Hà Nội kiểm soát nguồn gốc thực phẩm từ chăn nuôi, giám sát chất lượng các sản phẩm OCOP

author 15:02 29/12/2022

(VietQ.vn) - Để quản lý và kiểm soát tốt nguồn gốc thực phẩm từ chăn nuôi, Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cơ sở sản xuất, chế biến để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Kiểm tra nguồn cung thực phẩm có nguồn gốc động vật

Cùng với việc kiểm soát vệ sinh thú y tại các trang trại, Hà Nội cũng thành lập các đoàn liên ngành kiểm soát thực phẩm tại các chợ đầu mối, các cơ sở giết mổ tập trung nhằm đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm khi lưu thông trên thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho hay, hiện nay, Hà Nội có tổng đàn lợn đạt khoảng 1,4 triệu con, đàn gia cầm khoảng 39,6 triệu con; đàn trâu bò khoảng 160 nghìn con. Trên địa bàn thành phố hiện nay có 988 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, chủ yếu là thủ công, nhỏ lẻ.

Vì vậy, để kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã yêu cầu các trạm tại 30 quận, huyện phải nắm chắc địa bàn, thường xuyên kiểm tra đánh giá các cơ sở giết mổ, sơ chế, bảo quản, kinh doanh sản phẩm động vật và tổ chức ký cam kết cho các cơ sở giết mổ động vật, sơ chế, bảo quản kinh doanh sản phẩm động vật đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hà Nội tăng cương kiểm tra nguồn cung thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Ảnh minh họa

Trước vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, việc kiểm soát ngay từ quá trình chăn nuôi đã được Chi cục Chăn nuôi và Thúy Y Hà Nội quan tâm. Hàng tháng, Chi cục cũng chỉ đạo các Trạm Chăn nuôi và Thú y tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để kiểm tra dư lượng kháng sinh, kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi. Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi, cũng như kiểm soát tốt công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc và kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở giết mổ trên địa bàn.

Hiện nay, Hà Nội cũng đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại các địa bàn được phân công, xử lý hoặc chuyển xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về An toàn thực phẩm. Bên cạnh việc thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, lực lượng Chăn nuôi Thú y cơ sở cũng chủ động tăng cường công tác kiểm soát thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ thuộc địa bàn mình quản lý để đảm bảo tốt công tác Vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm nay.

Giám sát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm OCOP

Liên quan tới chất lượng thực phẩm, TP.Hà Nội cũng tăng cường giám sát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm OCOP. Theo đó Đoàn giám sát liên ngành bao gồm thành viên đến từ nhiều sở, ngành như: Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố và các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Công Thương. Nhiệm vụ của Đoàn là thực hiện kiểm tra, giám sát, duy trì, phát triển sản phẩm OCOP đã được công nhận về sự tuân thủ các quy định chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng bao bì, tem, nhãn mác, bảo vệ môi trường và các quy định khác của Nhà nước có liên quan đến tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP...

Qua công tác kiểm tra, Đoàn cũng sẽ tiến hành lấy mẫu các sản phẩm thuộc nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, thảo dược để kiểm tra, phân tích, đánh giá chất lượng.

Được biết, qua 4 năm triển khai chương trình OCOP- Mỗi xã một sản phẩm, Hà Nội đã có hơn 2000 sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 đến 4 sao, trong đó có rất nhiều là sản phẩm nông sản thực phẩm. Thành phố đã có nhiều hoạt động kiểm tra, rà soát, kiểm nghiệm để bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm của sản phẩm OCOP.

Với một quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, tiêu chí rõ ràng thì các sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP sẽ  là cơ sở để người tiêu dùng tin tưởng vào chất lượng cũng như độ an toàn thực phẩm. Mỗi lần đánh giá, cấp sao sản phẩm OCOP là một lần xét duyệt tổng quan, hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về An toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn OCOP.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, khi được đánh giá cấp sao OCOP, các sản phẩm của cơ sở cũng đã được kiểm nghiệm chặt chẽ nhằm đảm bảo an toàn khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường. 

Cùng với việc đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, Hà Nội cũng đã xây dựng được 68 cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các quận, huyện. Xác định rõ không chạy theo số lượng mà chú trọng vào chất lượng nên trong quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ cũng như chất lượng sản phẩm từ các quận, huyện cho đến Hội đồng thẩm định của Thành phố thì ưu tiên hàng đầu đó là chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thuộc ngành nông sản, đồ uống, dược liệu…

Với việc xây dựng chuỗi cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại các quận, huyện và hỗ trợ tiêu thụ tại các siêu thị và cửa hàng tiện ích thì các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Hà Nội cũng ngày càng được người tiêu dùng đón nhận, tin tưởng lựa chọn để tiêu thụ trong mỗi bữa ăn gia đình.

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang