Hậu Covid-19 ở trẻ: Cha mẹ cần lưu ý những gì?

author 06:50 18/03/2022

(VietQ.vn) - Tình hình COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây, số lượng người nhiễm tăng đột biến, đặc biệt là trẻ em. May mắn là trẻ em thường bị nhẹ hơn so với người lớn, thế nhưng điều mà nhiều phụ huynh đang lo ngại là tình trạng hậu COVID-19 ở trẻ em.

Theo chuyên gia y tế, hiện nay, số trẻ em (0-15 tuổi) mắc COVID-19 càng ngày càng tăng trên phạm vi cả nước. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ mắc COVID-19 chiếm khoảng 20% tổng ca mắc. Nguy cơ và tình trạng trẻ mắc COVID-19 ở các nhóm tuổi cũng khác nhau. Trẻ ở nhóm tuổi rất nhỏ mắc COVID-19 chiếm tỷ lệ không cao nhưng công tác theo dõi, chăm sóc khó khăn hơn nên một số ca đã cần có sự hỗ trợ chăm sóc của nhân viên y tế. Trẻ ở nhóm tuổi lớn hơn mắc COVID-19 thì biểu hiện, triệu chứng giống như người lớn.

Khi mắc COVID-19, trẻ em thường có các biểu hiện về đường hô hấp, tim mạch, mùi vị, mệt mỏi về thể chất, đau đầu... Ngoài ra, hậu COVID-19, trẻ em thường bị ảnh hưởng vấn đề về thần kinh, mệt mỏi về tinh thần, rối loạn tâm sinh lý khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

 Hậu COVID-19 ở trẻ: Cha mẹ cần lưu ý những gì?Ảnh minh họa

Chị “Như Bé” chia sẻ trong một hội nhóm với nội dung: “Con gái mình 9 tuổi bị nhiễm COVID-19, đến nay đã khỏi bệnh nhưng lại có triệu chứng đãng trí hơn, giảm khả năng chú ý, học tập khó khăn, đọc chậm hơn, thậm chí bé trở nên trầm tính hơn trước. Làm thế nào để điều trị khỏi cho bé, mọi người tư vấn hộ mình với”.

Trước thực trang trên, PGS. TS Nguyễn Thị Diệu Thuý, Trưởng Bộ môn Nhi – Trường Đại học Y Hà Nội cho hay, sau khi mắc COVID-19, trẻ có thể có những rối loạn về tâm sinh lý. Ví dụ trẻ có thể đau đầu, mất ngủ. 

Tuy nhiên, theo TS Thuý, cần phân định rõ hai vấn đề khi tiếp nhận 1 trẻ được cho là "rối loạn tâm sinh lý". Một là bố mẹ trẻ lo lắng thái quá, hai là bản thân trẻ có vấn đề. 

Bác sĩ cũng nhấn mạnh việc phải cá thể hoá trong điều trị rối loạn tâm sinh lý ở trẻ sau khi khỏi COVID-19 bởi không có phác đồ chung cho tất cả trẻ bởi trẻ dưới 5 tuổi khác, dưới 12 tuổi khác.

Ngoài những trường hợp trẻ mất ngủ, rối loạn giấc ngủ sau COVID-19 lại có trẻ hay quấy khóc, không tập trung, ngủ trằn trọc, hay thức giấc về đêm... sau khi mắc COVID-19. Nguyên nhân được giải thích là virus SARS-CoV-2 tác động vào thần kinh trung ương, hệ phó giao cảm, làm trẻ rối loạn giấc ngủ. Nếu trẻ mất ngủ mức độ nhẹ, các bác sĩ hướng dẫn cha mẹ để trẻ ngủ sâu vào ban đêm, ban ngày hạn chế ngủ, sinh hoạt bình thường. Nếu trẻ bị mất ngủ nặng hơn, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc liều nhẹ để trẻ ngủ sâu cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý.

"Một số trường hợp cần khám, đánh giá khả năng cần chụp chiếu thăm dò như chụp não, điện não đồ xem có tổn thương cơ quan phối hợp hay không" – BS Thuý nói.

Theo BS. Trần Quốc Khánh, BV Việt Đức, sau khi khỏi COVID-19, trẻ sẽ trở lại bình thường từ 3-6 tháng và không có dấu vết gì bởi khả năng tự chữa lành của trẻ cao, do đó sẽ không có quá nhiều nguy hiểm. Vì vậy, BS nhấn mạnh cha mẹ không nên quá lo lắng, sợ hãi, tự kỷ ám thị cho rằng biểu hiện ở trẻ sau khi đã khỏi bệnh là do di chứng để lại.

Còn BS Mạnh Cường - chuyên khoa nhi, BV Quân y 103 chia sẻ, tăng sức đề kháng cho trẻ chính là chìa khóa quan trọng để chiến thắng COVID và hậu COVID-19. Cha mẹ hãy bổ sung cho trẻ chế độ ăn khoa học, đầy đủ dinh dưỡng và cho bé tập luyện nhẹ nhàng thay vì nghe các thông tin không đầy đủ rồi đi mua thuốc chữa hậu COVID-19.

Cụ thể, cha mẹ hãy đảm bảo cho con một chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và thể dục hợp lý để duy trì thể lực. Cho con ngủ đúng giờ, không thức muộn để xem phim hay chơi game sẽ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nếu bé mất ngủ có thể cho bé nghe nhạc không lời để dễ ngủ hơn.

Một sức đề kháng đặc biệt nữa chính là hãy cho trẻ tiêm đầy đủ mũi vaccine phòng COVID-19 khi có đủ điều kiện về độ tuổi... Với trẻ mà cha mẹ e ngại chưa cho tiêm vaccine phòng COVID-19 hãy cho trẻ đi tiêm chủng để ngừa những nguy cơ do COVID và hậu COVID-19.

Bởi theo TS. Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: "Dù ở thời điểm hiện tại trẻ mắc COVID-19 thường diễn biến nhẹ, không có nghĩa là giai đoạn sau trẻ sẽ an toàn. Chính vì lý do đó, lứa tuổi này vẫn phải tiêm phòng vaccine COVID-19".

Nguyễn Hương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang