Hải Dương tiêu huỷ gần 5.000 sản phẩm bánh kẹo nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ
Nhật Bản: Ứng dụng AI phát hiện sớm ung thư tuyến tụy
Nam Phi khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với lốp xe ô tô
Cao Bằng xử lý trên 1,2 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hải Dương cho biết, tính từ ngày 19/8 đến 24/9, toàn Cục đã kiểm tra 47 vụ việc, xử lý 34 vụ việc với tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 92.000.000 đồng. Buộc tiêu huỷ gần 5.000 sản phẩm thực phẩm vi phạm là hàng nhập lậu, không rõ xuất xứ.
Hàng hóa nhập lậu buộc tiêu hủy bao gồm 48 bánh trung thu nhập lậu, 495 cái bánh nướng trung thu loại 500g; 58 cái bánh gấu loại 53g; 41 cái bánh chuối loại 50g; 48 cái bánh sầu riêng loại 63g; 18 cái bánh sữa chua loại 30g; 26 cái bánh mỳ nướng sandwich loại 48g; 24 cái bánh đĩa loại 54g; 72 cái bánh tam giác loại 46g; 113 cái bánh bông lan loại 43g; 30 cái bánh ngàn lớp loại 53g; 50 cái bánh trứng chảy loại 60g; 42 cái bánh socola loại 51g; 24 cái bánh ruốc trứng loại 40g; 32 cái bánh phô mai loại 36 g; 46 cái bánh mochi khoai môn loại 4,1g; 08 gói kẹo socola hạnh nhân loại 400g; 05 gói kẹo socola Krokaht loại 500g và 62 gói kẹo hoa quả dâu tây loại 45g. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 30.470.000 đồng.
Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ buộc tiêu hủy bao gồm 3.600 hộp kẹo socola Ailisha loại 88g và 150 hộp bánh quy loại 300g. Trị giá hàng hóa vi phạm là 46.950.000 đồng.
Lượng lớn hàng hóa, thực phẩm nhập lậu bị tiêu hủy tại Hải Dương. Ảnh: Cục QLTT Hải Dương
Theo lực lượng chức năng, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ những năm gần đây vẫn tiếp tục diễn ra và có chiều hướng diễn biến phức tạp nhất là thời điểm lễ, tết khi nhu cầu tiêu dùng hóa của người dân tăng thì hoạt động buôn lậu lại càng trở nên sôi nổi. Các mặt hàng thường được tiêu thụ nhiều nhất là rượu, quần áo, giày dép, điện thoại di động, hàng điện tử, mỹ phẩm, thuốc lá điếu…
Hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu hàng hóa, phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy hoặc tịch thu để tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường, đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em, văn hóa phẩm độc hại… Ngoài ra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Do đó để ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc người tiêu dùng nên mua hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Doanh nghiệp cần bảo vệ thương hiệu hàng hóa sản xuất trong nước bằng những việc làm cụ thể phải nâng cao được chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý, chú trọng xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm. Cải tiến kiểu dáng, mẫu mã hàng hóa thích ứng thị trường, tăng sức cạnh tranh góp phần đẩy lùi hàng hóa nhập lậu. Phải quan tâm đến thị hiếu người tiêu dùng, thực hiện các cam kết đối với người tiêu dùng. Người bán lẻ nên mua hàng tại những cơ sở có uy tín, quen biết và có đăng ký kinh doanh hợp pháp. Xem xét kỹ các nội dung liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hóa, nhãn hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa…
An Dương