Hệ thống cửa hàng Minizon Kids: Hàng không nhãn phụ, người dùng dễ gặp rủi ro về sức khoẻ (Bài 1)

author 06:31 05/10/2023

(VietQ.vn) - Hàng loạt hàng hóa bán tại Minizon Kids không được dán nhãn phụ tiếng Việt theo quy định khiến người dùng gặp khó khi tìm hiểu về công dụng, tính năng của sản phẩm, rất dễ gặp phải rủi ro về sức khỏe.

Hàng loạt sản phẩm không nhãn phụ, không rõ nguồn gốc xuất xứ

Để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng được tiếp cận, sử dụng sản phẩm có xuất xứ nước ngoài đúng chức năng, công dụng thì việc đọc được các thông tin nhãn hàng hóa gắn trên sản phẩm là ưu tiên quan trọng hàng đầu. Do đó, việc ghi nhãn phụ tiếng Việt đối với hàng hóa, sản phẩm nhập khẩu là điều kiện bắt buộc đối với tổ chức, cá nhân trước khi đưa hàng hóa đó ra thị trường.

Khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định về nhãn hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP quy định: “Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc”.

 Rất nhiều sản phẩm không ghi nhãn theo quy định pháp luật tại hệ thống Minizon Kids.

Tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 111/2021/NĐ-CP cũng quy định về trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa: “Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam phải ghi nhãn theo quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa nhập khẩu tại Nghị định này”.

Theo quy định trên, các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu và các tổ chức, cá nhân khi bày bán, kinh doanh hàng hóa nhập khẩu cũng phải chấp hành đúng quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa nhập khẩu.

Mặc dù việc ghi nhãn phụ là quy định bắt buộc, tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, một số tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa và tham gia kinh doanh vẫn chưa thực hiện đúng việc ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt đối với hàng hóa là hàng nhập khẩu. Trong đó, phải kể đến trường hợp chuỗi cửa hàng Minizon Kids.

Được biết, Minizon Kids là hệ thống cửa hàng chuyên phân phối các mặt hàng dành cho mẹ và bé (quần áo, sữa, bỉm, bột ăn dặm, đồ chơi cho bé...) tại Hà Nội với tổng số 11 cửa hàng. Minizon Kids thuộc sở hữu của Công ty TNHH DV TM Hoa Tuấn Kiệt (địa chỉ đăng ký kinh doanh tại Số 30B, ngõ 31, tổ dân phố 1, Phường Phú La, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội). Người đang điều hành, quản lý hệ thống này là bà Cao Thị Hoa.

Theo khảo sát của phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), tại hệ thống này có rất nhiều sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài được bày bán công khai nhưng không ghi nhãn phụ tiếng Việt theo quy định. Có thể đến các sản phẩm như: bỉm, bánh ăn dặm cho trẻ, sữa, mì ăn dặm, sữa tắm gội cho bé, các loại vitamin...

 Trên những hộp sữa Meiji bày bán tại Minizon Kids chỉ có nhãn gốc tiếng Anh, không có nhãn phụ tiếng Việt.

Cụ thể, tại Minizon Kids, nhiều sản phẩm sữa Meiji không ghi nhãn phụ Tiếng Việt. Do đó, khách hàng khó có thể biết sản phẩm sữa này xuất xứ từ đâu, thành phần gồm những gì, cách sử dụng ra sao, dùng cho trẻ bao nhiêu tuổi, hạn dùng trong bao lâu. Việc không có nhãn phụ trên sản phẩm sữa rất dễ khiến người tiêu dùng sử dụng sai cách hoặc nhầm lẫn, đặc biệt là pha sữa sai công thức mà nhà sản xuất khuyến cáo. 

"Trẻ nhỏ là đối tượng nhạy cảm nên mình thấy hầu hết sản phẩm đều phải có hướng dẫn sử dụng, khuyến cáo đầy đủ. Hơn nữa, ở thị trường Việt Nam thì thông tin phải có tiếng Việt để mọi người đều đọc và hiểu được. Mình có mua sữa tại Minizon Kids một lần, nhưng sau đó lại mất công lên mạng tìm hiểu cách dùng và khuyến cáo. Việc không có nhãn bằng tiếng Việt rất dễ khiến các ông bố, bà mẹ dùng sai cách, ảnh hưởng tới con nhỏ", một người tiêu dùng nói với phóng viên.

Để kiểm chứng thông tin, trong vai người tiêu dùng, phóng viên cũng nhận thấy không chỉ thực phẩm, sữa, tại hệ thống cửa hàng Minizon Kids, nhiều sản phẩm khác như thực phẩm chức năng, sữa tắm gội, một số loại vitamin dành cho trẻ em bày bán trên kệ hàng cũng không ghi nhãn Tiếng Việt theo quy định. Khi phóng viên hỏi vì sao hàng hoá lại không ghi nhãn phụ, nhân viên cửa hàng nói việc này phải hỏi phía công ty.

 Sản phẩm bánh ăn dặm trên bao bì toàn bộ ghi chữ nước ngoài. Rất khó để biết sản phẩm này xuất xứ từ đâu, thành phần ra sao, chất lượng có đảm bảo hay không.

Minizon Kids có đang "phớt lờ" pháp luật, đẩy rủi ro về phía người dùng?

Nhãn hiệu hàng hóa là một trong những dấu hiệu giúp người tiêu dùng có thể nhận biết được nguồn gốc xuất xứ, chủng loại, thành phần, cách sử dụng sản phẩm bày bán, lưu hành trên thị trường. Nhãn hàng hóa bao gồm hai loại là nhãn gốc và nhãn phụ. Nhãn gốc được thể hiện lần đầu gắn trên bao bì, hàng hóa do các cá nhân, tổ chức sản xuất hàng hóa tự gắn lên đó (được quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Nhãn phụ cũng tương tự như nhãn gốc được gắn lên trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm nhưng ngôn ngữ sử dụng phải là Tiếng Việt, trên đó nêu rõ những nội dung bắt buộc trên nhãn gốc luật định các cá nhân, tổ chức phải dịch từ tiếng nước ngoài sang Tiếng Việt hoặc là những nội dung mà nhãn gốc còn thiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải bổ sung (được quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP).

Quy định của pháp luật về việc ghi, sử dụng nhãn phụ: Ngôn ngữ bắt buộc của nhãn phụ là Tiếng Việt; các trường hợp bắt buộc phải có nhãn phụ là hàng hóa nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam: Trong đó bao gồm các hàng hóa mà nhãn gốc chưa thể hiện đủ nội dung bắt buộc; hàng hóa có nhãn gốc sử dụng ngôn ngữ là tiếng nước ngoài.

Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Cùng với đó, tại Điều 10, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung về tên hàng hóa; tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa và xuất xứ hàng hóa. Theo đó, trường hợp không thể thể hiện tất cả nội dung bắt buộc trên nhãn thì các nội dung: Tên hàng hóa; Tên tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Định lượng; Ngày sản xuất; Hạn sử dụng; Xuất xứ hàng hóa... phải được ghi trên nhãn. Những nội dung bắt buộc khác phải được ghi trong tài liệu kèm theo và trên nhãn hàng hóa phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng Tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng Tiếng Việt.

 Một sản phẩm sữa tắm cho bé không có nhãn phụ. Người dùng nếu không biết ngoại ngữ khó có thể tiếp cận thông tin về cách dùng, liều lượng dùng sản phẩm này.

Có thể thấy, mặc dù luật pháp hiện hành đã quy định rất cụ thể, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà hệ thống cửa hàng Minizon Kids lại bất chấp pháp luật, bày bán công khai hàng hoá nhập khẩu nhưng không ghi nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định. Điều đáng lo ngại hơn là tại hệ thống này, hàng hoá hướng tới phục vụ cho mẹ bầu và trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ- vốn là những đối tượng nhạy cảm về sức khoẻ, cần được bảo vệ.

Việc không nắm được thông tin sản phẩm (xuất phát từ việc không có nhãn Tiếng Việt) có thể khiến người dùng gặp rủi ro về sức khoẻ. Khi đó, Minizon Kids có chịu trách nhiệm hay không? Các sản phẩm hàng hoá bán tại hệ thống này có đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, chứng từ chứng minh xuất xứ theo quy định của pháp luật hay không?

Trước thực trạng thiếu tem nhãn phụ Tiếng Việt số lượng lớn và hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ tại hệ thống cửa hàng mẹ và bé Minizon Kids, đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội và các cơ quan chức năng liên quan… kiểm tra xác minh, xử lý sai phạm (nếu có) để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

Bài 2: Không dấu chứng nhận, sản phẩm tại Minizon Kids có đảm bảo chất lượng?

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang