Hàng giả hại... hàng thật

author 07:22 04/01/2015

Hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp kêu trời vì "bỗng dưng" mất tiền, ảnh hưởng thương hiệu vì bị nhái sản phẩm. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng đấu tranh với hàng giả vì "ngại".

Tôn, thép và câu chuyện vàng thau lẫn lộn

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đưa ra lời cảnh báo về tình trạng gian lận trong ngành sản xuất tôn, thép trong nước. Hiện tượng tôn nhái, tôn giả đã xuất hiện trên quy mô rộng, ở nhiều địa phương, từ khu vực miền bắc cho tới miền trung. Tình trạng tiêu cực này đã diễn ra một thời gian dài và đến nay chưa kết thúc.

Mười tháng năm nay, ngành thép sản xuất gần 2,36 triệu tấn tôn, tương đương khoảng 60% năng lực thiết kế. Với khối lượng này, chúng ta cần xuất khẩu khoảng 664 nghìn tấn mới tiêu thụ hết lượng hàng trong nước. Trong khi đó, hơn 500 nghìn tấn tôn các loại vẫn “ùn ùn” nhập khẩu từ Trung Quốc vào nội địa. Một khối lượng không nhỏ trong số này được “phù phép”, gắn thương hiệu của các doanh nghiệp tôn nội địa để tiêu thụ.

Thuốc có bao bì hàng hoá giả mạo, không có hoá đơn chứng từ kèm theo thu giữ tại Hà Nội.

Hiện tượng tôn giả, tôn nhái xuất hiện bằng nhiều hình thức đa dạng như: in nhãn mác giả, lấy cắp thương hiệu của các nhà sản xuất có uy tín trong ngành in lên hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng, bán hàng không đúng tiêu chuẩn về quy cách, kích thước, chất lượng, đặc biệt là gian lận độ dày tôn; không xuất hoá đơn, nhập hàng Trung Quốc kém chất lượng rồi gắn thương hiệu của doanh nghiệp uy tín trong nước để bán cho người tiêu dùng.

Ước tính của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cho thấy, chỉ riêng trong lĩnh vực tôn giả, thiệt hại cho nền kinh tế với doanh nghiệp, người tiêu dùng lên tới khoảng 1.300 tỷ đồng, chưa kể đến thiệt hại khác.

Và như ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu VN (Vatap) Lê Thế Bảo, hàng giả, hàng nhái gây tác động tiêu cực, phá vỡ một phần thị trường sản xuất trong nước. Thực tế cho thấy, ít có ngành hàng nào ở Việt Nam không bị làm giả, làm nhái. Đau xót nhất là nhiều sản phẩm thuốc thú y, thuốc - hoá chất nuôi trồng thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật bị làm giả từ nước ngoài đưa vào nhằm phá hoại nền sản xuất nông nghiệp. Tiếp đến là thực phẩm giả, thuốc nhái… có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ người tiêu dùng. Ngoài ra còn có hàng điện tử, ga...

Hàng giả, hàng nhái: Ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp

Thời gian qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 Hà Nội đã phát hiện một số mặt hàng củaủa DN trong nước bị phía Trung Quốc làm giả đến mức tinh vi. Ngày 15-6-2014, phát hiện xe chở hơn 2.000 bóng đèn huỳnh quang compact giả mạo nhãn hiệu Rạng Đông xuất xứ Việt Nam. Về cảm quan, bóng đèn giả bị thu giữ trông giống gần như 100%. Chỉ khi đại diện công ty mở hộp kiểm tra sản phẩm mới phát hiện bảng, mạch, công nghệ khác nhau, chứ chỉ qua mẫu bao bì không thể nào phát hiện được. Trong tháng tám, Đội 14 thu giữ hơn 1.200 sản phẩm quần áo giả mạo nhãn hiệu Hanosimex của Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội, đang làm rõ số hàng giả trên được sản xuất trong nước, hay sản xuất ở nước ngoài đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Đánh giá của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, nạn hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện những thủ đoạn mới, tinh vi hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Số lượng các vụ vi phạm tăng so với năm trước. Chỉ tính riêng tám tháng năm 2014, lực lượng QLTT cả nước kiểm tra gần 120 nghìn vụ vi phạm, tăng 9.800 vụ. Cơ quan này đồng thời xử lý 63.978 vụ vi phạm, tăng 6.985 vụ so với cùng kỳ năm 2013.

Cũng theo thông tin từ Phòng Chống hàng giả, Cục QLTT, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng chuyên nghiệp, sử dụng nhiều công nghệ, máy móc hiện đại. Các tổ chức vi phạm liên kết chặt chẽ, hình thành những quy trình chuyên biệt. Cụ thể từ các khâu sản xuất bao bì, tem, nhãn giả, kể cả các loại tem phản quang chống giả, sau đó bán cho các đối tượng trực tiếp sản xuất để đóng gói thành phẩm; đặt hàng; sản xuất; nhập khẩu; vận chuyển; phân phối.Bóng đèn nghi giả bị thu giữ ở Hà Nội.

Trong một số trường hợp, hàng giả thường được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm. Hiện trạng này khá phổ biến với những mặt hàng như mũ bảo hiểm, đồ may mặc, hàng tiêu dùng…

Thậm chí, có trường hợp thành phẩm, sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao luôn cho khách đặt mua. Đối với các mặt hàng giả mạo nhãn hiệu đang phổ biến hiện nay, hàng giả, hàng nhái sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ, trên bao bì có ghi địa chỉ nơi sản xuất hoặc nhà phân phối… không có thực.

Nhấn mạnh về tác động tiêu cực của tình trạng hàng giả, hàng nhái, ông Phó Chủ tịch VSA cho rằng, trước hết, uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị mất, thị phần và doanh thu của các công ty sản xuất trong nước giảm, từ đó dẫn tới thu nhập của người lao động ít đi. Mặt khác, ngân sách cũng bị hụt thu nghiêm trọng hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế mỗi năm. “Vấn nạn này đồng thời tạo nên môi trường kinh doanh không lành mạnh. Người tiêu dùng bị “móc túi” đủ cách, nhưng nguy hiểm hơn là chất lượng công trình không bảo đảm, có thể đe dọa cả tính mạng con người”, vị đại diện của ngành tôn - thép Việt Nam nói.

Từ câu chuyện của ngành tôn - thép trong nước, dễ nhận thấy tình trạng hàng giả, hàng nhái có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước đang rất nhức nhối. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Việt Nam các mặt hàng chất lượng thấp, giá rẻ, không bảo đảm an toàn. Các đối tượng dùng thủ đoạn thay đổi bao bì, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa có nguồn gốc nhập từ nước ngoài giả mạo xuất xứ Việt Nam, thậm chí giả mạo những thương hiệu nổi tiếng của nước ta để lừa dối người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Doanh nghiệp e ngại

Tác hại của hàng giả, hàng nhái với nền kinh tế Việt Nam rất lớn, nhưng chưa cơ quan nào lượng hoá được con số cụ thể về thiệt hại do vấn nạn này. Một thống kê của Cục Quản lý thị trường cho thấy, trung bình mỗi năm, lực lượng này phải xử lý khoảng 10 nghìn vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho hay, trong chín tháng đầu năm nay, phát hiện, xử lý 152.185 vụ việc, liên quan tới lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tăng 16,8% so với cùng kỳ 2013. Khoản thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu và thanh - kiểm tra, truy thu thuế là hơn 10 nghìn tỷ đồng. Lực lượng chức năng đồng thời khởi tố 1.147 vụ, với 1.289 đối tượng.

Những năm qua, nền kinh tế đang khó khăn là điều kiện thuận lợi cho hàng giả phát triển mạnh. Nạn hàng giả hoành hành cũng có nguyên nhân một phần do doanh nghiệp chưa có ý thức tốt trong phối hợp với cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông trong công cuộc chống hàng giả, hàng nhái.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc công bố tình trạng hàng giả đối với sản phẩm của mình sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, khiến người tiêu dùng không muốn mua hàng của doanh nghiệp. Có doanh nghiệp lo ngại, nếu công bố đặc điểm phân biệt hàng thật, hàng giả, đối tượng gian lận sẽ biết được đặc điểm hàng thật để tiếp tục sản xuất… hàng giả.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đỗ Thanh Lam cho biết, hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại vẫn tiếp tục diễn ra với quy mô và mức độ cao, đặc biệt vào thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các đối tượng sẽ tiếp tục lợi dụng những bất cập, kẽ hở trong cơ chế chính sách để gian lận thương mại, trốn thuế, gây khó khăn cho công tác phát hiện, bắt giữ, điều tra và xử lý.

Cuộc chiến chống hàng giả sẽ hiệu quả hơn nếu có sự hợp tác, cung cấp thông tin, chứng cứ của doanh nghiệp. Thí dụ, sản phẩm thức ăn chăn nuôi Con heo vàng của Công ty TNHH thương mại VIC sản xuất ở Hải Phòng trong một thời gian đã bị làm giả. Nhưng sau đó, VIC chủ động mở rộng mạng lưới 3.600 đại lý, năm nhà máy sản xuất trong cả nước. Bộ phân chống hàng giả của doanh nghiệp liên tục đi tuyên truyền khắp nơi. Nhờ đó, kết quả khả quan hơn, hàng giả giờ đã không thể cạnh tranh và chen chân với sản phẩm chính hãng.

Cũng với sự vào cuộc hiệu quả của doanh nghiệp, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội có thể dễ dàng định vị các lô hàng, mẫu hàng chính hãng, làm rõ câu chuyện không có sản phẩm Hanosimex, bóng đèn Rạng Đông thật từ… Lạng Sơn nhập về.

Tuy nhiên, trong thực tế, một bộ phận doanh nghiệp chưa tích cực trong công tác chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do thiếu nguồn lực. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhận thức còn hạn chế về tầm quan trọng của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Vì lo ngại đến uy tín, doanh số tức thời, hoặc vì các mục tiêu kinh doanh, họ chưa thực sự quan tâm đến việc cùng chung tay chống lại hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Nhandan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang