Hé lộ loại vaccine là 'khắc tinh' của bệnh lở mồm long móng ở Việt Nam

author 06:25 18/11/2018

(VietQ.vn) - Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine phòng bệnh lở mồm long móng AVAC-V6 FMD Emulsion type O cho gia súc và đã cho phép lưu hành trên thị trường.

Sau nhiều năm nghiên cứu và trải qua quá trình thẩm định, đánh giá khắt khe, lần đầu tiên Việt Nam đã sản xuất thành công vaccine phòng bệnh lở mồm long móng (LMLM) AVAC-V6 FMD Emulsion type O cho gia súc. Đây là loại bệnh rất nguy hiểm đối với các loại gia súc, lây lan rất nhanh và gây thiệt hại lớn về kinh tế. 

Trước đó, ngày 26/10, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) đã cấp giấy chứng nhận cho phép lưu hành vaccine trên ra thị trường.

Vaccine lở mồm long móng AVAC-V6 FMD Emulsion.

Theo Bộ NN&PTNN, vaccine này bảo đảm đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN cũng đã ký Quyết định số 4167/QĐ-BNN-TY về việc công nhận giống virus LMLM type A “RAHO6/FMD/A-379” của Chi cục Thú y vùng VI dùng để sản xuất vaccine.

Đây được coi là bước ngoặt của ngành thú y Việt Nam trong quá trình làm chủ công nghệ để sản xuất các loại vaccine, kể cả vaccine phòng bệnh nguy hiểm như bệnh LMLM.

Việc chủ động sản xuất được vaccine LMLM tại Việt Nam sẽ tạo thuận lợi trong việc chủ động phòng bệnh. Giúp giảm giá thành vắc xin, tiết kiệm chi phí nhập khẩu vaccine, tiến tới loại trừ mầm bệnh LMLM trên gia súc.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, Việt Nam lần đầu sản xuất được chủng vaccine LMLM type O, điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Từ việc Chi cục Thú y vùng VI nghiên cứu đưa ra những sản phẩm vaccine mới liên quan đến bệnh LMLM, trên nền tảng này, Việt Nam có thể tự chủ về vaccine, qua đó tiếp tục nghiên cứu, chọn lựa, phân lập các chủng virus khác trên gia súc, gia cầm để phục vụ việc sản xuất vaccine phòng, chống dịch bệnh trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Thú y phối hợp Bộ NN&PTNN Việt Nam xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; cùng với các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch triển khai loại vaccine LMLM một cách bài bản và hiệu quả; tiếp tục nâng cao chất lượng, hạ giá thành để khi sử dụng sản phẩm trong sản xuất chăn nuôi sẽ thuận tiện nhất... góp phần thúc đẩy sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam giành được thị trường xuất khẩu bền vững trong thời gian tới.

Theo OIE, bệnh LMLM xếp thứ nhất trong gần 120 bệnh ở động vật cần cảnh báo toàn cầu. Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm, thiệt hại về kinh tế và chi phí cho công tác phòng, chống khoảng trên 20 triệu USD, trong đó phần lớn nguồn kinh phí dành để mua vacxin. Tuy nhiên, Việt Nam phải nhập khẩu 100% vaccine từ nước ngoài, vừa tốn kém (từ năm 2010 đến nay, mất trên 110 triệu USD để nhập khẩu), vừa chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Nguyễn Huệ

Dấu hiệu nhận biết bệnh teo đường mật bẩm sinh tránh nhầm bệnh vàng da sinh lý, viêm gan(VietQ.vn) - Theo bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, teo đường mật được coi là rất hiếm bởi trẻ mắc bệnh không được phát hiện ra bệnh mà thường bị chẩn đoán nhầm sang các dạng bệnh lý khác như vàng da sinh lý, viêm gan...
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang