Hà Nội: Vi phạm an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt cao nhất
Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua thanh toán trực tuyến PayPal người dùng cần lưu ý
6 giá trị độc bản tại The Continental: Định nghĩa mới về chuẩn sống toàn cầu
Tại Kỳ họp thứ XX ngày 12/12, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố (thực hiện Khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô).
Nghị quyết quy định mức tiền phạt áp dụng đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố được quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ.
Những hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm không quy định tại Nghị quyết này, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt quy định tại Nghị quyết này được áp dụng theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Cụ thể, mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này bằng 2 lần mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính tương ứng áp dụng cho cá nhân, tổ chức tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Hà Nội xử phạt 3.234 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa
Mức tiền phạt quy định tại Nghị quyết này là mức phạt đối với cá nhân, trừ quy định tại một số khoản là mức phạt đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức tiền phạt đối với tổ chức bằng 2 lần mức tiền phạt đối với cá nhân.
Theo đó, vi phạm quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm có thể bị phạt cao nhất đến 40 triệu đồng.
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong vận chuyển thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm sẽ có mức phạt cao nhất đến 20 triệu đồng.
Ngoài ra, vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm có mức phạt cao nhất đến 30 triệu đồng.
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố bị phạt cao nhất đến 6 triệu đồng; vi phạm quy định về Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bị phạt cao nhất đến 120 triệu đồng. Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Liên quan tới vấn đề an toàn thực phẩm, ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội cho biết, thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.
Trong năm 2024, thành phố Hà Nội đã kiểm tra và hậu kiểm 70.809 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Trong đó, 3.234 cơ sở vi phạm đã bị xử phạt với tổng số tiền lên đến hơn 14,1 tỷ đồng.
Ngoài ra Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm trong năm 2024. Tổng cộng, 656 đoàn kiểm tra đã được thành lập, kiểm tra 70.809 cơ sở, trong đó 63.445 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 89,6%), còn lại 7.364 cơ sở vi phạm. Từ đó, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính 3.234 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 14,1 tỷ đồng.
Các vi phạm phổ biến được ghi nhận trong năm 2024 bao gồm: Khu vực chứa đựng, trưng bày hàng hóa không đầy đủ giá kệ. Doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không thực hiện cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Vi phạm các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại khu vực bếp, như có côn trùng và động vật gây hại. Ghi nhãn sản phẩm không đúng quy định.
Ngoài việc xử phạt, các cơ quan chức năng còn tiến hành tiêu hủy 199 loại sản phẩm vi phạm của 5.709 cơ sở, bao gồm 10.000 bánh trung thu và 14.221 kg thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, một cơ sở bị thu hồi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Để hạn chế tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm, thành phố Hà Nội cam kết ngăn chặn việc lưu thông các sản phẩm không an toàn, yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải có biện pháp khắc phục nếu muốn tiếp tục hoạt động. Thành phố cũng sẽ công khai thông tin về các cơ sở không đạt yêu cầu an toàn thực phẩm trên các phương tiện truyền thông để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn.
UBND Hà Nội đã phát động Kế hoạch 344/KH-UBND thực thi Chỉ thị 38/CT-TTg ngày 11/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào việc tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm (NĐTP) trên địa bàn. Kế hoạch hướng đến việc thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng NĐTP, từ phát hiện sớm đến hạn chế tối đa hậu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Đồng thời, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, kêu gọi sự tham gia tích cực của cộng đồng và đẩy mạnh nhận thức về ATTP.
Thành phố cũng yêu cầu các cấp chính quyền tăng cường vai trò lãnh đạo, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm. Các đội điều tra và xử trí sẽ được kiện toàn để xử lý kịp thời mọi sự cố.
An Dương (T/h)