Hải Phòng liên tiếp thu giữ lượn lớn hàng hóa giả mạo và không rõ nguồn gốc hợp pháp
Tăng cường hiệu quả tiêu chuẩn bền vững tự nguyện, thúc đẩy các nền kinh tế thành viên APEC
Cần ban hành bộ tiêu chí xác định chính xác hàng hóa sản xuất tại Việt Nam
PV GAS: Công tác đảm bảo an ninh, an toàn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu
Ngày 11/7/2024, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Hải An tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm Hồng Anh có địa chỉ tại đường Chợ Lũng, phường Đằng Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Tại thời điểm kiểm tra, bà Lê Thị Thu Hồng có trưng bày giới thiệu và kinh doanh các sản phảm mỹ phẩm tại trang mạng facebook do mình sở hữu có tên: “Hồng Anh Chuyên Đồ Hiệu”. Kiểm tra thực tế tại cửa hàng, Đoàn kiểm tra phát hiện 2.121 sản phẩm mỹ phẩm các loại gồm son, kem dưỡng, serum... có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tổng trị giá là 364.857.000 đồng.
Nhiều hàng hóa vi phạm đã bị thu giữ. Ảnh: Cục QLTT thành phố Hải Phòng
Ngày 26 /7/ 2024, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH vật tư thiết bị công nghiệp H.D với số tiền xử phạt 104 triệu đồng, tịch thu tang vật vi phạm là 20 máy phát điện chạy dầu các loại, đã qua sử dụng có giá trị hơn 2,2 tỉ đồng. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện Công ty không xuất trình được bất kỳ hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của 20 máy phát điện nói trên.
Mới đây nhất, trong công tác triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch về đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025, Cục QLTT thành phố Hải Phòng đã tập trung lực lượng, chỉ đạo các Đội QLTT tiến hành kiểm tra đột xuất 06 cơ sở kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam trên địa bàn quận Lê Chân, Hồng Bàng và Ngô Quyền.
Qua kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã phát hiện, tạm giữ hơn 740 sản phẩm là quần, áo, giày, dép,….các loại có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như: Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Christain Dior, Adidas, Nike,… Trị giá hàng hóa vi phạm gần 200 triệu đồng. Hiện, đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên, đồng thời phối hợp với đại diện chủ thể quyền sở hữu công nghiệp để hoàn thiện hồ sơ, xử lý theo quy định.
Theo lực lượng chức năng, gian lận thương mại nói chung và sản xuất, buôn bán hàng giả nói riêng có chiều hướng gia tăng nhất là trong giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế nước nhà đang trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa. Hàng giả lưu thông trên thị trường nội địa có nguồn gốc từ hàng hóa nhập khẩu hoặc hàng giả được sản xuất trong nước.
Hàng giả bao gồm giả chất lượng và công dụng: Hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hóa.
Giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa: Hàng hóa giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hóa; giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn hoặc bao bì hàng hóa.
Giả mạo về sở hữu trí tuệ: gồm hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; hàng hóa là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.
Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả: gồm các loại đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tem chất lượng, tem chống giả, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa có nội dung giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
Tác hại của hàng giả để lại nhiều hệ lụy. Đối với sự phát triển kinh tế - xã hội hàng giả tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội. Hàng giả còn gây hậu quả phức tạp, nặng nề về mặt đạo đức và xã hội.
Đối với người tiêu dùng, việc mua và sử dụng hàng giả làm thiệt hại đến lợi ích kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, nhất là các sản phẩm như: thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm giả.
Đối với doanh nghiệp hàng giả làm giảm trực tiếp doanh thu, lợi nhuận, uy tín của doanh nghiệp; gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng.
Để góp phần phối hợp cùng cơ quan nhà nước thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh thì người tiêu dùng nên mua hàng tại những địa chỉ quen, tin cậy, có đăng ký kinh doanh hợp pháp, có đủ điều kiện kinh doanh. Trước khi mua hàng, cần tìm hiểu thật kỹ các dấu hiệu phân biệt hàng thật, hàng giả của sản phẩm. Khi mua hàng, cần đọc kỹ các thông tin ghi trên nhãn hàng hóa. Nhận đầy đủ các chứng từ có liên quan đến việc mua sản phẩm như hóa đơn, phiếu bảo hành. Nếu phát hiện các trường hợp bất thường, có thể liên hệ với nhà sản xuất, Hội Bảo vệ người tiêu dùng để được bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Về phía doanh nghiệp cần có ý thức bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình. Cung cấp thông tin về mặt hàng do công ty sản xuất, các dấu hiệu nhận biết sản phẩm. Phối hợp với các lực lượng chức năng, với cộng đồng xã hội bảo vệ thương hiệu của mình.
Về phía cơ sở bán lẻ nên lựa chọn những cơ sở sản xuất, cung cấp hàng hóa có uy tín, quen biết và có đăng ký kinh doanh hợp pháp để nhập hàng. Xem xét kỹ các nội dung liên quan đến chất lượng hàng hóa, nhãn hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa… Làm rõ trách nhiệm với cơ sở sản xuất cung cấp hàng hóa về tính pháp lý của hàng hóa trước khi nhập hàng để bán cho người tiêu dùng
An Dương