mặc dù bếp ăn tập thể thuộc trường hợp không cần phải xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tuy nhiên bếp ăn tập thể vẫn phải đảm bảo thực hiện các điều kiện quy định về việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Theo Điều 28 Luật An toàn thực phẩm 2010, nơi chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống của bếp ăn tập thể phải đảm bảo những điều kiện cụ thể: Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến. Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh. Có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh. Cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng. Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại. Có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ. Người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm.
An Dương (T/h)