Hàng Việt từng bước chiếm được niềm tin của người tiêu dùng
Nền kinh tế xanh mở ra nhiều cơ hội cho Hàng Việt Nam chất lượng cao
Đẩy mạnh thương hiệu Việt hưởng ứng phong trào người Việt Nam dùng hàng Việt Nam của NCT3
Trong quá trình hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt, nhiều thách thức mới khi hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn. Điều này đặt lên vai doanh nghiệp trách nhiệm không ngừng nâng cao chất lượng, hạ thấp chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong nước.
Đáng mừng là theo thống kê từ Bộ Công thương, đến nay hàng Việt đã chiếm tỷ lệ cao trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước, tại hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam chiếm từ 60% đến 96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên.
Người tiêu dùng ngày càng tin tưởng vào chất lượng hàng Việt. Ảnh minh họa.
Mặt khác, nhiều năm qua, với sự vào cuộc của các cấp, ngành trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã từng bước làm thay đổi nhận thức, tâm lý và quyết định lựa chọn của doanh nghiệp cung ứng, cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước. Hàng Việt từng bước chiếm được niềm tin của người tiêu dùng do có nguồn gốc, nhãn hiệu rõ ràng, chất lượng bảo đảm, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ tìm hiểu về sản phẩm.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, để hàng Việt đến gần hơn với người Việt, các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm Việt Nam có chất lượng cao đến người tiêu dùng, cung cấp thông tin chính xác về thành phần, chức năng, công dụng,... của sản phẩm. Đồng thời, Chính phủ, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần đẩy mạnh tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại nhằm giúp người dân hiểu rõ và tin tưởng hơn nữa vào chất lượng hàng Việt.
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1873/QĐ-BCT ngày 20/7/2023 về việc tổ chức "Chương trình khuyến mại tập trung quốc gia 2023 – Vietnam Grand Sale 2023". Theo đó, Chương trình sẽ được diễn ra từ ngày 4/12/2023 – 10/1/2024 trên phạm vi toàn quốc. Thông qua Chương trình, doanh nghiệp sẽ chủ động thực hiện nhiều hoạt động khuyến mại với nội dung đa dạng, hấp dẫn để người tiêu dùng mua sắm được những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp.
Bộ Công Thương cho biết, Chương trình được thực hiện để kích cầu thị trường tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và kinh doanh góp phần phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong nước về hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam qua các hoạt động truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, thông qua hoạt động khuyến mại kết hợp tổ chức hội chợ, triển lãm, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các lễ hội truyền thống tại địa phương để quảng bá sản phẩm, văn hóa vùng miền của Việt Nam và thu hút du lịch. Thời gian thực hiện Chương trình từ ngày 4/12/2023 đến ngày 10/1/2024. Đối tượng tham gia là tất cả thương nhân theo quy định của pháp luật. Hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại và mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là 100% theo quy định tại khoản 4 Điều 6 và khoản 2 Điều 7 Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ.
Thanh Tùng