Cá tra ‘nằm ao’ hàng chục ngàn tấn vì không có người thu hoạch

author 16:47 11/09/2021

(VietQ.vn) - Trong khi nhu cầu nhập khẩu của thế giới tăng, xuất khẩu cá tra khởi sắc,... thì cá tra “mắc cạn” tại ao nằm tồn chờ thu hoạch lên tới hàng chục ngàn tấn.

Thông tin tại Hội nghị sơ kết Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT vừa diễn ra, cho biết, khó khăn nhất đối với sản xuất thủy sản hiện nay là không đủ nhân lực tham gia chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển sản phẩm. Đáng ngại, nhiều địa phương đang còn tồn đọng hàng chục nghìn tấn cá tra quá lứa dưới ao mà không làm sao thu hoạch được.

Ông Nguyễn Tấn Nhơn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ chia sẻ, trên địa bàn đang tồn 38.500 tấn cá tra dưới ao, trong khi 90% nhà máy chế biến của Cần Thơ phải tạm ngừng hoạt động do không đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ" dẫn đến cá đến lứa nhưng không thu hoạch được, người nông dân hết sức lo lắng.

"Hiện nay, chỉ ưu tiên vaccine cho công nhân nhà máy chế biến mà chưa ưu tiên cho nhân công vùng nguyên liệu thì làm sao người dân có thể đi thu hoạch để phục vụ chế biến, trong khi đội thu hoạch cá tra phải cần đến 40 – 50 người. Nếu không tiêm cho cả lực lượng này thì khó có thể tổ chức lại sản xuất" – Đại diện Sở NN&PTNT TP Cần Thơ phản ánh.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, hiện nay nhiều địa phương chỉ cấp giấy đi đường cho người làm dịch vụ, đi giao hàng mà không ưu tiên cho người sản xuất nên việc di chuyển từ nhà đến nơi canh tác đang gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã có một số doanh nghiệp hoạt động trở lại nhưng khâu thu hoạch cá tra bị ách tắc, đội ngũ thu mua cá muốn di chuyển từ vùng này qua vùng khác phải cách ly 14 ngày, gây chậm trễ trong việc thu hoạch. Chia sẻ khó khăn trên, đại diện Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho biết, trên địa bàn có DN Cát Tường đã đăng ký hoạt động trở lại, DN này nằm ở huyện Măng Thít (Vĩnh Long) nhưng công đoàn kéo cá lại nằm ở Thốt Nốt (Cần Thơ). Để di chuyển từ Cần Thơ về Vĩnh Long thì phải cách ly 14 ngày, gây khó khăn trong khâu thu hoạch và vận chuyển cá.

 Hàng chục tấn cá tra nằm ao vì không có người thu hoạch. Ảnh minh hoạ

Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn - nêu một thực tế, cá tra đang quá lứa nằm chờ dưới ao, nông dân nguy cơ thua lỗ mà công đoàn thu hoạch cá tra khi vào địa phương thu hoạch cá bắt buộc phải cách ly 14 ngày thì làm sao đảm bảo tiến độ thu hoạch, chế biến. Trong khi công đoàn thu hoạch cá tra dù di chuyển sang nhiều địa phương nhưng họ đều đảm bảo các yếu tố dịch tễ, đã tiêm phòng vắc xin, có giấy xét nghiệm đầy đủ.

Về sản xuất "3 tại chỗ", nếu cứ kéo dài, DN sẽ không thể chịu nổi vì chi phí sản xuất tăng. "Chúng tôi đã thực hiện 3 tại chỗ 2 tháng nay, hàng tuần đều test PCR nên rất tốn kém. Nên chăng chỉ cần tầm soát xét nghiệm 20% thay vì 100% như hiện nay" - bà Khanh kiến nghị.

Hiện nay, Vĩnh Hoàn đang có kế hoạch mở rộng sản xuất để giải phóng lượng cá tra quá lứa dưới ao nhưng vấn đề là kêu gọi công nhân vào làm "3 tại chỗ" rất vất vả, việc thông chốt rất khó khăn. "Công nhân không chỉ nằm ở địa bàn nhà máy đứng chân mà còn ở các địa phương lân cận, muốn đi làm thì phải đi test, mà giờ công nhân còn không được phép ra khỏi nhà để đi test thì đến nhà máy kiểu gì?" - bà Khanh bức xúc.

Chia sẻ kinh nghiệm của Long An về việc tạo điều kiện cho vận chuyển, lưu thông nông sản, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, Long An có công đoàn bắt cá ở Tân Thạnh và Tân Hưng. Theo đó, khi Tân Thạnh thiếu người, Sở NN&PTNT sẽ có văn bản đề nghị lực lượng chức năng tạo điều kiện cho công đoàn bắt cá di chuyển từ Tân Hưng sang. Trước khi đi test SARS-CoV-2 và thu hoạch xong về cũng test lại.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhìn nhận, trong điều kiện dịch bệnh, không thể từng cá nhân riêng lẻ đều đòi hỏi phải có giấy đi đường. Nếu các địa phương thành lập các tổ, đội thu hoạch cá, thu hoạch lúa, trái cây chuyên nghiệp, đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch thì có thể làm văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện cho vào thu hoạch.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep), trong tháng 8/2021, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 30-40% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, nhờ kết quả xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng cao nên tính cộng dồn 8 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản vẫn tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 4%; xuất khẩu cá tra vẫn giữ tăng trưởng 7%, đạt 980 triệu USD; xuất khẩu cá ngừ tăng trên 10%, đạt 460 triệu USD; xuất khẩu mực, bạch tuộc và các loại cá khác (trừ cá ngừ, cá tra) chỉ tăng nhẹ 2% và 4%.

Thuỳ Dương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang