Hà Nội thay loại cây chỉ phù hợp trồng trên núi

author 06:30 24/03/2015

“Vàng Tâm hay Mỡ đều phải sống trên độ cao 300-400m so với mức nước biển mà Hà Nội cao 6m. Người Mèo không thể xuống núi cũng như loại cây này không thể trồng ở Hà Nội mà tươi tốt”.

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hiệp - Trung tâm Bảo tồn Thực vật VN nói tại hội thảo “Từ đề án cải tạo, thay thế 6.700 cây xanh nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội” chiều 23/3.

Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn 2014 – 2015 sẽ thực hiện chặt hạ, trồng thay thế 6.708 cây xanh trên 190 tuyến phố (tạm gọi là “Đề án 6700”).

Hà Nội thay loại cây chỉ phù hợp trồng trên núi

Cây xanh mà Hà Nội định trồng không phải Vàng Tâm mà là cây Mỡ có giá trị thấp và không có bóng mát.

Theo đề án đã được phê duyệt, cây được trồng thay thế là cây Vàng Tâm có giá trị cao ngang cây Sưa. Tuy nhiên, trên một số tuyến đường, các chuyên gia thẩm định đó là cây Mỡ - chuyên dùng làm bút chì, giấy. Và đó cũng là lý do mà nhiều chuyên gia, luật sư cho rằng, Hà Nội đang vi phạm danh mục, làm mất lòng tin ở người dân khi trong 21 trang không có cây nổi cộm là cây Mỡ. 

Theo TS Nguyễn Tuấn Hiệp, cây Mỡ và Vàng Tâm cùng một nhóm. Chúng đều rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng núi cao. Toàn bộ loại cây được trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh hiện này là cây Mỡ, sẽ ra hoa vào các tháng 2, 3, 4 hàng năm. Khi ra hoa có mùi thơm, nhưng chỉ sau 25 ngày hoa sẽ rụng. Đáng nói khi hoa loại cây này rụng có “mùi xú uế”.

Đặc biệt, với cả 2 loại cây này, chúng thường chỉ sinh sôi phát triển tốt ở độ cao từ 300-400m so với mặt nước biển. Bởi vậy, với độ cao 6m như Hà Nội, chúng hoàn toàn không phù hợp.

“Người Mèo không thể xuống núi cũng như loại cây này không thể trồng ở Hà Nội mà tươi tốt. Tôi dự báo khả năng cây chết rất cao. Rất khó sống trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu như ở Hà Nội”, TS Hiệp nhận định.

Theo các chuyên gia, cây Mỡ có giá trị bình thường bởi gỗ không tốt, nguyên liệu thường được làm giấy, vỏ bút chì…Tuy nhiên, không quan trọng những cây thay thế mà Hà Nội đang trồng là Mỡ hay Vàng Tâm, GS. Nguyễn Lân Dũng, chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam chỉ cần quan tâm đến việc nó có mang lại hiệu quả là bóng mát cho người dân hay không?

“Cả Mỡ và Vàng Tâm khi trồng trên phố đều không phù hợp. Loại cây này sau 10 năm trồng cũng chưa chắc có bóng mát. Khí hậu thổ nhưỡng miền núi và Hà Nội hoàn toàn khác nhau, tôi không hiểu ai có sáng kiến trồng nhóm cây này trên phố Nguyễn Chí Thanh, không hiểu cơ sở khoa học để đề xuất trồng loại cây này trên phố là ở đâu?" - GS. Dũng băn khoăn.

Trong khi đó, lật lại vấn đề tại sao khi chặt hạ 6.700 cây xanh, Hà Nội cho rằng chúng đang bị sâu mọt, bệnh tật, TS Phó Đức Tùng - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lâm nghiệp đô thị (Đại học Lâm nghiệp) cho rằng: Đó là vì Hà Nội chưa bao giờ trồng cây đường phố đúng kỹ thuật. 

“Trồng cây đô thị khác hẳn với các loại cây ở nông thôn, đồi núi, không phải cứ khoét khoét đất lên rồi trồng cây xuống như thế được. Nếu trồng như thế thì cây mới không thể có khả năng phát triển bằng một cây cũ được, làm cây tồi đi. Do vậy, khả năng 30-40 năm nữa chưa chắc có cây được cho là dặt dẹo như bây giờ”, TS Tùng khẳng định chắc chắn.

Trà Phương

 


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang