Hàng giả, hàng lậu liên tiếp được phát hiện tại nhiều địa phương

(VietQ.vn) - Chỉ trong vài ngày gần đây lực lượng quản lý thị trường một số tỉnh đã kịp thời phát hiện và tịch thu nhiều hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa nhập lậu.
Nghị quyết 57: Mở ra không gian sáng tạo cho các nhà khoa học
TP. Hồ Chí Minh tổng kiểm tra thuốc, thiết bị y tế và thực phẩm chức năng giả
Tiêu hủy số lượng lớn giày giả mạo nhãn hiệu tại Phú Thọ
Cụ thể, tại tỉnh Nghệ An vào ngày 13/5/2025, Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Nghệ An đã kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh NTN có địa chỉ tại xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương đã phát hiện đang bày bán 310 gói dầu gội đầu nhãn hiệu Clear, Dove loại 6g; 293 gói dầu xả nhãn hiệu Dove, Sunsilk loại 6g; 89 gói nước xả nhãn hiệu Comfont loại 20ml; 18 hộp kem đánh răng nhãn hiệu P/S loại 180g; 145 cái bàn chải đánh răng nhãn hiệu P/S.
Các sản phẩm trên có gắn các nhãn hiệu “CLEAR’, “DOVE’, “SUNSILK”, “COMFORT”’ “P/S” đang được bảo hộ ở Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ có liên quan đến hàng hóa.
Tiếp đến tại tỉnh Vĩnh Phúc vào ngày 14/5/2025 Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt đối với hộ kinh doanh Nguyễn Anh Minh, địa chỉ tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với số tiền 46 triệu đồng về các hành vi vi phạm buôn bán mỹ phẩm giả mạo nhãn hiệu và nhập lậu. Được biết trước đó, ngày 07/5/2025 Đội Quản lý thị trường số 5 thuộc Chi cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh Nguyễn Anh Minh, địa chỉ tổ dân phố Lai Sơn, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình thu giữ nhiều hàng hóa giả mạo nhãn hiệu
Qua kiểm tra thực tế đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở đang kinh doanh hàng hóa vi phạm gồm 300 chai dầu gội đầu nhãn hiệu TRESEMME loại 370ml, 450ml do nước ngoài sản xuất (Made in THAILAND), không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, là hàng giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam và hơn 400 chai dầu gội đầu các nhãn hiệu SUNSILK, PANTENE, CLEAR, DOVE loại 370ml, 380ml, 400ml, 410ml và 22 chai Lăn khử mùi nhãn hiệu Scion Brightening loại 75 ml toàn bộ do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc là hàng hóa nhập lậu.
Tại tỉnh Ninh Bình, vào ngày 15/5/2025, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình phối hợp với Công an tỉnh phát hiện xưởng may do bà Phạm Thị Mừng làm chủ (thôn Đông Mai, xã Khánh Hải, huyện Yên Khánh) đang sản xuất sản phẩm may mặc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện xưởng may đang sản xuất hơn 1000 sản phẩm may mặc có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Dior, CD, Dolce & Gabbana và hình, GUCCI, BURBERRY và các phụ kiện may mặc, tem nhãn phục vụ sản xuất khoảng 54.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nói trên. Ngoài ra, tại xưởng phát hiện số lượng lớn vải (40 cây vải – khoảng 2 tấn) các loại do nước ngoài sản xuất nhưng không có hoá đơn, chứng từ, giấy tờ kèm theo theo quy định.
Tại tỉnh Thái Bình vào sáng ngày 16/5/2025, Đội QLTT số 2 - Chi cục QLTT tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Công an Phường Hoàng Diệu tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh thực phẩm đông lạnh H.V.T, địa chỉ tại tổ 12, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình do ông H.V.T làm chủ.
Kiểm tra thực tế, lực lượng chức năng phát hiện trong kho lạnh của hộ kinh doanh có trên 3 tạ thực phẩm đông lạnh gồm: 200 kg tim lợn, 80 kg đuôi bò, 45kg chân gà… Qua làm việc, chủ hộ kinh doanh là ông H.V.T không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng hóa trên. Trị giá hàng hóa vi phạm: 19.550.000 đồng.
Trước thực trạng trên, để triển khai hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa ban hành Kế hoạch số 01/KH-TTTN ngày 17/5/2025 nhằm giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm nêu trên.
Kế hoạch được ban hành với mục tiêu triển khai hiệu quả, kịp thời các chỉ đạo của Chính phủ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cần huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là người dân.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; tạo bước chuyển biến đột phá, gắn với quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp, nhằm nâng cao năng lực quản lý và phân định rõ trách nhiệm, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót trong thực thi nhiệm vụ. Qua đó, rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc để hướng tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
An Dương