Hà Nội: Tăng cường kết nối cung cầu tiêu thụ rau an toàn

author 06:13 19/08/2017

(VietQ.vn) - Trước nhu cầu về rau an toàn của người dân, các DN nông nghiệp ngày càng muốn tìm ra những giải pháp để tiếp cận sâu hơn tới người tiêu dùng và tạo nên một chuỗi liên kết cung cầu vững chắc.

Ngày 18/8, đông đảo các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp đã tham dự Hội nghị “Kết nối cung cầu nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn Thành phố Hà Nội” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Thành phố Hà Nội phối hợp với Nhóm dự án hỗ trợ nông dân sản xuất rau an toàn (Tổ chức JICA Nhật Bản) tổ chức.

Hội nghị là cơ hội để cơ sở sản xuất tiêu biểu có dịp giới thiệu các sản phẩm chất lượng đến doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nắm bắt thông tin, kiểm soát tốt hơn các sản phẩm an toàn được sản xuất và phân phối trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội cho biết: Với trên 10 triệu dân đang sinh sống và hàng năm đón khoảng trên 21 triệu lượt khách du lịch, Hà Nội cần lượng lương thực, thực phẩm an toàn rất lớn, trong khi đó, khả năng sản xuất tại chỗ của ngành nông nghiệp mới đảm bảo khoảng 55- 60% lương thực, thực phẩm.

Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm nhập từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tiêu thụ chủ yếu do thương lái thu gom và cung cấp về các chợ đầu mối (chiếm từ 75- 80%). Sau đó được chuyển đi các chợ dân sinh, cửa hàng bán thực phẩm… do đó, công tác quản lý chất lượng nông sản thực phẩm này rất khó khăn.

Đông quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng việc quản lý sản xuất rau an toàn rất khó khăn do nông dân sản xuất qui mô nhỏ, phân tán, số hộ sản xuất rau rất lớn với trên 200 nghìn hộ.

Bên cạnh đó, nhân lực, kinh phí cho công tác hướng dẫn, kiểm tra và kiểm nghiệm an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu nên khó khăn trong đánh giá việc chấp hành các qui định của nông dân, của cơ sở sản xuất và thiếu thông tin cho doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc kinh doanh và tiêu thụ rau an toàn. Vì vậy, người tiêu dùng khó mua được rau an toàn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Người sản xuất chưa bán được rau an toàn theo đúng giá trị, trong khi có rất ít doanh nghiệp kinh doanh, tiêu thụ; đồng thời hợp tác xã nông nghiệp hầu như không có vai trò tiêu thụ rau an toàn cho nông dân.

Các DN tham quan sản phẩm rau an toàn trưng bày tại Hội nghị. Ảnh: Báo Hải quan 

Ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần VietGap cho biết, đơn đặt hàng của người tiêu dùng luôn có nhưng vấn đề là DN khó tìm được nhà sản xuất, hộ nông dân đáp ứng được tiêu chuẩn, yêu cầu của khách hàng. Bởi nghịch lý là số lượng hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất thực phẩm an toàn đã có nhiều, nhưng để thực sự đáp ứng được yêu cầu của khách hàng vẫn rất ít, họ vẫn chưa biết cách thỏa thuận để giá cả hợp lý, cách thức vận chuyển hay đóng gói bao bì… Chưa kể, DN phân phối sản phẩn nông nghiệp vẫn chưa có quy chế bảo vệ khi người nông dân phá vỡ hợp đồng, pháp luật vẫn đang bảo vệ người nông dân nhiều hơn.

Vì thế, để giúp các DN tăng cường khả năng kết nối, cung ứng sản phẩm, các chuyên gia cho rằng, nhà sản xuất rau an toàn cần xác định được nhu cầu của khách hàng thông qua trao đổi trực tiếp, thiết lập trước hệ thông với người tiêu dùng rồi mới sản xuất theo nhu cầu. Qua đó, không những đảm bảo nguồn hàng tốt hơn mà tránh được tình trạng được mùa mất giá hoặc bị tư thương ép giá.

Do đó, tại hội nghị, các DN đã được kết nối, làm việc với nhau thông qua trao đổi bàn tròn; được nghe chia sẻ kinh nghiệm sản xuất rau an toàn, nông sản sạch từ các chuyên gia nước ngoài. Các DN đều đánh giá, đây là cơ hội tốt để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác theo nhu cầu, bởi hiện nay, các hoạt động xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế, nhất là với nhiều DN mới tham gia vào thị trường.

Chia sẻ với các nhà sản xuất Việt Nam đại diện Tổ chức JICA Nhật Bản cho biết, tại Nhật Bản người sản xuất và người mua cùng hợp tác để sản xuất và phân phối rau an toàn tới người tiêu dùng; thiết lập sự đồng thuận giữa người sản xuất và người mua. Theo đó, người sản xuất và người mua cùng nhau lập kế hoạch sản xuất và thực hiện sản xuất dựa trên kế hoạch sản xuất đã lập.

Sự hợp tác giữa người sản xuất và người mua được thực hiện thông qua các cuộc họp mặt trực tiếp của các bên liên quan nhằm thống nhất ý kiến về chất lượng và tiêu chuẩn giao hàng cho mỗi loại rau.

Theo thống kê, toàn thành phố Hà Nội hiện có 12.000ha canh tác rau, với 40 chủng loại rau. Trong đó, diện tích trồng rau được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn là 5.000ha, đạt sản lượng 400 nghìn tấn/năm, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô; còn lại 60% nhu cầu do các tỉnh: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương… cung cấp. Việc kết nối tiêu thụ rau an toàn giữa Hà Nội và các tỉnh có vai trò quan trọng, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; thông qua đó, các hợp tác xã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Tuy nhiên, để kết nối bền vững, nông dân cần sản xuất theo nhu cầu thị trường và đáp ứng các yêu cầu của đối tác về quy trình, kỹ thuật sản xuất, màu sắc, sản lượng, loại sản phẩm…

Phong Lâm (T/h)

Người tiêu dùng ngộ nhận rau tự trồng là rau an toàn(VietQ.vn) - Lo ngại các loại rau trên thị trường bị nhiễm hóa chất độc hại nhiều gia đình đã tự trồng rau vào hộp xốp, nhưng thực tế rau tự trồng liệu có an toàn?
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang