Hàng giả, hàng lậu- thu gần 650 tỷ đồng nhờ bán hàng qua livestream chỉ trong 2 năm

author 15:33 23/07/2020

(VietQ.vn) - Thời gian qua tình hình kinh doanh, buôn bán hàng lậu, hàng giả nhãn hiệu 'nóng' trên nhiều tuyến đường từ đường bộ, hàng không, đường biển cho tới các kho hàng lậu khủng thông qua hình thức livestream trực tuyến.

Hàng lậu, hàng giả 'nóng' từ mọi ngả đường gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng

Liên quan tới vụ kho hàng lậu rộng 10.000m2 tại Lào Cai vừa được lực lượng chức năng truy quét tại địa chỉ 145 đường Hoàng Diệu, Lào Cai, trao đổi với Dân trí, Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, từ tháng 10/2018 tới nay, tổng lũy kế giao dịch qua tài khoản của Trần Thành Phú - chủ kho hàng lậu "khủng" ở Lào Cai và 5 đối tượng trong nhóm là hơn 649 tỷ đồng. Đây được coi là kho hàng giả, lậu liên quan tới thương mại điện tử có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Theo đó, chủ của cơ sở kinh doanh không đứng tên trực tiếp, mọi giao dịch với người tiêu dùng được tiến hành thông qua những người đại diện được thuê mướn. Vậy làm cách nào mà Phú và nhóm đối tượng có thể thu lợi lớn đến như vậy chỉ trong chưa đầy 2 năm là câu hỏi được đặt ra.

Lượng lớn gói hàng tại kho hàng lậu ở Lào Cai được lực lượng chức năng ghi nhận tại hiện trường. Ảnh: Dân trí

Theo đại diện Quản lý thị trường, trong gần 2 năm qua, nhóm đối tượng sử dụng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook để tiếp cận với khách hàng và bán sản phẩm.

“Hình thức này vô cùng hiệu quả vì bán được cho cả trăm ngàn người mà không cần đầu tư showroom, không cần mặt phố hoành tráng. Có duy nhất hai loại chi phí đáng kể là chạy quảng cáo trực tuyến mất khoảng gần 400 triệu đồng/tháng và cước điện thoại khoảng 122 triệu đồng/tháng”, đại diện Quản lý thị trường thông tin.

Trước đó, tin tức trên tờ Tạp chí Tài chính, thời điểm các hãng hàng không bắt đầu khôi phục mạng bay nội địa, lực lượng QLTT cũng phát hiện, xử lý một lô hàng lậu lớn tại sân bay Nội Bài bao gồm gần 2.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... không hoá đơn chứng từ nhập về Việt Nam qua đường hàng không. Đây là lô hàng có giá trị lớn nằm trong đường dây chuyên vận chuyển hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thường xuyên lợi dụng đường hàng không để đưa hàng vào sâu nội địa, cất giấu cả trong các kho chứa chuyên nghiệp.

Mới đây nhất, lực lượng chức năng vừa đột kích kho hàng lậu khủng với quy mô hơn 100.000 sản phẩm được phát hiện nằm tại cảng ICD Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) - nơi đặt trụ sở của cơ quan hải quan. Sản phẩm gồm chăn ga, quần áo, mỹ phẩm, đồ gia dụng các loại… chưa đóng bao bì và có bao bì kèm theo có thể hiện mã vạch và sản xuất tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Trên đây chỉ là một số vụ việc điển hình nhất từ đầu năm 2020 đến nay. Theo thống kê của Tổng cục QLTT, tính đến tháng 6/2020, lực lượng QLTT đã phát hiện, xử lý trên 26.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 173 tỷ đồng. Trong đó, hầu hết là các vi phạm liên quan đến buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, hàng giả.

Dùng keo tự vá lốp ô tô phải thực hành đúng chuẩn, tránh gây mòn vành xe, tốn tiền thay thế(VietQ.vn) - Hiện nay để khắc phục tình trạng lốp ô tô bị thủng trên đường nhiều tài xế thường dùng keo tự vá cho nhanh tuy nhiên theo các chuyên gia về ô tô, cần sử dụng sản phẩm chất lượng nếu không dễ gây mòn vành xe, tốn tiền thay thế.

Thận trọng khi mua hàng trực tiếp qua livetream

Trước thực tế hàng kém chất lượng, hàng giả hiện nay, Tổng cục Quản lý thị trường khuyến cáo người tiêu dùng trên cả nước phải hết sức thận trọng khi mua hàng qua hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội. Do tính chất lỏng lẻo, bất kỳ ai đều có thể tiến hành một buổi livestream trực tiếp, người tiêu dùng rất khó xác định người bán hàng thực sự cho mình là ai? Chất lượng hàng hóa ra sao? Thanh toán tiền rồi mà muốn đổi trả hàng vì không ưng ý thì thế nào…

“Rủi ro, thiệt hại cho người tiêu dùng trong giao dịch mua bán dạng này là rất lớn. Ngay trong vụ việc ở Tổng kho Lào Cai, toàn bộ sản phẩm bị tạm giữ tại đây đều là hàng lậu, hàng giả, gây thiệt hại rất lớn tới quyền lợi của người tiêu dùng”, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh.

Xuất phát từ thực tế hiện nay tình trạng kinh doanh hàng kém chất lượng công khai trên các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội đã đến mức báo động, ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng, Tổ công tác về Thương mại điện tử (Tổ 368) của Tổng cục quản lý thị trường đã được thành lập nhằm thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại điện tử của lực lượng quản lý thị trường.

Quyết liệt triệt phá vi phạm buôn bán hàng lậu

Dự báo nửa cuối năm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn diễn biến phức tạp, khó lường, lực lượng QLTT cả nước định hướng công tác trọng tâm là chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách nhằm kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn. Trong đó, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo...).

Lực lượng QLTT tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Thanh tra chuyên ngành... bảo đảm sự đồng bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội trong việc cung cấp thông tin để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực; thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Tổng cục QLTT đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa vào hoạt động chính thức các hệ thống phần mềm phân biệt hàng thật, hàng giả, chứng từ điện tử, xử lý vi phạm hành chính… nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống các vi phạm.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang