Hà Nội: Xử phạt 6.810 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm số tiền hơn 25 tỷ đồng

author 06:39 25/12/2019

(VietQ.vn) - Thời gian qua, Sở Công Thương Hà Nội đã cùng phối hợp với các cơ quan khác tiến hành thanh kiểm tra 102.098 lượt cơ sở, phạt tiền 6.810 cơ sở, với số tiền phạt 25,006 tỷ đồng, hủy sản phẩm của 120 cơ sở.

Theo thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, thời gian qua, cơ quan này đã phối hợp với các sở, ngành kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Qua đó đã phần nào hạn chế được tình trạng gian thương; đảm bảo an toàn thực phẩm... trên địa bàn Thủ đô.

Cụ thể, Sở Công thương đã tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và riêng của các ngành Thành phố về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đã thanh kiểm tra 102.098 lượt cơ sở, phạt tiền 6.810 cơ sở, với số tiền phạt 25,006 tỷ đồng, hủy sản phẩm của 120 cơ sở.

Thanh tra, kiểm tra đối với 207 doanh nghiệp. Trong đó lĩnh vực an toàn thực phẩm là 46 đơn vị, lĩnh vực đa cấp 9 đơn vị, lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 12 doanh nghiệp... Qua đó đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với 92 đơn vị, với tổng số tiền 2,121 tỷ đồng.

Cục Quản lý thị trường trong năm 2019 đã kiểm tra, xử lý 8.831 vụ, tổng số tiền xử lý 109,1 tỷ đồng. Trong đó phạt hành chính 50, 65 tỷ đồng. Tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá 20,5 tỷ đồng. Xử lý tiêu hủy, tái chế/buộc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa vi phạm trị giá 36,961 tỷ đồng.

Ảnh minh họa 

Kết quả kiểm tra, xử lý của liên ngành Ban chỉ đạo 389 Thành phố, trong tháng 11, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã tổ chức thanh kiểm tra 7.497 vụ, xử lý 6.166 vụ... Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu 369,940 tỷ đồng.

Với những kết quả đạt được, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, trong dịp cuối năm Sở Công thương sẽ tổ chức kiểm tra công tác triển khai phục vụ Tết của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về hàng hóa, giá cả, chất lượng hàng hóa...

Bên cạnh đó Sở Công thương đã có Kế hoạch kiểm tra, làm việc với 9 đơn vị khuyến mại, 3 đơn vị an toàn thực phẩm, 15 đơn vị sản xuất mặt hàng phục vụ Tết... để nắm bắt tình hình về công tác triển khai hoạt động phục vụ Tết. Đồng thời hướng dẫn, nhắc nhở các doanh nghiệp tổ chức thực hiện các hoạt động theo đúng quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, văn minh thương mại...

Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) ban hành kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương chủ động theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường hàng hóa Tết; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, triển khai dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo cung cấp đủ nguồn hàng hóa tiêu dùng đảm bảo chất lượng cho nhân dân; chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng địa phương tăng cường công tác xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá.

Bảo Lâm

Vẫn còn nhiều thông tin về an toàn thực phẩm chưa chính xác gây hoang mang trong xã hội(VietQ.vn) - Vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm đã bị cường điệu hóa, bị giải thích sai lệch, bịa đặt, giả mạo, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, gây hoang mang trong xã hội.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang