Hiệp định EVFTA và những vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam

author 07:20 08/08/2022

(VietQ.vn) - Kể từ khi chính thức có hiệu lực, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, thương mại, chính trị của Việt Nam.

Tóm tắt: Hội nhập là xu thế tất yếu, không quốc gia nào có thể nằm ngoài xu thế này. Với phương châm hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam ngày càng tích cực tham gia vào các hợp tác song phương và đa phương để tiếp cận các thị trường nước ngoài phục vụ mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước. Kể từ khi chính thức có hiệu lực vào ngày 1-8-2021, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, thương mại, chính trị của Việt Nam. Sau hơn một năm thực thi Hiệp định, kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - EU đã tăng 18%. Việt Nam xuất siêu sang EU hơn 11 tỷ USD, trong đó bao gồm nhiều mặt hàng thế mạnh như dệt may, da giày, nông thủy sản... Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế ở cả mảng nhập khẩu và xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế đã được tận dụng tốt, Việt Nam còn phải đối mặt với một số khó khăn trong quá trình thực thi Hiệp định, như những quy định liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, thực thi pháp luật, sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn môi trường..., những vấn đề này sẽ mang đến thách thức nhất định cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam.

Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng trong EU, do đó nghiên cứu và đánh giá thành quả, khó khăn trong quá trình thực thi EVFTA có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, cuộc cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết. Bên cạnh đó, nền kinh tế thế giới đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, tác động lên tất cả lĩnh vực, làm gián đoạn chuỗi giá trị sản xuất quan trọng, làm suy giảm các ngành tiêu dùng, ảnh hưởng đến kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu, khiến doanh nghiệp trong nước lâm vào tình trạng khó khăn do nhu cầu thương mại sụt giảm.

1. Những lợi ích mà Hiệp định EVFTA mang lại cho Việt Nam

Hiệp định thương tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, toàn diện và mở cửa thị trường đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) với một quốc gia đang phát triển tại châu Á. Việt Nam đã tích cực thúc đẩy tiến trình triển khai EVFTA. Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tạo động lực phát triển kinh tế Việt Nam.

Thứ nhất, lợi ích về kinh tế. Khi hiệp định có hiệu lực, các rào cản thuế quan và thương mại giữa Việt Nam và EU giảm, các doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều cơ hội tham gia sâu, rộng hơn và chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, cũng như mở rộng thị trường quốc tế. Những cam kết liên quan đến quy mô và mức độ đầu tư trong hiệp định sẽ thay thế hiệp định đầu tư song phương giữa Việt Nam và các nước thành viên EU, giúp Việt Nam tiếp tục cải cách cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư EU triển khai các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Khi Hiệp định có hiệu lực, rào cản đối với hàng hóa EU tiếp cận thị trường Việt Nam sẽ giảm, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, hiệp định EVFTA mang đến cho Việt Nam cơ hội thu hút thêm nhiều vốn đầu tư từ EU, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ cao, kỹ năng và kinh nghiệm quản lý hiện đại.

Hiệp định EVFTA giúp tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam tăng 2% lên 2,5%, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 75% và nhập khẩu tăng từ 25% lên 35%. Trong giai đoạn 2020-2023, EVFTA giúp GDP bình quân hàng năm Việt Nam tăng từ 2,18% lên 3,25%, triển vọng tăng hơn 4% trong năm 2024.

Thứ hai, lợi ích về chiến lược. Hiệp định thúc đẩy vai trò Việt Nam với tư cách là một quốc gia quan trọng trong khu vực, nâng cao vị thế của Việt Nam trọng khu vực và tại các diễn đàn đại chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Những năm gần đây, Việt Nam tích cực thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng giữa các nước lớn, thông qua đó giảm thiểu chi phí cạnh tranh và khéo léo tìm kiếm lợi ích chiến lược.

 Hiệp định EVFTA đã mang lại nhiều lợi thế cho nền kinh tế Việt Nam.

Trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết và rủi ro địa chính trị ở Biển Đông ngày càng gia tăng, việc Việt Nam tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại với EU không những giúp Việt Nam bảo vệ an ninh kinh tế và tăng cường vị thế của chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa và đa phương hóa, mà còn có thể thúc đẩy chính trị cũng như đặt nền tảng vững chắc cho việc tăng cường hợp tác chính trị và quân sự với EU. EVFTA là hiệp định đầu tiên được ký EU ký kết với một quốc gia đang phát triển ở châu Á nên dưới ảnh hưởng của các nhân tố như tiến trình toàn cầu hóa bị cản trở, đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, Việt Nam cùng với EVFTA nỗ lực trong việc bảo vệ thương mại tự do, phát huy vai trò dẫn dắt trong khu vực, tích cực mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới.

Thứ ba, EVFTA giúp bảo vệ an ninh kinh tế, cơ hội phát triển lĩnh vực hậu cần (Logictics). Việt Nam coi EVFTA là một khâu quan trọng trong việc bảo vệ an ninh kinh tế và chính trị, giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế của các nước, bảo vệ an ninh kinh tế và ứng phó tốt hơn với tình hình bất ổn trong khu vực và trên thế giới. Ký kết hiệp định EVFTA giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào một thị trường nước ngoài, đồng thời nâng cao khả năng tự chủ, khả năng bảo vệ an ninh kinh tế.

Thông qua hiệp định EVFTA các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng mới để thay thế chuỗi cung ứng truyền thống đã bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Thương mại Việt Nam - EU tăng cơ hội đầu tư vào Logistics (mục tiêu năm 2025 Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực). Từ chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam thu hút đầu tư của nhiều nhà khai thác cảng và các hãng tàu hàng đầu thế giới như: Tập đoàn APMT - Đan Mạch tại Cảng CMIT; PSA của Singapore tại SP-PSA, CICT; Tập đoàn DP World (UAE) tại cảng SPCT (TP HCM)... tạo ra cơ hội nhu cầu mới trong ngành vận tải đường sắt và đường biển. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 làm tắc nghẽn và thiếu container vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, điều này làm cản trở phát triển vận tải biển.

2. Thành quả tham gia EVFTA của Việt Nam

Sau hai năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trước khó khăn đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga - Ukraine làm ảnh hưởng thương mại xuất nhập khẩu. Tuy nghiên, EVFTA mang đến cơ hội mở cửa thị trường tạo ra phát triển kinh tế cho Việt Nam. EVFTA là hiệp định có sự rằng buộc về pháp lý, Việt Nam và EU ký kết đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế và thương mại hai bên.

Tác động tích cực của hiệp định EVFTA với Việt Nam chủ yếu ở lĩnh vực kinh tế. Hiệp định EVFTA mang lại nhiều ưu đãi lớn trong số hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Hiệp định EVFTA đã xóa bỏ 85,6% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Lộ trình sau 7 năm khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ 99,2% thuế nhập khẩu, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (0,3% còn lại sẽ được hưởng thuế suất 0%). Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa EU, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam.

Sau 7 năm, Việt Nam xóa bỏ 99,8% thuế nhập khẩu, tương đương 98,3% kim ngạch xuất khẩu EU sang Việt Nam (1,7% còn lại sẽ được hưởng thuế suất 0% trong vòng 10 năm tiếp theo). Việt Nam nhận được nhiều đơn đặt hàng với hàng dệt may, hải sản, rau quả, sản phẩm gỗ, điện tử, điện thoại và các sản phẩm nhiệt đới. Các mặt hàng thủy sản, thị trường EU chiếm 17%-18% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam. Lộ trình trong ba đến bốn năm thuế suất giảm khoảng 90% đối với hàng hải sản giảm từ mức 14% xuống còn 0%. Mặt hàng thủy hải sản Việt Nam sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn.

Bên cạnh đó, các mặt hàng nông, lâm, cà phê tăng cao lên đến 57,1%, giá trị đạt 1,7 tỷ USD, thủy sản tăng 46,6% đạt 3,6 tỷ USD, hạt tiêu tăng 28%, đạt 362 triệu USD, cao su tăng 9,3% đạt 857 triệu USD tập trung xuất khẩu vào thị trường tiềm năng như Đức, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ. Mặt hàng cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng đối với EU tăng trưởng cao trong năm 2022. Đặc biệt cà phê có lợi thế thuế suất bằng 0% gia tăng thị phần trong tổng nhu cầu cà phê của EU.

Ngành chế tạo của Việt Nam đón nhận diện mạo phát triển mới. Điện thoại, máy tính và các sản phẩm điện tử là những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam sang thị trường EU. Miễn thuế không những tạo ra ưu thế cạnh tranh cho các mặt hàng điện tử xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy doanh nghiệp nước ngoài dịch chuyển nhà máy từ các nước đến Việt Nam để tận dụng ưu thế về thuế quan.

EVFTA thúc đẩy các ngành nghề của Việt Nam phát triển như ngành tài chính, ngân hàng, du lịch, vận tải hàng không. EU chủ yếu xuất khẩu máy móc, chế phẩm hóa học và thiết bị vận tải sang Việt Nam. Đây là lĩnh vực quan trọng giúp thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế và tiến trình hiện đại hóa của Việt Nam, có lợi cho các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất lao động và tăng cường ứng dụng công nghệ cao, mang lại cơ hội, hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Những cam kết có liên quan đến quy mô và mức độ đầu tư trong hiệp định sẽ thay thế hiệp định đầu tư song phương giữa Việt Nam và các nước thành viên EU, có lợi cho Việt Nam trong việc tiếp tục cải cách cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thế chế và môi trường kinh doanh, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư EU triển khai hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Hiệp định EVFTA thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng từ 2,18% lên 3,25%; trong giai đoạn 2018-2024 từ 4,57% lên 5,30% và trong giai đoạn 2029-2033 từ 7,07% lên 7,72%.

Hiệp định EVFTA tác động đến thể chế. EVFTA sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế - pháp lý phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng cởi mở, minh bạch và dễ dự báo, qua đó thúc đẩy cả đầu tư trong và ngoài nước cũng như các hoạt động kinh doanh khác, bao gồm giao dịch xuyên biên giới, dịch vụ xuyên biên giới,...

Ngoài ra, các sửa đổi, bổ sung đối với EVFTA trong một số lĩnh vực như sở hữu trí tuệ cũng sẽ giúp doanh nghiệp hưởng sự bảo hộ lớn hơn đối với kết quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo. Đây là động lực để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động sáng tạo nhằm đổi mới công nghệ, tạo môi trường tốt thu hút chuyển giao công nghệ nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm Việt Nam.

Hiệp định EVFTA cải thiện an sinh xã hội. EVFTA kỳ vọng giúp tăng thêm khoảng 146.000 lao động/năm, tập trung vào các ngành thâm hụt lao động và tỷ lệ xuất khẩu cao vào thị trường EU. Không chỉ vậy, Hiệp định EVFTA còn được kỳ vọng sẽ giúp tăng lương cho người lao động thông qua hoạt động thị trường hiệu quả hơn và tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp FDI. Theo tính toán, mức lương của doanh nghiệp FDI sẽ cao hơn doanh nghiệp trong nước xấp xỉ 1%.

Ngoài ra, do nền kinh tế của các nước thành viên EU phát triển ở trình độ cao hơn Việt Nam và mang tính bổ trợ cho nền kinh tế Việt Nam nên hàng nhập khẩu từ các nước EU phần lớn không có tính cạnh tranh trực tiếp, do đó với lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, Việt Nam có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh khi tham gia EVFTA. Hiệp định EVFTA bao gồm các cam kết về bảo vệ môi trường, quá trình mở cửa, tự do hóa thương mại và thu hút đầu tư sẽ được thực hiện theo hướng thân thiện hơn với môi trường, giúp kinh tế Việt Nam phát triển bền vững, vững chắc.

Bên cạnh cơ hội, phát triển kinh tế Việt Nam cũng gặp những khó khăn trong cam kết mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ cho EU, tạo áp lực cạnh tranh nhất định đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, đây là áp lực cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam bổ sung cho nhau, không có sự đối đầu trực tiếp nên áp lực cạnh tranh không lớn.

Ngoài ra, cam kết mở cửa của Việt Nam có lộ trình, nhất là đối với các nhóm hàng nhạy cảm nên Hiệp định EVFTA cũng là cơ hội và áp lực để doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trước sức ép cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội cũng như hạn chế thấp nhất thách thức gặp phải trong quá trình thực hiện Hiệp định EVFTA, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định và cam kết của Hiệp định. Ngoài ra, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành chủ động nghiên cứu, áp dụng các biện pháp được phép áp dụng phù hợp các cam kết quốc tế của Việt Nam nói chung và EVFTA nói riêng để hỗ trợ và bảo vệ lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài.

Hiệp định EVFTA bao gồm các quy tắc và quy định chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, tạo thuận lợi thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, sở hữu trí tuệ và mua sắm chính phủ, phát triển bền vững,... Việc tuân thủ đầy đủ quy định này đòi hỏi phải cải cách hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, về cơ bản, điều này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tăng hiệu quả mua sắm công, đổi mới mô hình tăng trưởng. Mặt khác, công tác này đã được Chính phủ triển khai tích cực, khẩn trương. Ngay trước khi EVFTA được ký kết, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp với Bộ Tư pháp khẩn trương rà soát quy định hiện hành của các văn bản quy phạm pháp luật do mình quản lý để đề xuất hướng giải quyết, sửa đổi, bổ sung hoặc áp dụng chính thức để đảm bảo phù hợp với các yêu cầu của EVFTA.

Việt Nam đã tận dụng tốt lợi thế thương mại xuất nhập khẩu với EU, xuất nhập khẩu tăng theo các năm, cho đến nay Việt Nam đang dẫn đầu thương mại với EU, với nhiều lợi thế để duy trì tăng trưởng đều thương mại xuất nhập khẩu. Việt Nam cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại phù hợp. Các cơ chế, chính sách xuất khẩu không chỉ theo hướng thúc đẩy xuất khẩu mà cần có cơ chế thúc đẩy phát triển nhập khẩu bền vững. Các chính sách, mặt hàng chiến lược, chú trọng bảo vệ lợi ích doanh nghiệp Việt Nam. Cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về cơ hội phát triển thị trường, phương hướng phát triển, đa dạng hóa thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy lợi thế so sánh để duy trì, phát huy lợi thế có sẵn trong quan hệ thương mại với EU.

3. Những vấn đề còn tồn tại Việt Nam tham gia EVFTA

Bên cạnh những lợi thế tăng thương mại xuất nhập khẩu sâu rộng vào thị trường EU, thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam, trong quá trình thực hiện Hiệp định EVFTA Việt Nam còn gặp phải những vấn đề sau:

Thứ nhất, Hiệp định EVFTA làm tăng áp lực cạnh tranh đối với doanh nghiệp trong nước. Việt Nam được miễn hơn 90% thuế quan cho hàng hóa của EU, nên nhiều mặt hàng có khả năng cạnh tranh mạnh của châu Âu tràn vào thị trường Việt Nam. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đều là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến từ EU có ưu thế về vốn, nhân lực và công nghệ, có ưu thế về kinh nghiêm quản lý, uy tín trên trên thế giới. Các doanh nghiệp EU có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ, kinh nghiệm thị trường phong phú, chất lượng sản phẩm tốt và khả năng tối ưu hóa các hiệp định thương mại tự do, điều này làm giảm thị phần cho doanh nghiệp trong nước.

Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng 70% doanh nghiệp trong nước vẫn chưa hiểu rõ về EVFTA, doanh nghiệp chưa nhận thức được những cơ hội mà hiệp định mang lại. Các doanh nghiệp không còn được ưu tiên trong phân bổ nguồn lực như trước. Doanh nghiệp nhà nước là đơn vị cơ sở của nền kinh tế, ưu thế của các doanh nghiệp bị tổn hại, lơi ích kinh tế của nhà nước cũng bị tổn hại.

Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ các quy định khắt khe hơn. Hiệp định EVFTA đưa ra những quy định khắt khe đối với hàng hóa về các vấn đề như nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật, bán phá giá... Hiện nay, nguồn nguyên liệu dùng để sản xuất hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia ASEAN, việc quy định về nguồn gốc xuất xứ sẽ là thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU cần có chứng nhận xuất xứ ở Việt Nam từ giai đoạn sản xuất nguyên liệu. Đây là điều kiện cơ bản để hàng hóa được hưởng thuế ưu đãi. Nếu không tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa Việt Nam sẽ không được hưởng thuế ưu đãi, cho dù vẫn có thể xuất sang thị trường EU.

Bảo vệ môi trường, quy định EVFTA trong cam kết và nghĩa vụ đối với môi trường nghiêm ngặt. Việt Nam đã ban hành nhiều quy định pháp lý về môi trường, vệ sinh và tiêu chuẩn kỹ thuật, nhưng phần nào vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn của EU. Các yêu cầu bắt buộc của EU về môi trường đối với mặt hàng dệt may xuất khẩu quan trọng của Việt Nam. Mặc dù các nhà sản xuất Việt Nam đã đáp ứng quy định trong Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) và Hiệp định vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của tổ chức thương mại thế giới (WTO), nhưng nhiều hàng hóa của Việt Nam vẫn bị từ chối khi xuất khẩu sang EU. Hiện nay, mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối hạn chế. Mở rộng thị trường EU các doanh nghiệp phải vượt quan nhiều thách thúc không nhỏ.

Thứ ba, EVFTA ảnh hưởng đến an ninh chính trị. Các nước EU có ý kiến khác nhau về việc ký kết EVFTA, đã có những tranh cãi về vấn đề chính trị và nhân quyền. Cùng với việc quan hệ kinh tế - thương mại song phương tiếp tục đi vào chiều sâu trong thời gian tới, EU thông qua ảnh hưởng kinh tế để gia tăng sức ép với Việt Nam tăng lên, đặt ra mối đe dọa đối với anh ninh chính trị Việt Nam.

Tóm lại, sau hai năm hiệp định EVFTA có hiệu lực, những thuận lợi mà hiệp định mang lại và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam là vấn đề chúng ta đã nhìn thấy được phần nào. Hiệp định EVFTA sẽ tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong các FTA mà Việt Nam tham gia, hiệp định còn đóng vai trò then chốt trong việc quyết định khả năng phục hồi thương mại kinh tế, đặc biệt để thúc đẩy thương mại xuất nhập khẩu, Việt Nam cần chú trọng vào ngành nghề, các mặt hàng có thế mạnh. 

Việt Nam đã sẵn sàng tham gia sân chơi thương mại tự do rộng lớn, cạnh tranh với các đối thủ quốc tế, Chính phủ đang rà soát pháp luật trong thực thi hiệp định, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đúng với quy định của EVFTA, xây dựng và hoàn thiện thể chế tạo môi trường minh bạch, thuận lợi với thông lệ quốc tế.

ThS.Vũ Nhật Quang - Viện Kinh tế và Chính trị thế giới

Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:EVFTA, kinh tế

tin liên quan

video hot

Về đầu trang