Hiệp định EVFTA không chỉ có ‘màu hồng’ với nông nghiệp Việt Nam

author 08:20 28/06/2019

(VietQ.vn) - Tham gia EVFTA, ngành nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh và hàng rào phi thuế quan của các thị trường nhập khẩu…

Thời gian qua, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại quan trọng, với 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) cả song phương và đa phương đã được ký kết. Trong số đó, có nhiều FTA thế hệ mới với những đòi hỏi, yêu cầu chuẩn mực rất cao, tác động trực tiếp sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, khía cạnh của quốc gia, quản trị của quốc gia, chính sách phát triển kinh tế, xã hội… Đặc biệt, việc Hội đồng châu Âu (EC) thông qua quyết định ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam được kỳ vọng không chỉ tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản mà còn nâng cao năng lực cho ngành Nông nghiệp Việt Nam vốn còn rất nhiều dư địa.

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Dương Quốc Thái, tác động lớn nhất của các FTA, nhất là 2 FTA thế hệ mới CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA, là giúp mở rộng khả năng tiếp cận những thị trường xuất khẩu lớn. Bên cạnh mở rộng thị trường, 2 FTA thế hệ mới sẽ thúc đẩy xuất khẩu nhờ chính sách miễn giảm thuế.

Hiệp định EVFTA sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông sản nhờ chính sách miễn giảm thuế.

Việt Nam sẽ có lợi thế cao khi thu hút đầu tư vốn nước ngoài. Một số nước không có lợi thế về nông nghiệp có thể sẽ chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. Việc tham gia các FTA cũng mang lại cho người tiêu dùng Việt Nam cơ hội tiếp cận các sản phẩm có chất lượng từ những nước tiên tiến như thịt, sữa… Đặc biệt là một số sản phẩm trái cây ôn đới, thuỷ sản mà Việt Nam không có.

Bên cạnh đó, Hiệp định EVFTA sẽ mang lại lợi ích về thuế quan đối với hàng loạt sản phẩm như thủy sản, gạo, chăn nuôi… Ví dụ như đối với nhóm hàng thịt trâu bò tươi, ướp lạnh, đông lạnh, thịt heo tươi, đông lạnh... cơ bản thuế sẽ giảm xuống còn 0%. Đối với mặt hàng rau quả, 530/556 dòng thuế về 0% khi hiệp định có hiệu lực. Bên cạnh đó, 93% sản phẩm cà phê, hồ tiêu được giảm về 0% khi Hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực. Hiệp định thương mại tự do này còn là cơ hội để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.

EVFTA không chỉ có “màu hồng”

Tuy nhiên theo TS. Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, tham gia EVFTA, ngành nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với áp lực cạnh tranh và hàng rào phi thuế quan của các thị trường nhập khẩu.

Cụ thể, do hàng rào thuế dần được cắt giảm nên mức độ cạnh tranh gia tăng mạnh. Các quy định về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ và cao hơn khi giảm thuế. Ông Thắng nói thêm, Việt Nam sẽ phải đảm bảo tuân thủ các quy định khác về sở hữu trí tuệ, lao động, minh bạch hóa thông tin. Doanh nghiệp Việt cần tuân thủy các quy định của các nước nhập khẩu không chỉ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn phải đảm bảo tiêu chuẩn về xã hội, lao động… Trong khi đó, việc quản lý và thực thi các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước cũng chưa đạt được kết quả kỳ vọng, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

 TS. Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Phát triển Nông thôn. 

Từ đó, ông Thắng khuyến nghị cần đẩy mạnh chế biến rau quả, thủy sản, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp cần tăng quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh của gia trại, trang trại, sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt chẽ sử dụng hóa chất trong sản xuất. Ngành cũng cần quản lí chất lượng theo chuỗi, nguồn gốc xuất xứ, mã vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý; hài hòa quy định phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, thiết lập hệ thống cơ sở khoa học để xây dựng và phản biện các biện pháp.

Đồng quan điểm, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, việc tham gia vào EVFTA không phải là bức tranh chỉ có màu hồng. Khi tham gia CPTPP và EVFTA, các doanh nghiệp sẽ đứng trước các ưu đãi về thuế quan, đặc biệt là ở 27 thị trường EU và Canada, Mexico, Peru. Bên cạnh đó là cơ hội nhập khẩu máy móc, trang thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất từ các đối tác EU - CPTPP với giá cả hợp lý hơn. Tuy nhiên, quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan có thể không dễ đáp ứng, nhất là đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang cũng nhấn mạnh: Cam kết FTA không đồng nghĩa với giấy phép/VISA xuất khẩu cho các loại hàng hoá. Cam kết FTA cũng sẽ không xoá bỏ yêu cầu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, hội nhập sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh từ các nông sản nhập khẩu từ EU - CPTPP. Chi phí sản xuất cũng như chi phí tuân thủ các quy tắc (lao động, môi trường…) đều sẽ tăng.

Do đó, tận dụng được các FTA thế hệ mới, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi về nhận thức, tư duy trong hội nhập, đồng thời cải cách thể chế và chính sách để tạo thuận lợi thúc đẩy môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và đảm bảo tuân thủ các cam kết. Trong đó, cách tiếp cận và thực hiện phải hướng tới phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội - môi trường, không đánh đổi về môi trường để lấy kinh tế.

Hiệp định EVFTA: Mở ra tuyến ‘cao tốc’ cho nền kinh tế Việt Nam(VietQ.vn) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được đánh giá sẽ mở ra tuyến "cao tốc" để đưa nền kinh tế Việt Nam đến với những thị trường lớn nhất toàn cầu, trung tâm khởi nguồn của công nghiệp thế giới và hệ thống vận hành nền kinh tế chuyên nghiệp, hiệu quả.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang