Hệ thống thời trang M2: Buông lỏng chất lượng, trang thương mại điện tử hoạt động ‘chui’?
Hệ thống siêu thị M2 bán hàng trẻ em thiếu tem CR, chất lượng sản phẩm có đảm bảo?
Khám phá showroom VinFast mới rộng gần 5.000m2 tại Hà Nội
Bắt giữ kho hàng lậu cực lớn 10.000m2 giữa trung tâm thành phố Lào Cai
Triệt phá kho hàng lậu với nhiều sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng
M2 buông lỏng quản lý, thả trôi chất lượng sản phẩm?
Chiều ngày 16/10, PV Chất lượng Việt Nam online (Vietq.vn) đã có buổi làm việc với đại diện thương hiệu M2 về những phản ánh của người tiêu dùng trong vấn đề chất lượng sản phẩm may mặc bán tại Hệ thống siêu thị M2.
Theo đó, vị đại diện M2 thừa nhận ở một vài cửa hàng trong hệ thống của thương hiệu này vẫn còn tình trạng hàng hóa thiếu sót việc gắn tem hợp quy để đảm bảo chất lượng. Nguyên nhân được vị này “đổ” cho do hàng tồn của đối tác.
Theo quy định tại Thông tư số 07/2018/TT-BCT về việc sửa đổi Thông tư số 21/2017/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành, bắt đầu từ ngày 01/01/2019, các sản phẩm dệt may, hàng may mặc trước khi đưa ra thị trường bắt buộc phải được kiểm tra và dán nhãn chứng nhận hợp quy, chứng nhận phù hợp quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng Formaldehyt và các Amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may.
Nhiều sản phẩm may mặc tại M2 không có tem hợp quy để đảm bảo chất lượng, nhất là các sản phẩm dành cho trẻ em.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại đã gần 2 năm, quy định các sản phẩm dệt may, hàng may mặc trước khi đưa ra thị trường bắt buộc phải được kiểm tra và dán nhãn chứng nhận hợp quy, chứng nhận phù hợp quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT có hiệu lực, thế nhưng hệ thống siêu thị thời trang lớn như M2 vẫn không thực hiện đầy đủ và “đổ lỗi cho hàng tồn kho” của đối tác trong khi tại hệ thống thời trang này luôn tấp nập người tiêu dùng đến mua hàng?
Phải chăng đây chỉ là lý do được nêu ra để ngụy biện cho việc buông lỏng quản lý, thả trôi chất lượng sản phẩm và không quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng? Nhất là tại đây, theo phản ánh của người tiêu dùng và ghi nhận thực tế của phóng viên nhiều sản phẩm may mặc dành cho trẻ em (đối tượng cần được bảo vệ nhất) cũng không có tem hợp quy (CR). Hầu như, các sản phẩm này đều là sản phẩm “hot” và được trưng bày ở những kệ trung tâm của cửa hàng chứ không phải ở các quầy hạ giá, hàng tồn như vị đại diện M2 nêu.
Trang thương mại điện tử hoạt động “chui”?
Tại buổi làm việc, đại diện thương hiệu M2 cũng thừa nhận, trang thương mại điện tử bán hàng có địa chỉ https://m2.com.vn là của thương hiệu này.
“Tuy nhiên trang thương mại điện tử trên đang trong quá trình chạy thử nghiệm nên khách hàng chắc chắn không thể đặt hàng được”, vị này nói.
Tại buổi làm việc Pv đã trực tiếp thực hiện thao tác tiến hành đặt mua hàng thì hệ thống tại đây vẫn báo đặt hàng thành công và gửi đơn hàng về địa chỉ email mà Pv đăng kí. Lý giải vấn đề này vị đại diện M2 cho biết sẽ trao đổi lại với phía kĩ thuật website và vị này cũng đổ cho "lỗi kĩ thuật".
Chưa kể, dưới chân trang thương mại điện tử m2.com.vn còn có số liệu thống kê với hơn 1000 lượt truy cập mỗi ngày và tổng lượt truy cập tính đến tối ngày 18/10 đạt xấp xỉ 220.000 người. Như vậy có thể thấy trang thương mại điện tử này đã hoạt động trong thời gian khá dài. Tại đây cũng không có dòng chữ nào ghi rõ là website đang chờ cấp phép hay hoạt động thử nghiệm như vị đại diện M2 nói. Chưa kể, website cũng không ghi thông tin cơ quan chủ quản.
Khi tra tên miền m2.com.vn trên Hệ thống quản lý hoạt động điện tử của Bộ Công Thương thì không có dữ liệu. Rõ ràng, thương hiệu M2 bán sản phẩm trên trang thương mại điện tử mà chưa thông báo với Bộ Công Thương là vi phạm pháp luật. Bởi theo quy định của pháp luật, toàn bộ website thương mại điện tử bán hàng và website cung ứng dịch vụ thương mại điện tử bắt buộc phải tham gia khai báo website với Bộ Công Thương.
Quy định ghi rõ, nếu sử dụng website để kinh doanh mà không đăng ký, thông báo với Bộ Công thương sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật.
Theo quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BCT, cá nhân, tổ chức lập website để kinh doanh phải có trách nhiệm thông báo, đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công Thương tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Trường hợp cá nhân, tổ chức có trách nhiệm thông báo, đăng ký website thương mại điện tử với Bộ Công Thương không tuân thủ việc đăng ký sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể được quy định tại Điều 81 Nghị định này. Theo đó, mức phạt cụ thể như sau:
"2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
b) Không thông báo sửa đổi, bổ sung khi có sự thay đổi thông tin liên quan đến website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi chưa được xác nhận đăng ký theo quy định;
...
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động thương mại điện tử từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 và điểm a, b, c và d khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm”.
Chất lượng Việt Nam online sẽ tiếp tục thông tin!
Hiệp Lê