Hiểm họa từ các cơ sở thẩm mỹ không phép, hoạt động 'chui'

author 12:01 24/11/2023

(VietQ.vn) - Tình trạng cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng mọc lên như nấm tại nhiều tỉnh thành đã gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe cũng như khó khăn trong công tác quản lý và ngăn chặn.

Liên tiếp xử lý cơ sở thẩm mỹ chui tại nhiều tỉnh thành

Theo ghi nhận từ báo Nhân dân, thời gian gần đây, nhu cầu làm đẹp của nhiều người tăng cao. Tuy nhiên, tại các địa phương, các cơ sở thẩm mỹ “chui” vẫn tiếp tục tồn tại gây nhiều hậu quả khôn lường cho người dân. 

Đáng lưu ý, không phải tất cả các cơ sở đều có đầy đủ điều kiện kinh doanh. Có nhiều cơ sở hoạt động chui, “núp bóng” hiệu uốn tóc, gội đầu nhưng vẫn lấn “sân” sang phẫu thuật thẩm mỹ như: Phun xăm mắt, lông mày, phun môi, tẩy nốt ruồi, thậm chí là tiêm filler (chất làm đầy), nhấn mí, cắt mí…

Nhiều cơ sở, cá nhân gây khó khăn cho công tác quản lý như: đặt lịch hẹn qua điện thoại, tiếp nhận và thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ tại các khách sạn trên địa bàn, tiềm ẩn nguy cơ gây nên tai biến nghiêm trọng và ảnh hưởng tính mạng người dân.

Không những thế, lợi dụng tâm lý thích rẻ của khách hàng, không ít cơ sở thẩm mỹ, spa, nha khoa đã tung ra các chiêu quảng cáo với các gói dịch vụ giá rẻ đến khó tin, mặc dù cơ sở không có đủ điều kiện và được cấp phép để thực hiện các dịch vụ đó. Có cơ sở nhân viên không có văn bằng chuyên môn về y tế, không được đào tạo, hoặc chỉ được đào tạo qua các khóa ngắn hạn để làm đẹp cho khách, khó lường trước được những nguy cơ, tai biến có thể xảy ra.

Các cơ sở hoạt động trái phép này không có bác sĩ chuyên môn, không bằng cấp, không hiểu biết về các kiến thức liên quan đến y tế; thường sử dụng sản phẩm trôi nổi trên thị trường, rẻ tiền để thu lợi nhuận cao; không có quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn và quy trình xử lý khi có sự cố, tai biến xảy ra. Do đó, khi gặp sự cố hay tai biến, nhân viên ở đây không biết cách xử trí người bệnh, sau đó phải tìm đến các bệnh viện để điều trị.

Hầu hết các vụ được phát hiện là do đơn thư phản ánh của nạn nhân hoặc khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Công tác quản lý địa bàn không nắm được những hoạt động sai phép dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Việc xử lý chưa nghiêm, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, dẫn tới dịch vụ làm đẹp “chui” nhờn luật, bất chấp hậu quả, bất chấp tính mạng của khách hàng để trục lợi, thậm chí lừa đảo. Thực tế đã không ít cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý thời gian qua.

Cụ thể, vào ngày 15/8/2023 Thanh tra Sở Y tế TP. HCM đã công bố quyết định xử phạt hành chính 135 triệu đồng và buộc đình chỉ hoạt động đối với Thẩm mỹ JW By Asian Luxury Beauty Clinic có địa chỉ tại số 57 đường 3 tháng 2, phường 11, quận 10) đã có các vi phạm về quy định gồm: cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh (KCB) mà không có giấy phép hoạt động; quảng cáo các sản phẩm hàng hóa dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Nhiều cơ sở thẩm mỹ chui bị xử phạt. Ảnh: CAND

Cùng với số tiền phạt như kể trên, Thẩm mỹ JW By Asian Luxury Beauty Clinic còn bị đình chỉ hoạt động cho đến khi đầy đủ hồ sơ pháp lý liên quan đến hoạt động KCB. Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trước khi thực hiện.

Tại Hà Nội, UBND phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng đã tổ chức kiểm tra và yêu cầu đóng cửa, ngừng hoạt động cơ sở Nha khoa thẩm mỹ Dallas (địa chỉ tại số 143 Trần Khát Chân) do hoạt động không phép. Vào tháng 6/2023 Thanh tra Sở Y tế cũng liền tiếp phát hiện cơ sở thẩm my chui. Cụ thể, sau loạt bài trên báo Lao Động đăng tải lật tẩy các chiêu trò của thẩm mỹ viện nâng ngực “không chạm” tại Viện thẩm mỹ Quốc tế Wonjin Địa chỉ: Số 93 Tô Hiệu, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, chính quyền quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đã ra quyết định đóng cửa Viện Thẩm mỹ Quốc tế Wonjin do có dấu hiệu lừa đảo khách hàng và thực hiện nhiều kỹ thuật can thiệp không được cấp phép gây biến chứng.

Tạ Đà Nẵng, vào chung tuần tháng 8/2023 Sở Y tế Đà Nẵng đã phát hiện cơ sở Thẩm mỹ Kangzin (Viện Thẩm mỹ 175 Sài Gòn) ở số 368 đường Hùng Vương không xuất trình được các loại giấy tờ pháp lý bảo đảm đủ điều kiện hoạt động của cơ sở thẩm mỹ như: giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh doanh; văn bản thông báo đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ do Sở Y tế cấp; hợp đồng thu gom rác thải nguy hại và sổ giao nhận rác thải nguy hại với công ty thu gom, chứng chỉ hành nghề của nhân viên làm việc tại cơ sở.

Đáng chú ý, tại thời điểm kiểm tra, Đội Cảnh sát Kinh tế và Môi trường phát hiện nhân viên cơ sở này là bà T. đang thực hiện cung cấp dịch vụ phẫu thuật can thiệp làm căng da mặt cho khách hàng. Qua làm việc, bà T không xuất trình được bất cứ chứng chỉ hành nghề và cho biết bà chỉ là nhân viên lao công dọn dẹp tại cơ sở. Bên cạnh đó, cơ sở thẩm mỹ này cũng không xuất trình được các giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của 206 sản phẩm là vật tư y tế, dung dịch chất làm đầy (filler, botox), sụn mũi, dụng cụ cắt bao quy đầu…

Ngày 24/10, Đội Cảnh sát kinh tế - môi trường, Công an quận Thanh Khê tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ ID Korea (địa chỉ tịa 265-267 Hùng Vương, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) do ông Đ.X.T (SN 1995; thường trú Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) làm chủ cơ sở. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đã có hàng loạt vi phạm trong kinh doanh. Cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ ID Korea đăng ký kinh doanh là dịch vụ phun thêu xăm thẩm mỹ nhưng lại quảng cáo rầm rộ là Viện thẩm mỹ ID Korea. Cơ sở không trang bị các thiết bị thu gom, lưu giữ rác thải y tế, rác thải nguy hại, cũng như không phân loại rác thải y tế với rác thải thông thường.

Tại Thanh Hóa, ngày 14/9/2023 Thanh tra Sở Y tế Thanh Hóa đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với 2 cơ sở thẩm mỹ với tổng số tiền 90 triệu đồng; đình chỉ hoạt động trong thời hạn 18 tháng đối với các cơ sở này. Theo đó, bà Đỗ Thị Tâm, chủ cơ sở thẩm mỹ MAYO, địa chỉ 45-47 Đại lộ Lê Lợi, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa bị phạt với số tiền 45 triệu đồng vì thực hiện hành vi vi phạm hành chính cung cấp dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện gửi về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cơ sở còn chịu hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn 18 tháng (từ ngày 5/9/2023 đến 5/3/2025).

Tiếp đến, Thanh tra Sở Y tế tiếp tục quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Lê Thị Phương, chủ cơ sở thẩm mỹ viện Savina (Phương Japan), có địa chỉ tại tầng 3, PG2-01, Khu đô thị Vincom, đường Nguyễn Du, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa, với số tiền 45 triệu đồng. Cơ sở này cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép. Ngoài ra, thẩm mỹ viện Savina còn chịu hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn 18 tháng (từ ngày 7/9/2023 đến 7/3/2025).

Còn vào chiều 19/10, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Thanh tra Sở Y tế tỉnh Sơn La tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở thẩm mỹ TƯƠI SPA, địa chỉ tại tổ 5, phường Chiềng Sinh, TP Sơn La (Sơn La). Quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện Ngô Thị Hồng Tươi là chủ cơ sở thẩm mỹ TƯƠI SPA đang tiến hành tiêm hoạt chất MESO cho chị T.T.K, SN 1999, trú tại bản Híp, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La nhằm làm căng bề mặt của da.

Theo quy định của pháp luật, việc tiêm hoạt chất này vào cơ thể người chỉ được thực hiện tại các cơ sở y tế có chuyên khoa thẩm mỹ; hoặc cơ sở khám, chữa bệnh khác có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ. Mặc dù cơ sở thẩm mỹ TƯƠI SPA không đáp ứng các yêu cầu này, nhưng vì lợi ích kinh tế, chủ cơ sở thẩm mỹ trên vẫn bất chấp hoạt động trái phép.

Những hệ lụy và đâu là giải pháp?

Nhiều năm qua đã có rất nhiều lời cảnh báo về hệ lụy khi sử dụng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ trái phép. Nhất là khi xuất hiện ngày càng nhiều trung tâm thẩm mỹ “chui”, không có giấy phép kinh doanh, một số bác sĩ hành nghề không có chứng chỉ hoặc “tay ngang” chuyển sang cầm dao kéo. Liên tiếp những trường hợp gặp biến chứng sau thẩm mỹ là hồi chuông cảnh tỉnh người dân cần cẩn trọng trước khi làm đẹp.

Theo Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam, mỗi năm nước ta có khoảng 250 nghìn người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có khoảng 25 nghìn đến 35 nghìn ca biến chứng thẩm mỹ, chiếm tỷ lệ 14%. Nhiều người sau khi đi thẩm mỹ tại các cơ sở kém chất lượng thường gặp các biến chứng như mất máu, nhiễm trùng, sưng tấy,... nghiêm trọng hơn là tổn thương các cơ quan thần kinh, nội tạng, ảnh hưởng đến tính mạng, thậm chí tử vong.

Trước những thực trạng trên, nói đến giải pháp chấn chỉnh thẩm mỹ "chui", TS-BS Lê Nguyễn Diên Minh, Khoa Bỏng - phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, đặt vấn đề về phân cấp quản lý lĩnh vực làm đẹp cần rõ ràng. Ví dụ loại hình không xâm lấn như spa, thẩm mỹ viện, phun, xăm, thêu thì đơn vị cấp phép hay chính quyền cấp dưới quản lý? Cần ghi rõ trong giấy phép cơ sở được làm gì và không được làm gì? Nếu tại các cơ sở này làm phẫu thuật thẩm mỹ "chui" xảy ra tai biến thì ai chịu trách nhiệm?

"Đầu tiên người làm sai, người gây ra tai biến phải chịu trách nhiệm, nhưng người cấp phép có chịu trách nhiệm hay không? Có quản lý được hay không mà cấp phép? Về phía cơ quan chuyên môn là ngành y tế phụ trách quản lý về phẫu thuật thẩm mỹ cũng cần có chế tài mạnh mẽ bác sĩ "mổ dạo" ở những cơ sở trái phép như spa, thẩm mỹ viện…Hiện hệ thống quảng cáo thẩm mỹ khá "khủng khiếp" nên người dân rất dễ bị lừa gạt và cũng khó kiểm soát. Điều này chính quyền cần quản lý, vì chính quảng cáo đã đưa người dân tìm đến thẩm mỹ "chui", TS-BS Diên Minh phân tích.

Do đó, cần có biện pháp xử lý phù hợp, xứng đáng với hành vi xâm hại đến sức khỏe, tính mạng người khác. Phải xử lý đủ nặng để có tính răn đe những người khác. Cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn và đồng bộ hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Thanh tra Sở Y tế và phòng y tế các quận, huyện tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở không phép, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn an toàn và chất lượng về phẫu thuật thẩm mỹ theo quy định.

Đối với người dân, trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật để làm đẹp nên tìm đến những bác sĩ có nhiều kinh nghiệm và đã được cấp chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ để tham khảo, tư vấn kỹ. Tuyệt đối không nên phó thác số phận và nhan sắc của mình cho các cơ sở chui, không có giấy phép; các nhân viên spa không có bằng cấp chuyên ngành. Đồng thời tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn sử dụng dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở được Sở Y tế và Bộ Y tế cấp phép, đặc biệt đối với các thủ thuật, kỹ thuật thẩm mỹ có xâm lấn, người dân cần có sự tư vấn và được thực hiện từ bác sĩ chuyên khoa phù hợp.

  An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang