Hà Nội: Xét nghiệm nhanh 96% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống

author 07:00 29/01/2018

(VietQ.vn) - Năm 2018, Sở Y tế Hà Nội phấn đấu hoàn thành việc xét nghiệm nhanh 96% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố khi kiểm tra.

Tăng cường lấy mẫu, xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 310/KH-SYT về triển khai công tác ATTP ngành Y tế Hà Nội năm 2018. Theo nội dung kế hoạch, song song với việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh thông tin về ATTP, trong năm nay, ngành Y tế Hà Nội sẽ chú trọng các hoạt động phòng chống ngộ độc thực phẩm, duy trì, nhân rộng các mô hình điểm về ATTP.

Cụ thể, duy trì và nâng cao năng lực hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ thành phố tới quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn. Thực hiện các chuyên đề về ATTP như: Dịch vụ ăn uống, nước uống đóng chai, nước đá dùng liền, thức ăn đường phố và các chuyên đề khác theo phân cấp và thực trạng ATTP trên địa bàn;

Phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện công tác đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể trong trường học, cơ quan, đơn vị và các khu công nghiệp. Tổ chức diễn tập điều tra xử lý vụ ngộ độc thực phẩm đông người tại tuyến quận, huyện, thị trấn; Đảm bảo ATTP tại các hội nghị, sự kiện diễn ra trên địa bàn thành phố và các đợt cao điểm như dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu...

 96% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại Hà Nội sẽ được xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm

96% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tại Hà Nội sẽ được xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm. Ảnh: Hà Nội mới

Bên cạnh đó, tổ chức điều tra xử lý 100% vụ ngộ độc thực phẩm khi được thông báo. Triển khai các hoạt động của “Dự án an toàn thực phẩm” lĩnh vực ngành Y tế (dự án 4), hoạt động truyền thông về ATTP thuộc dự án “Theo dõi, kiểm đánh giá thực hiện chương trình và truyền thông y tế” (dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số năm 2018 và triển khai các nội dung hoạt động được UBND thành phố giao năm 2018.

Xây dựng và duy trì, nhân rộng các mô hình điểm về ATTP như: Thực hiện kế hoạch cảnh báo nhanh sự cố về ATTP khi được phê duyệt, soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người. Tiếp tục duy trì mô hình điểm ATTP thức ăn đường phố tại các tuyến phố và các phường xã thị trấn đã được cấp trên phê duyệt. Xây dựng từ 6 - 8 tuyến phố ATTP có kiểm soát trên địa bàn thành phố.

Cũng trong năm 2018, Sở Y tế sẽ đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm và xử lý vi phạm về ATTP. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng ATTP cho cán bộ quản lý, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Đồng thời, xác minh và xử lý 100% thông tin phản ánh về mất ATTP.

Bồi dưỡng nâng cao năng lực kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ các tuyến về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành ATTP, lấy mẫu thực phẩm và xét nghiệm nhanh thực phẩm. Sử dụng hiệu quả các xe chuyên dụng kiểm nghiệm nhanh ATTP. Cung cấp hóa chất xét nghiệm nhanh ATTP; Lấy mẫu giám sát kiểm liệm thực phẩm khi cần thiết để đánh giá chất lượng thực phẩm và là cơ sở xử vi phạm nếu mẫu không đạt. Xét nghiệm nhanh 96% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố khi được kiểm tra.

Năm 2017, hơn 120.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), trong năm 2017, cả nước đã thành lập 22.441 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, chiếm 19,8%; xử lý hành chính 35.759 cơ sở với số tiền trên 61 tỷ đồng.

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tỷ lệ đạt yêu cầu tăng từ 91% (năm 2016) lên 97,3% (năm 2017). Đáng chú ý, cho đến thời điểm hiện nay, tất cả các mẫu thực phẩm không phát hiện có chứa chất cấm trên gần 10.000 mẫu tại các chợ, cơ sở giết mổ; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chiếm 0,06% giảm 2,05%.

Lực lượng chức năng kiểm tra việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm tại các chợ. Ảnh: Chi cục ATVSTP Kiên Giang

Tuy nhiên, tỷ lệ vi phạm chỉ tiêu vi sinh chiếm tới 26,7% số mẫu được kiểm tra so với mức 9,35% của năm 2016. Số tiền phạt vi phạm ATTP trong hoạt động kinh doanh nông lâm thuỷ sản là trên 80 tỷ đồng. Trong đó, riêng lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 13.540 vụ phạt trên 27,7 tỷ đồng, thu giữ tang vật trên 25 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát Môi trường phát hiện 6.477 vụ việc, tăng 25% so với năm 2016, xử phạt 36 tỷ đồng, khởi tố, điều tra các vụ việc nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết dù số vụ ngộ độc thực phẩm trong năm 2017 giảm nhưng số trường hợp tử vong lại tăng gấp đôi. Cụ thể, năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc giảm 27 vụ và 438 người mắc so với năm 2016. Số người tử vong do ngộ độc thực phẩm là 24 người, tăng 12 người so với năm 2016, trong đó có 11 người ngộ độc methanol trong rượu, 10 người do độc tố tự nhiên (cá nóc, cóc…), 3 trường hợp chưa xác định nguyên nhân.

Về mặt tích cực, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP, đến nay cả nước đã xây dựng thành công 744 mô hình điểm chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn, trong đó có 379 chuỗi đã được giám sát, xác nhận; 20 địa phương triển khai dán tem điện tử.

Bảo Bình

Hà Nội: Phấn đấu 80% sản lượng thịt đảm bảo ATTP vào năm 2020(VietQ.vn) - Mục tiêu của Hà Nội là phấn đấu cho tới năm 2020, 80% sản lượng thịt gia cầm, gia súc cung ứng cho Thành phố đảm bảo ATTP.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang