Hà Nội: Tạm giữ trên 10.000 gói kẹo nghi nhập lậu

author 06:57 09/06/2024

(VietQ.vn) - Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Hà Nội vừa phát hiện và tạm giữ hơn 10.000 gói kẹo có ghi nhãn chữ nước ngoài nhưng không có chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Theo đó, trong công tác triển khai kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, kinh doanh hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, vi phạm an toàn thực phẩm, chất lượng và gian lận thương mại, vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử năm 2024 trên địa bàn huyện Thanh Trì, Đội QLTT số 7 phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Thanh Trì tiến hành khám điểm tập kết hàng hóa tại địa chỉ khu tổ hợp ga Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Đội QLTT số 7 và cơ quan phối hợp phát hiện tại điểm tập kết hàng hóa tại nhà mái tôn nằm trong Khu tổ hợp ga Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội có 10.800 gói kẹo đựng trong 15 thùng carton có ghi nhãn chữ nước ngoài. Toàn bộ số hàng hóa nêu trên là hàng hóa do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa trên.

Theo cơ quan chức năng, các sản phẩm bánh kẹo có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm do có thể trộn bánh, kẹo đã hết hạn sử dụng hoặc hàng kém chất lượng. Ngoài ra, sử dụng hàng hóa không rõ nguồn gốc có nguy cơ nhiễm chất độc, vi sinh. Do đó, sử dụng sản phẩm này sẽ tăng nguy cơ bị ngộ độc hoặc bệnh cấp tính như tiêu chảy cho người sử dụng. 

Lượng lớn kẹo nhập lậu bị thu giữ. (Ảnh: Cục QLTT Hà Nội)

Căn cứ khoản 1 Điều 7 Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì sản phẩm bánh kẹo phải công bố chất lượng khi nhập khẩu. Hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm đối với sản phẩm nhập khẩu gồm: Bản công bố sản phẩm được quy định; Giấy chứng nhận lưu hành tự do hoặc Giấy chứng nhận xuất khẩu hoặc Giấy chứng nhận y tế của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất xứ/xuất khẩu cấp có nội dung bảo đảm an toàn cho người sử dụng hoặc được bán tự do tại thị trường của nước sản xuất/xuất khẩu (hợp pháp hóa lãnh sự).

Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ được cấp bởi phòng kiểm nghiệm được chỉ định hoặc phòng kiểm nghiệm được công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 17025 gồm các chỉ tiêu an toàn do Bộ Y tế ban hành theo nguyên tắc quản lý rủi ro phù hợp với quy định của quốc tế hoặc các chỉ tiêu an toàn theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng do tổ chức, cá nhân công bố trong trường hợp chưa có quy định của Bộ Y tế (bản chính hoặc bản sao chứng thực).

Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố (bản chính hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân). Khi sử dụng bằng chứng khoa học về công dụng thành phần của sản phẩm để làm công dụng cho sản phẩm thì liều sử dụng hàng ngày của sản phẩm tối thiểu phải lớn hơn hoặc bằng 15% lượng sử dụng thành phần đó đã nêu trong tài liệu.

Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) hoặc chứng nhận tương đương trong trường hợp sản phẩm nhập khẩu là thực phẩm bảo vệ sức khỏe áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2019 (bản có xác nhận của tổ chức, cá nhân).

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang