3 trường hợp hi hữu chứng nhận VietGap bị lợi dụng 'không thương tiếc'

author 06:04 06/07/2016

(VietQ.vn) - TP HCM đã tiêu hủy gần trăm heo có chứng nhận VietGap nhiễm chất cấm hồi tháng 4. Trước đó, thành phố này cũng xảy ra tình trạng rau ruộng trộn VietGAP.

Sự kiện: Chứng nhận Hợp chuẩn Hợp Quy

Rau ruộng trộn VietGAP 

Năm 2014, báo Thanh Niên đăng tải loạt phóng sự điều tra Rau ruộng trộn VietGAP phản ánh tình trạng làm ăn gian dối của cả chuỗi từ khâu sản xuất đến phân phối rau VietGAP tại TP.HCM. Đáng tiếc, đây không phải là lần đầu tiên việc này được phanh phui.

Trước đó, tại Hà Nội và một số địa phương khác, hoặc là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, hoặc là các phóng viên, cũng đã “bắt tận tay day tận trán” tình trạng rau được trồng với quy trình bình thường “đội lốt” rau VietGAP, hoặc rau an toàn.

Nghịch lý là ở chỗ, người tiêu dùng đang rất “khát” rau an toàn, rau VietGAP và nông dân hoàn toàn có thể trồng rau an toàn, rau VietGAP nhưng khi chúng ta đẩy mạnh sản xuất rau an toàn, và sau đó là ban hành VietGAP, nhiều cánh đồng rau sạch, dự án rau VietGAP đã bị chết yểu. Ra chợ, vào siêu thị không khó để “nghe tiếng than thở” của các bà nội trợ khi không biết làm thế nào để mua được những mớ rau sạch, rau VietGAP thực sự.

 'Rau VietGap' được trồng bên ngoài nhà lưới. Ảnh: Thanh Niên 

Trồng rau sạch, rau VietGAP tốn nhiều công sức hơn, chi phí đầu vào cao hơn nhưng nhiều khi vẫn phải gánh rau ra chợ, bán với giá như rau thường. Lời giải cho nghịch lý này chính là tìm đầu ra cho rau an toàn, rau VietGAP. Ngoài việc xử lý nghiêm minh những cá nhân, tập thể có hành vi gian lận thương mại, “hô biến” rau thường thành rau an toàn, rau VietGAP, chúng ta cần có những giải pháp căn cơ và đồng bộ.

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất rau an toàn, rau VietGAP phải đồng thời có một hệ thống kiểm tra rõ ràng, minh bạch và hệ thống xác nhận có uy tín cao, thông tin sản phẩm được công bố công khai thì mới tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, để họ sẵn sàng bỏ thêm tiền mua về sử dụng.

Heo có chứng nhận VietGap nhiễm chất cấm

Ngày 27/4, Thanh tra Bộ Nông nghiệp phối hợp Chi cục Thú y TP HCM tiêu hủy 80 con heo, có chứng nhận VietGap, nhiễm chất cấm Salbutamol. 80 con heo trị giá 400 triệu đồng do thương lái Nguyễn Văn Toàn nhập từ Đồng Nai về giết mổ tại công ty thực phẩm lớn tại TP HCM.

 Lô heo có nguồn gốc Đồng Nai, có chứng nhận nuôi theo tiêu chuẩn VietGap nhưng lại có chất cấm. Ảnh: VNE

Chi cục Thú y thành phố sau khi kiểm tra bằng phương pháp test nhanh đã phát hiện heo có chất tạo nạc Salbutamol. Tuy nhiên, lô heo này lại có đầy đủ giấy tờ đạt tiêu chuẩn VietGap (Vietnamese Good Agricultural Practices) do Bộ Nông nghiệp ban hành.

Ngoài việc tiêu hủy lô heo, Thanh tra Bộ Nông nghiệp phạt ông Toàn 25 triệu đồng, buộc trả phí tiêu hủy lên đến 100 triệu đồng do hành vi vi phạm của mình.

Quy trình chăn nuôi chuẩn VietGap được cơ quan chức năng kiểm soát nghiêm ngặt nên không có dư lượng kháng sinh, chất cấm. Nhà chức trách đang truy nguồn gốc, tìm chủ trang trại nuôi số heo này để có hình thức xử lý, báo VnExpress đưa tin. 

Có tiền là mua được chứng nhận VietGap?

Chưa bao giờ chứng nhận VietGap lại dễ dàng thực hiện như thế, trong khi quy định đưa ra hàng loạt những yêu cầu khắt khe để có được một chứng nhận đảm bảo các yếu tố kỹ thuật thì ở một góc khuất của hoạt động chứng nhận, việc mời chào làm chứng nhận khống vẫn diễn ra một cách ngang nhiên và công khai.

Theo phản ánh của VTV24, một nhân viên kinh doanh tự giới thiệu là người của Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert đã mời chào làm chứng nhận khống. Sự việc này được PV của VTV24 vào vai doanh nghiệp có nhu cầu và đặt vấn đề với nhân viên của VinaCert. Ngay sau đó, sự việc được "phanh phui" khiến dư luận hoang mang với những lời hứa của nhân viên VinaCert về một quy trình "nhảy cóc" kỳ diệu và rút ngắn thời gian bất ngờ, trái với quy trình chuẩn.

Theo nhân viên này, VinaCert có thể cấp chứng nhận VietGap trong vòng 1 tháng rưỡi giá là 45 triệu đồng, còn cấp nhanh hơn nữa trong hai tuần thì cần tăng giá lên gấp đôi là 90 triệu đồng mà không cần phải đúng quy trình.

Nhân viên này còn quảng cáo quy trình của cả tư vấn và cấp chứng nhận là 4 tháng, nhưng hoàn toàn có thể rút xuống một tháng rưỡi với một thủ thuật "nhảy cóc", nhân viên này cho biết 70% các khâu trong quá trình sản xuất có thể bị bỏ qua và để bỏ qua không ty đã không ngại làm khống một phần hồ sơ.

Theo ghi nhận của VTV 24, nhân viên VinaCert cấp khống hồ sơ, nhưng đáng ngạc nhiên hơn là còn có thể cấp chứng nhận khống hoàn toàn, nghĩa là không có lúa nhưng vẫn có thể mua được chứng nhận lúa VietGap.

Đáp án đề thi môn Sinh học tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2016 (VietQ.vn) - Đáp án đề thi môn Sinh học tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2016 mới nhất. Gợi ý giải đáp án đề thi môn Sinh THPT Quốc gia năm 2016 nhanh và chính xác nhất.

Lưu Ly (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang