Hệ thống Vườn Của Bé kinh doanh có 'tầm' nhưng 'tâm' ở đâu?

author 07:08 15/04/2023

(VietQ.vn) - Năm lần bảy lượt kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bị cơ quan chức năng “tuýt còi”, báo chí phản ánh nhưng hệ thống Vườn Của Bé vẫn không sửa sai, tiếp tục vi phạm.

Vừa qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đăng tải loạt bài viết phản ánh về hệ thống cửa hàng Vườn Của Bé kinh doanh nhiều sản phẩm mẹ và bé không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều đáng nói, đây là hệ thống cửa hàng lớn, tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây.

Được biết, người điều hành và phát triển hệ thống là bà Vũ Thị Hài cùng các cộng sự. Do đó, bà Vũ Thị Hài chính như là “linh hồn” dẫn dắt con đường phát triển và định hướng của toàn hệ thống cửa hàng.

 Hệ thống Vườn Của Bé kinh doanh có “tầm” nhưng “tâm” ở đâu?

Nhưng, ẩn sau thành công ấy là câu chuyện “nói mãi không sửa” khi hệ thống Vườn Của Bé nhiều năm liền kinh doanh sản phẩm không có tem nhãn mác phụ, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cơ quan báo chí phản ánh, cơ quan chức năng liên tục xử phạt nhưng hệ thống này dường như vẫn “chứng nào vẫn tật ấy”.

Tuy hệ thống cửa hàng Vườn Của Bé phát triển, quy mô lớn hơn nhưng chỉ có điều hệ thống này vẫn kinh doanh bất chấp quy định pháp luật… đó là bán hàng không có tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ. Câu chuyện xảy ra vào ngày 28/2/2023, trên trang mạng xã hội “Vườn Của Bé – Hệ thống siêu thị mẹ và bé” đã đăng tải thông tin thú nhận về việc một khách hàng phản ánh mua sản phẩm sữa Blackmores số 3 nhưng không có tem phụ. Và để giải quyết vấn đề này Vườn Của Bé thanh minh là điểm phân phối của một công ty nhập khẩu chính hãng sản phẩm này tại Việt Nam, tuy nhiên, do cần phục vụ khách dịp cuối năm nên đã nhập một lô hàng mà chưa có tem phụ.

Câu chuyện trên đã chứng minh những gì VietQ.vn phản ánh về hệ thống cửa hàng Vườn Của Bé kinh doanh sản phẩm không nhãn mác, không rõ nguồn gốc là có căn cứ. Nhưng những hiện tượng nêu trên không chỉ chỉ ra sự thiếu sót, nhờn luật của hệ thống Vườn Của Bé mà còn cho thấy đây là câu chuyện đạo đức trong kinh doanh, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của bộ phận khách hàng để đánh lừa niềm tin của họ.

Trở lại việc sữa không có tem phụ nêu trên, theo khảo sát của VietQ, Vườn Của Bé đã kinh doanh sản phẩm này nhiều năm, do đó, việc xuất nhập hàng hoá, kiểm tra, kiểm soát chất lượng, đặc biệt về nguồn gốc xuất xứ phải đặt ưu tiên hàng đầu. Vườn Của Bé hoàn toàn có thể không nhập, kinh doanh những sản phẩm khi không đáp ứng yêu cầu về nhãn mác và chứng minh về nguồn gốc. Nhưng việc kinh doanh những sản phẩm không rõ nguồn gốc, tem nhãn phụ vẫn diễn ra suốt nhiều năm qua trong hệ thống Vườn Của Bé.

Do đó, việc thanh minh nêu trên chỉ là biện pháp “chữa cháy”, bởi, không phải khách hàng nào cũng đủ thông thái để tìm hiểu rõ quy định của pháp luật về quy chuẩn hàng hoá khi lưu thông trên thị trường để phát hiện ra những bất thường trong kinh doanh của hệ thống Vườn Của Bé. Vì vậy, đòi hỏi người kinh doanh phải có đạo đức, không phụ niềm tin của khách hàng, phải trung thực về hàng hoá.

Doanh nhân Vũ Thị Hài nổi tiếng vì phát triển thương hiệu Vườn Của Bé, được ngưỡng mộ như người phụ nữ thành công với tài năng và nhạy bén trong kinh doanh. Hơn hết, hệ thống Vườn Của Bé nhận được sự tin tưởng của rất nhiều khách hàng trung thành… nhưng sau những hào quang, sự đồ sộ của hệ thống thì chúng ta cần nhìn lại vấn đề đạo đức và tuân thủ quy tắc, quy định pháp luật trong kinh doanh.

Nhiều sản phẩm sữa cho trẻ và TPCN cho bà bầu bán tại cửa hàng Vườn Của Bé đều không có tem phụ.

Việc kinh doanh một sản phẩm tốt, chất lượng phải gắn liền với hành động thực tế, hơn hết là sự trung thực và tôn trọng quyền lợi của khách hàng. Cho dù công ty có thanh minh, lý giải hàng nghìn lần về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm thì thực tế hệ thống vẫn đang kinh doanh nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ…

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang