Hà Nội: Tăng cường tính tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh đa cấp

author 20:54 29/11/2022

(VietQ.vn) - Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Việt Nam hiện ngày càng ổn định, doanh thu tăng trưởng liên tiếp trong 4 năm qua. Tuy còn một số hạn chế, nhưng các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đã và đang hướng đến phương thức hoạt động minh bạch, tuân thủ pháp luật trong kinh doanh đa cấp.

Tăng trưởng cao nhưng vẫn còn tồn tại, hạn chế

Ngày 29/11/2022, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp. Hội nghị có sự tham dự của gần 100 đại biểu, đại diện các sở ban ngành liên quan, đại diện các Đội Quản lý Thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội, các đơn vị kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn Hà Nội.

Hội nghị tập huấn pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức.

Theo số liệu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), tính đến hết năm 2021, trên thị trường có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, hoạt động hợp pháp, tập trung chủ yếu tại một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 800 ngàn người tham gia, kinh doanh hơn 7.000 mặt hàng, đạt doanh thu hơn 15 ngàn tỷ đồng, nộp NSNN hơn 1.800 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2015 – 2020, doanh thu của bán hàng đa cấp tại Việt Nam tăng trưởng bình quân 16%/năm, thuộc top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng bán hàng đa cấp mạnh mẽ nhất trên thế giới.

Thực tế số lượng doanh nghiệp kinh doanh đa cấp giảm nhưng doanh thu lại tăng trưởng mạnh mẽ đã chứng tỏ hoạt động bán hàng đa cấp đã phát triển dần đi vào chiều sâu và chất lượng của lĩnh vực kinh doanh đa cấp tại Việt Nam và đã phản ánh xu hướng phát triển lành mạnh, kết quả kinh doanh gặt hái lợi nhuận ngày càng nhiều hơn. Tại Việt Nam, doanh thu bán hàng đa cấp tăng trưởng liên tiếp trong 4 năm qua, tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật với danh mục bán hàng phong phú, chất lượng cao; đồng thời luôn quan tâm đến hoạt động cộng đồng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Hiệp- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp hiện vẫn còn những tồn tại, hạn chế gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước như: việc giám sát các tổ chức hội nghị, hội thảo đào tạo của doanh nghiệp theo quy định còn gặp nhiều khó khăn; hồ sơ gửi đến Sở Công Thương không ghi số lượng và danh sách người tham gia, gây khó khăn cho công tác phối hợp quản lý, giám sát kiểm tra;

Vẫn còn xảy ra tình trạng hoạt động kinh doanh lợi dụng mô hình đa cấp để lừa đảo đối với đối tượng không phải là hàng hóa như: hoạt động đầu tư tiền vào các dự án, tiền điện tử, tiền ảo… không thuộc phạm vi quản lý của Nghị định 40/2018/NĐ-CP, gây khó khăn trong công tác quản lý.

Trong năm 2022, đã có 2 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đa cấp là Công ty TNHH Seberian Health quốc tế và công ty TNHH Homeway Việt Nam.

Nâng cao năng lực tuân thủ quy định pháp luật

Tại hội thảo, ông Phạm Văn Cao - Phó trưởng phòng bán hàng đa cấp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã giới thiệu Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh đa cấp phải thực hiện các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Đặc biệt là thực hiện đúng quy định về ký hợp đồng với người tham gia, hoạt động đào tạo, vấn đề hàng hóa, quy định về chi trả hoa hồng, cũng như chế độ báo cáo.

Cụ thể, Nghị định 40 quy định người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo trong chương trình khuyến mại, trong vòng 30 ngày, số tiền hoàn trả không thấp hơn 90% số tiền đã trả để nhận số hàng hóa đó

Hoa hồng trả cho nhà phân phối không được vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp và phải thanh toán theo hình thức chuyển khoản qua ngân hàng…- ông Phạm Văn Cao nêu rõ.

Là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bán hàng đa cấp, ông Nguyễn Phương Sơn- Giám đốc Đối ngoại Amway Việt Nam đã giới thiệu về hệ thống công nghệ thông tin quản lý từng đơn hàng và hoa hồng của Amway.

Ông Nguyễn Phương Sơn cho biết, máy chủ của Amway Việt Nam được đặt tại Việt Nam, do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ dễ dàng kiểm tra hoạt động của công ty. Mọi thông tin về hoạt động của công ty được thể hiện rõ ràng, minh bạch trên hệ thống quản lý, đáp ứng đầy đủ quy định của Nghị định 40/NĐ-CP.

Ông Nguyễn Phương Sơn- Giám đốc Đối ngoại Amway Việt Nam: Doanh nghiệp kinh doanh đa cấp ngày càng hướng tới thông tin minh bạch, rõ ràng. 

Chẳng hạn như, khi vào máy chủ sẽ thấy được thông tin về nhà phân phối, hoa hồng, danh hiệu, lịch sử mua hàng. Mã số thành viên, ngày gia nhập, trạng thái, CMT, thẻ CCCD, số điện thoại, nhà phân phối; thấy được hệ thống tuyến bảo trợ, trường thông tin về mã số thành viên, tìm được tất cả thông tin của người tham gia- rất minh bạch

Qua đây, cũng dễ dàng tìm được thông tin trên hóa đơn, mỗi người phân phối mua bao nhiêu hàng, bán ra như thế nào. Đây là cơ sở để người mua hàng có thể được trả lại hàng trong vòng 30 ngày.

Amway cũng đầu tư rất lớn cho trang thông tin điện tử của mình, mỗi nhà phân phối sẽ có mã số vào trang thông tin, để có thể tự tra được hoa hồng của mình hàng tháng, xem công ty trả có đúng theo quy định không, nếu không đúng có thể khiếu nại- ông Nguyễn Phương Sơn thông tin.

Tất cả hồ sơ của Amway về pháp lý và chính sách của Amway, danh sách địa bàn kinh doanh, thông tin hàng hóa kinh doanh đa cấp, thông tin hoạt động xã hội của doanh nghiệp, thông tin mua hàng trực tuyến, qua đây, có thể theo dõi hàng của mình từ khi đặt hàng, thanh toán, lịch sử đơn hàng, tuyến trên, tuyến dưới trong hệ thống của nhà phân phối, dựa trên mã số của người phân phối.

Với sự rõ ràng, minh bạch về thông tin, ông Nguyễn Phương Sơn cam kết, Amway hoạt động tuân thủ đúng pháp luật, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, thu nhập cho người tham gia.

Tại hội nghị, những khúc mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh đa cấp đã được đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Sở Công Thương Hà Nội giải đáp cặn kẽ. Nhận định hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng ổn định, mặc dù số lượng doanh nghiệp giảm, đến nay chỉ còn 20 đơn vị,  nhưng tạo ra doanh thu lớn, đóng góp lớn cho NSNN, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, ông Nguyễn Thế Hiệp- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội bày tỏ sự tin tưởng đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn sẽ nâng cao tính tuân thủ pháp luật, để hoạt động này ngày càng phát triển lành mạnh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội đất nước.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang