Hiệp định CPTPP: Linh hoạt về quy tắc xuất xứ và ưu đãi thuế?

author 17:06 19/01/2019

(VietQ.vn) - Hiệp định CPTPP có quy tắc linh hoạt về xuất xứ, ưu đãi thuế quan đặc biệt.

Bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia kinh tế cho rằng, quy tắc trong CPTPP có nhiều điểm khác so với quy định trong các FTA cũ.

Cụ thể, CPTPP có quy tắc linh hoạt, xuất xứ và vẫn có ưu đãi thuế quan đặc biệt. 

Việc nhận ưu đãi thuế quan, bà Thùy nhấn mạnh, chỉ khi nào chúng ta đảm bảo quy tắc xuất xứ theo đúng cam kết trong CPTPP thì mới được xem xét. Do đó, các doanh nghiệp (DN) cần có ý thức tìm hiểu cụ thể và tuân thủ chặt chẽ các quy tắc xuất xứ.

“Quy tắc xuất xứ sẽ xác định hàng hóa nhập khẩu đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan hay không và đảm bảo sự cân bằng giữa "thuận lợi hóa thương mại" và "phòng tránh gian lận thương mại. Khi đáp ứng quy tắc xuất xứ, hàng hóa sẽ được cấp C/O (chứng nhận xuất xứ) và đây mới là giấy thông hành, cam kết pháp lý quan trọng nhất để xem xét thuế quan khi xuất khẩu", bà Thùy nói.

Hơn nữa, một số điểm rất khác so với FTA (hiệp định thương mại tự do) truyền thống trước đây mà Việt Nam đã ký kết là để tạo thuận lợi thương mại tối đa, giảm thời gian giao dịch và chi phí xuất nhập khẩu, CPTPP cho phép người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ.

Quy tắc xuất xứ linh hoạt, CPTPP mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nếu nắm bắt tốt thời cơ.

Tại Việt Nam do hình thức tự chứng nhận xuất xứ còn khá mới mẻ, chưa được triển khai toàn diện và đại trà nên ta được áp dụng một số thời gian chuyển đổi nhằm mục đích tạo cơ hội cho các DN và cơ quan quản lý nhà nước quen dần với hình thức này. Đây cũng là yếu tố thuận lợi để cho cơ quan quản lý và DN Việt Nam có sự chuẩn bị những điều kiện cơ bản để đáp ứng quy định của CPTPP.

Bà Thùy lấy dẫn chứng ở các FTA cũ, xuất xứ thuần túy được hiểu là 100% các nguyên vật liệu tạo nên sản phẩm phải nằm toàn bộ trong quốc gia đó. Đây là quy tắc xuất xứ chặt để ngăn chặn các quốc gia không phải là thành viên của hiệp định tận dụng các ưu đãi thuế. 

Tuy nhiên, điều đáng mừng là trong CPTPP có yếu tố cộng gộp, nguyên liệu nhập khẩu không đạt xuất xứ CPTPP nhưng có giá trị gia tăng trong khối, dù chỉ 1% sẽ được cộng gộp để tính hàm lượng CPTPP trong sản phẩm để được cấp ưu đãi C/O. 

Cũng theo ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), quy định xuất xứ từ sợi của CPTPP đã đánh đúng vào điểm nghẽn của ngành dệt may vì hiện vẫn phải nhập gần 99% bông, 1,3 triệu tấn sơ xợi, 80% vải...

Bên cạnh đó, trên thực tế, đến nay nước ta vẫn chủ yếu làm gia công, trình độ lao động thấp, việc tiếp cận đất đai của DN dệt may rất khó khăn… Do đó, để vượt qua thách thức, tận dụng tốt các cơ hội từ CPTPP, các DN dệt may phải có sự hiểu biết sâu rộng về hiệp định này. Trong đó, đặc biệt nắm kỹ các quy định về quy tắc xuất xứ của CPTPP, tìm hiểu rõ các thị trường trong khối để có hướng đi đúng.

"DN dệt may cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết với nhau nhằm xây dựng chuỗi liên kết DN trong nước. Đồng thời, DN cũng cần thu hút đầu tư, liên kết với các DN FDI, nhà đầu tư nước ngoài để nhận chuyển giao dòng vốn, công nghệ, trình độ quản trị và chen chân vào chuỗi giá trị", ông Cẩm nhấn mạnh.

Nhà nước và các địa phương cần hỗ trợ DN về các chính sách tiếp cận đất đai, xây dựng vùng sản xuất. Song song với đó, Nhà nước cần có chính sách phát triển ngành dệt may trong 10 - 15 năm tới, từ việc gỡ vướng về nguyên liệu đầu vào thông qua chính sách xuất nhập khẩu cho đến việc quy hoạch các khu công nghiệp, xử lý nước thải, tạo điều kiện cho DN trong quá trình sản xuất.

Triệu Vy

Hội nhập ‘sân chơi’ CPTPP: DN cần chủ động mang sản phẩm đi chào hàng(VietQ.vn) - “Ngành nông nghiệp mới tháo gỡ được phần nào về vùng nguyên liệu, giờ mới đến phần chế biến, nếu vẫn còn áp dụng công nghệ cũ thì không thể xuất khẩu”.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang