Hà Nội tăng cường kiểm tra và phòng chống thuốc giả

author 13:54 25/08/2022

(VietQ.vn) - Trước tình trạng thuốc giả tràn lan trên thị trường, Sở Y tế TP. Hà Nội đã có công văn yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn phòng chống thuốc giả.

Không chỉ thực phẩm ăn uống bị làm giả mà hiện nay thuốc chữa bệnh cũng được làm giả khá tinh vi và giao bán tràn lan. Thậm chí các đối tượng còn bất chấp khi mà dùng mọi chiêu thức để quảng cáo sản phẩm thuốc điều trị giả đến tay người tiêu dùng thông qua mạng xã hội.

Thông tin về thực trạng sản xuất, buôn bán thuốc giả mạo, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương) cho biết, từ đầu năm tới nay lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, xử lý hàng loạt vụ việc liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng giả, trong đó giả về chất lượng, công dụng, giả mạo về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu; giả tem, bao bì hàng hóa; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các tỉnh thành, trong đó nổi bật là Hà Nội và TP.HCM.

 Hà Nội tăng cường kiểm tra và ngăn chặn thuốc giả. Ảnh minh họa

Trước thực trạng trên, Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn số 3715/SYT-NVD về việc tăng cường kiểm tra, tuyên truyền phòng chống thuốc giả, gửi các cơ sở y tế trong và ngoài công lập; cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc trên địa bàn.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Cục Quản lý Dược tại công văn số 7777/QLD-CL ngày 12/8/2022 về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, phòng chống thuốc giả.

Về nội dung này, Sở Y tế đã có nhiều văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường kiểm tra đảm bảo chất lượng thuốc. Tuy nhiên trước tình hình các cơ quan chức năng, cơ quan kiểm nghiệm tiếp tục phát hiện nhiều cơ sở bán buôn, bán lẻ phân phối thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nghi ngờ giả.

Do đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở y tế, các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn tuân thủ việc kinh doanh, mua bán thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; chú trọng công tác đảm bảo chất lượng thuốc trong sử dụng, sản xuất, kinh doanh để kịp thời phát hiện thuốc không đảm bảo chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, thuốc nghi ngờ giả; nếu phát hiện khẩn trương thông báo về Sở Y tế (Thanh tra Sở) để có biện pháp xử lý.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đăng tải thông tin và phối hợp với các cơ quan truyền thông thông tin tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân: Chỉ mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ hợp pháp, thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thông báo các dấu hiệu nghi ngờ về sản xuất, buôn bán thuốc giả tới cơ quan chức năng.

Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội tăng cường công tác lấy mẫu kiểm tra chất lượng thuốc, lưu ý đối với các thuốc có nguy cơ vi phạm chất lượng.

Thông tư 11/2018/TT-BYT quy định về chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc

Thông tư này quy định việc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng thuốc (thuốc hóa dược, thuốc dược liệu, vắc xin, sinh phẩm), nguyên liệu làm thuốc (trừ dược liệu); việc kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc và thủ tục thu hồi, xử lý thuốc vi phạm.

Áp dụng tiêu chuẩn chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc

Theo đó các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở pha chế thuốc áp dụng tiêu chuẩn chất lượng của thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo dược điển hoặc theo tiêu chuẩn cơ sở đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở sản xuất, pha chế.

Cơ sở kinh doanh dược, cơ sở pha chế thuốc phải tiến hành thẩm định, đánh giá phương pháp kiểm nghiệm ghi trong tiêu chuẩn chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc do cơ sở sản xuất công bố áp dụng. Việc thẩm định phương pháp kiểm nghiệm thực hiện theo hướng dẫn về thẩm định quy trình phân tích của Hiệp hội các nước Đông Nam Á hoặc ICH được quy định tại Thông tư quy định việc đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

Bộ Y tế tổ chức thẩm định hồ sơ và phê duyệt tiêu chuẩn chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo quy định về đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc, quy định về cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành.

Áp dụng tiêu chuẩn cơ sở

Tiêu chuẩn cơ sở về thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải đáp ứng quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 102 của Luật dược, cụ thể như sau:

a) Đáp ứng yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng, mức chất lượng được quy định tại chuyên luận tương ứng của Dược điển Việt Nam và chỉ tiêu chất lượng, mức chất lượng, phương pháp kiểm nghiệm chung được quy định tại các Phụ lục của Dược điển Việt Nam;

b) Trường hợp Dược điển Việt Nam, dược điển tham chiếu quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 4 Thông tư này chưa có chuyên luận thuốc, nguyên liệu làm thuốc tương ứng, cơ sở xây dựng tiêu chuẩn trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học (bao gồm cả kết quả nghiên cứu phát triển sản phẩm) hoặc theo quy định của dược điển nước ngoài khác.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang