Hệ lụy từ việc điều trị bỏng và bệnh vẩy nến tại nhà bằng thuốc nam

author 05:31 02/10/2024

(VietQ.vn) - Mới đây Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận và điều trị cho 2 trường hợp là bệnh nhi bị bỏng nước sôi và bệnh vẩy nến nhưng không tới bệnh viện khám mà tự ý đắp thuốc nam và tắm lá khiến cho tình trạng càng thêm nặng.

Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cho biết, trường hợp thứ nhất là bệnh nhi 2 tuổi (Đông Triều – Quảng Ninh) bị bỏng nước sôi tại nhà. Sau khi được sơ cứu tại trung tâm y tế gần nhà thay vì chuyển lên tuyến trên để điều trị thì gia đình lại xin về và tự đắp các loại thuốc nam với hy vọng vết thương sẽ nhanh chóng khỏi. Thế nhưng, chỉ sau 2 ngày, vết bỏng vùng mông, bộ phận sinh dục, cẳng chân, bàn chân ửng đỏ, chảy dịch. Lúc này gia đình mới đưa trẻ đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí.

Trường hợp thứ 2 là người bệnh bị bệnh vảy nến. Thay vì tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh lại nghe theo nhiều người mách tắm một số loại lá cây sẽ nhanh khỏi. Thế nhưng chỉ sau vài lần tắm, người bệnh thấy xuất hiện nhiều vết phỏng da, kèm theo đó là cảm giác nóng, rát, đau tại các vết phỏng.

Tình trạng bỏng càng nặng thêm do tự ý đắp thuốc nam và tắm lá. Ảnh: BV cung cấp

Trước 2 trường hợp trên, các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí chia sẻ, dù đã rất nhiều lần cảnh báo, thế nhưng vẫn có rất nhiều trường hợp người bệnh nhập viện với những biến chứng như loét, nhiễm trùng, hoại tử… mà nguyên nhân là do việc tự điều trị không đúng cách. Thay vì đến các cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị bởi các bác sĩ, lại có rất nhiều trường hợp người bệnh đã tự điều trị tại nhà tại bằng các phương thuốc truyền miệng, các cách chữa mẹo. Các cách chữa đó chưa hề được kiểm chứng bởi khoa học và hậu quả là bệnh không thuyên giảm mà có xu hướng nặng nề hơn. Khi đó người bệnh mới vội vàng đến bệnh viện, gây khó khăn cho việc điều trị, thời gian điều trị kéo dài và gây nhiều đau đớn cho người bệnh.

Khuyến cáo thêm BSCKI. Nguyễn Viết Tuấn, Khoa Ngoại – Bệnh viện Đại học Y khoa Vinh cho biết, có nhiều tác nhân gây bỏng, thường gặp nhất là bỏng do nước sôi, bỏng lửa, bỏng hóa chất… Tổn thương bỏng rất đa dạng ở nhiều vị trí như mặt, chân, bàn chân, lưng, cánh cẳng tay, bàn tay… ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, để lại những di chứng nặng nề.

Khi bị bỏng, nếu không được chữa trị đúng cách bệnh nhân sẽ có nguy cơ nhiễm trùng huyết và có thể nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, trước khi đưa tới bệnh viện cần nhanh chóng ngâm rửa vùng cơ thể bị bỏng vào nước sạch. Thời điểm ngâm rửa bằng nước mát càng sớm càng tốt, tốt nhất trong 30 phút từ sau khi bị bỏng. Sau khoảng thời gian trên, việc ngâm rửa ít có tác dụng.

Nước để ngâm rửa phải là nước sạch, nhiệt độ tiêu chuẩn là từ 16-20 độ C. Nếu trong trường hợp cấp cứu nên cần tận dụng nguồn nước sẵn có ngay tại nơi bị nạn, tốt nhất là nguồn nước sạch nếu có như nước đun sôi để nguội, nước máy, nước mưa, nước giếng khoan…Tuyệt đối không dùng nước đá gây nhiễm lạnh cho nạn nhân.

Có thể ngâm rửa phần bị bỏng dưới vòi nước chảy hoặc ngâm trong chậu nước mát hoặc đắp thay đổi bằng khăn ướt dội rửa liên tục nước sạch lên vùng bỏng. Thời gian ngâm rửa thường tới khi hết đau rát trong khoảng 15 – 40 phút. Chú ý không làm trợt vỡ vòm nốt phỏng.

Nên che phủ vùng bỏng bằng vật liệu sạch gạc y tế, khăn mặt, khăn tay, vải màn… sạch để quấn phủ lên, sau đó băng ép nhẹ bằng băng sạch. Tránh băng quá chặt gây chèn ép vùng bỏng. Không bôi bất cứ loại thuốc hay hoá chất nào lên vùng bị bỏng. Cho uống nước Oresol nếu nạn nhân không nôn, không chướng bụng, vẫn tỉnh táo. Có thể cho uống nước chè đường ấm, nước cháo loãng, nước hoa quả, nếu là trẻ nhỏ vẫn cho trẻ bú bình thường.

Công bố tiêu chuẩn chất lượng dược liệu

Theo Điều 8 tại Thông tư số: 38/2021/TT-BYT quy định dược liệu phải công bố tiêu chuẩn chất lượng trước khi lưu hành, bao gồm một trong các trường hợp sau: Dược liệu chưa có tiêu chuẩn chất lượng quy định trong dược điển Việt Nam hoặc dược điển các nước trên thế giới quy định tại Điều 5 Thông tư này; Dược liệu có tiêu chuẩn chất lượng quy định trong dược điển Việt Nam hoặc dược điển các nước trên thế giới quy định tại Điều 5 Thông tư này nhưng cơ sở muốn công bố chỉ tiêu chất lượng và mức chất lượng cao hơn quy định tại dược điển.

Cơ sở được công bố tiêu chuẩn chất lượng, bao gồm: Cơ sở kinh doanh dược liệu tại Việt Nam; Cơ sở kinh doanh dược liệu của nước ngoài có văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Tại Điều 10 quy định việc kiểm nghiệm phải được thực hiện theo tiêu chuẩn chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền đã được phê duyệt và cập nhật. Trường hợp tiêu chuẩn chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền chưa được cập nhật, cơ sở kiểm nghiệm áp dụng dược điển tương ứng quy định tại Điều 5 Thông tư này để kiểm nghiệm chất lượng. Việc áp dụng dược điển tính theo ngày sản xuất lô dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền được kiểm nghiệm;

Trường hợp vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền được chế biến, sản xuất tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, việc kiểm nghiệm được thực hiện theo tiêu chuẩn chất lượng vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền do cơ sở xây dựng, ban hành.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang