Hàng giả, hàng nhái gây tổn hại nghiêm trọng tới thương hiệu doanh nghiệp sản xuất xe máy

author 15:07 25/09/2023

(VietQ.vn) - Theo đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), hiện nay ngành công nghiệp sản xuất xe máy đang phải đối mặt trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gây tổn hại không nhỏ cho doanh nghiệp.

Hàng giả, hàng nhái xuất hiện nhiều trên cả thị trường truyền thống và không gian mạng

Bà Đại Khả Quỳnh - Trưởng Nhóm sở hữu trí tuệ của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho biết, ngành công nghiệp sản xuất xe máy đang phải đối mặt với vấn nạn về hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy. 

Trong lĩnh vực sản xuất xe máy, phụ tùng xe máy giả xuất hiện rất nhiều cả trên thị trường truyền thống và không gian mạng. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng vì mặt hàng phụ tùng xe máy kém chất lượng, hàng giả gây ảnh hưởng đến an toàn cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp ngoài ảnh hưởng về doanh thu còn phải đầu tư nguồn nhân lực khá lớn để có các hoạt động đấu tranh chống hàng giả phụ tùng, phụ kiện, cũng như xe máy, xe điện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Những mặt hàng phụ tùng, phụ kiện làm giả xuất hiện khá nhiều từ vòng bi, má phanh. Xăng dầu, dầu nhớt của xe máy cũng bị làm giả, thậm chí cả xe máy, xe điện cũng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các nhãn hàng lớn. Chẳng hạn, người tiêu dùng rất dễ để tìm thấy thông tin rao bán: xe điện Vespa, xe điện Honda nhưng thực tế các công ty thuộc hiệp hội chưa sản xuất các sản phẩm đó. Những mặt hàng quảng cáo như vậy đều là những mặt hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trong năm qua Hiệp hội đã tích cực triển khai các hoạt động khảo sát, điều tra thị trường và tiến hành phối hợp với các lực lượng chức năng thu hồi hàng giả. Tính đến tháng 6/2023, có hơn 600 vụ thu hồi các sản phẩm phụ tùng giả và khoảng 10 vụ thu hồi phương tiện giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hàng giả, hàng nhái trong ngành công nghiệp sản xuất xe máy ngày càng gia tăng gây hậu quả nghiêm trọng tới doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Vụ việc cụ thể, vào ngày 25/4/2023, Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với Đội 7, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã tiến hành kiểm tra Công ty TNHH thương mại dịch vụ và Phát triển Hoàng Tiến có trụ sở tại số 6 ngõ 267 Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội do bà Nguyễn Thị Thu Thủy là Giám đốc.

Kết quả kiểm tra, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và Phát triển Hoàng Tiến đang trưng bày để bán gần 5.300 sản phẩm phụ tùng ô tô gồm dây curoa, cài ba đờ sốc, lọc gió động cơ, má phanh… mang nhãn hiệu Honda. Toàn bộ số hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp, có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu “Honda” đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Ngày 27/7/2023, Đoàn kiểm tra của Đội Quản lý thị trường số 2 bất ngờ kiểm tra cửa hàng kinh doanh phụ kiện xe máy của Doanh nghiệp tư nhân Sáu Bản Lê Gia, địa chỉ tại 557A Lê Duẩn, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tại thời điểm kiểm tra Đoàn kiểm tra phát hiện Doanh nghiệp này có chứa 241 linh kiện, phụ tùng xe máy các loại gồm: dây thắng, yên xe, tay thắng, tay chụp vặn ga, công tắc đèn, xốp lọc gió, dây rắc lửa và vòng bi. Nhận biết ban đầu cho thất, tất cả hàng hóa nêu trên mang nhãn hiệu Honda và hình có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Honda Nhật Bản đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Mới đây nhất, sáng ngày 09/8/2023, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên đã tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng kinh doanh phụ tùng xe máy của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Minh Hải, địa chỉ số 74 Nguyễn Trãi, Phường Lê Lợi, TP Hưng Yên, Tỉnh Hưng Yên. Kết quả kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Minh Hải đang bày bán một số hàng hóa là phụ tùng xe gắn máy có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Công ty Honda Motor và Công ty Yamaha Motor bao gồm: 11 chiếc đĩa nhông nhãn hiệu Yamaha, 05 chiếc Roto nhãn hiệu Yamaha, 20 chiếc vỏ yên xe máy nhãn hiệu Honda.

Hiểm họa khôn lường

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, phụ tùng xe giả mạo nhãn hiệu đang trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội. Tình trạng nhập linh kiện, nguyên liệu, sản phẩm hoàn chỉnh vào Việt Nam sau đó chế biến, lắp ráp, sang chiết, bao gói thành các sản phẩm giả các nhãn hiệu nổi tiếng trong nước và nước ngoài đưa ra thị trường tiêu thụ rất phổ biến tại nhiều thành phố lớn trên cả nước.

Theo phân tích của các cơ quan chuyên môn, những dòng xe nhái, giả nhãn hiệu có đặc điểm giá thành thấp nhưng không có tiêu chuẩn hợp quy do Cục Đăng kiểm cấp, do đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng khi lưu hành.

Theo đại diện Công ty Honda Việt Nam, các bộ phận đảm bảo sự an toàn cơ bản cho người sử dụng phương tiện như nhông, xích xe máy, gương chiếu hậu, nan hoa, quả xi nhan, má phanh cơ, đĩa, khóa điện, cuộn nổ, phanh tay, bộ lọc gió... thường bị làm giả nhiều nhất. Hàng nhái chủ yếu được sản xuất bằng công nghệ thủ công với chất liệu không đạt chuẩn, nhiều loại pha trộn hợp chất kém chất lượng nên độ chính xác và tuổi tho kém, nhanh hỏng và không an toàn cho người sử dụng. Do đó, thực tế trong những năm vừa qua đã xảy ra nhiều trường hợp tai nạn do phụ tùng nhái gây ra như cháy nổ xe máy, xe gãy trục, nổ lốp…gây tổn thất to lớn cho người dùng. Bản thân các nhà sản xuất chính hãng cũng thiệt hại, giảm sút lợi nhuận kinh doanh cũng như uy tín.

Cần có phương án phối hợp để ngăn chặn hành vi 

Bà Đại Khả Quỳnh cho biêt, để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trong ngành công nghiệp sản xuất xe máy, bản thân doanh nghiệp, nhà sản xuất phải luôn luôn có hoạt động theo sát thị trường để kịp thời phát hiện hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ để báo cáo hoặc thông tin cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý hành vi vi phạm.

Về phía cơ quan chức năng cần có sự chủ động hơn trong công tác điều tra, khảo sát thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt trên thương mại điện tử, chỉ cần một cú click chuột, hoặc dùng keyword: phụ tùng xe máy, phụ tùng Honda hay xe điện Vespa sẽ xuất hiện rất nhiều mặt hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Từ đó cho thấy, đây vẫn là lĩnh vực cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các lực lượng chức năng.

Các cơ quan chức năng cần tích cực hơn trong việc điều tra khảo sát không chỉ trên thị trường truyền thống mà trên sàn thương mại điện tử để giúp thị trường trong sạch hơn. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phối hợp giữa các lực lượng để nâng cao kiến thức từ đó dễ dàng nhận biết được hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Song song cũng cần tuyên truyền để nâng cao ý thức của người tiêu dùng, giúp họ nói không với hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Chúng tôi cũng mong muốn người tiêu dùng ý thức được hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của người dùng. Vì thế, khi có sự phân vân không phân biệt được hàng giả, hàng nhái thì tốt nhất nên đến các cơ sở chính hãng để được cung cấp những phụ tùng chính hãng.

Để phát triển một thương hiệu cũng như một mẫu mã sản phẩm sẽ tốn rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc. Vì vậy việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng thương hiệu mà chưa được sự đồng ý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín cũng như hình ảnh của các doanh nghiệp sản xuất.

Vì vậy, để chống lại hành vi làm hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp đều đầu tư khá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để chống lại các hành vi lợi dụng nhãn hiệu, quyền sở hữu trí tuệ mà doanh nghiệp đã dày công xây dựng. Chúng tôi xác định đây là hoạt động không ngừng nghỉ. Do đó mong muốn không chỉ có phía doanh nghiệp mà cần có sự phối hợp tổng thể của cả doanh nghiệp và cơ quan chức năng, trong đấy cả hệ thống pháp luật và chế tài xử lý vi phạm mới đủ tính răn đe. Tôi cho rằng, với chế tài xử lý hiện nay vẫn còn khá thấp và chưa mang tính răn đe cao.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang