Hiểu đúng để áp dụng đúng quy định về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng năm 2022

author 16:41 16/04/2022

(VietQ.vn) - Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển kinh tế Việt Nam, Quốc hội đã đưa ra nhiều chính sách tài khóa đúng đắn, trong đó có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% trong năm 2022.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.  

Tuy nhiên, việc hiểu đúng và vận dụng chính sách tại doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khi 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định một số lượng lớn hàng hóa dịch vụ không được giảm thuế suất, đồng thời còn trích dẫn thêm mã ngành nghề kinh doanh, mã số dùng để phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu (mã HS code) dẫn đến nhiều doanh nghiệp lúng túng khi tra cứu áp dụng nghị định này. Bài viết nhằm áp dụng đúng quy định về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng năm 2022.

1. Đặt vấn đề

Ngày 11/1/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; ngày 28/1/2022 Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% được áp dụng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau:

- Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất. Chi tiết tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.

- Sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Chi tiết tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.

- Công nghệ thông tin theo pháp luật về công nghệ thông tin. Chi tiết tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP.

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng chính thức thi hành kể từ ngày 01/2/2022.

2. Đối tượng được giảm thuế là người tiêu dùng cuối cùng

Bản chất thuế Giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu, đánh vào giá trị của hàng hóa dịch vụ từ khâu sản xuất - kinh doanh đến tiêu dùng tại Việt Nam. Người chịu thuế là người cuối cùng tiêu dùng hàng hóa dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam. Như vậy về bản chất, người được hưởng mức giảm thuế 2% là người tiêu dùng cuối cùng của hàng hóa dịch vụ.

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng của Nhà nước mang nhiều tính nhân văn. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành, người dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất - kinh doanh thì việc giảm thuế 2% trên mỗi hàng hóa dịch vụ sẽ giúp người dân tiết kiệm một phần tiền khi mua hàng hóa dịch vụ, có thể tạo động lực kích thích nhu cầu tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, để đạt được ý nghĩa nhân văn của chính sách, việc thực thi chính sách giảm thuế sẽ đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt khi việc thu thuế - nộp thuế được thực hiện gián tiếp thông qua doanh nghiệp (người bán).

3. Vai trò của doanh nghiệp là người thu hộ tiền thuế cho Nhà nước

Bản chất thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu, thuế được đánh vào giá trị tăng gia tăng của hàng hóa dịch vụ, nằm ẩn trong giá bán hàng hóa. Khi mua hàng, người mua (người tiêu dùng cuối cùng) trả tiền thuế cùng với giá trị hàng hóa cho người bán, người bán giữ lại phần giá trị tương ứng doanh thu của mình và mang nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước. Như vậy, người bán (doanh nghiệp) chỉ đóng vai trò là người thu hộ tiền thuế cho Nhà nước và hoàn toàn không được trả lương để thực hiện nhiệm vụ này.

Hàng hóa được lưu thông qua nhiều khâu, từ sản xuất - kinh doanh tới tiêu dùng, nên việc thu nộp thuế giá trị gia tăng diễn ra qua nhiều khâu trung gian - nhiều người bán khác nhau. Vốn dĩ việc thu đúng, thu đủ đã gặp nhiều khó khăn, nay với sự ban hành chính sách giảm thuế trong năm 2022, nếu doanh nghiệp không hiểu rõ chính sách, thì việc áp dụng không đúng, dẫn đến sai lệch tiền thuế là điều tất yếu xảy ra và doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm trước pháp luật trong vấn đề này.

4. Xác định đúng đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng 2%

Bản chất đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là hàng hóa dịch vụ, do đó khi xác định cơ sở kinh doanh có được giảm thuế giá trị gia tăng năm 2022 hay không sẽ phụ thuộc vào cụ thể hàng hóa dịch vụ mà cơ sở kinh doanh cung cấp là hàng hóa dịch vụ gì (còn mã ngành nghề kinh doanh chỉ là một yếu tố tham khảo). Tại khoản d, điều 1 của Nghị định số 15 có quy định: “việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại”.

Như vậy, mặc dù trong phụ lục I, II, III của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, đa số để mã ngành nghề theo doanh nghiệp sản xuất, nhưng cơ sở kinh doanh cần tra cứu tên hàng hóa dịch vụ của mình nếu hàng hóa dịch vụ đó đang được áp dụng mức thuế suất giá trị gia tăng 10% và không thuộc phụ lục I, II, III của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP thì được giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8% ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại.

VD: Hàng hóa như bàn, ghế, giường, tủ, đang áp dụng thuế suất 10% khi sản xuất - kinh doanh tại thị trường trong nước và không thuộc phụ lục I, II, III của Nghị định số 15/2022NĐ-CP thì được giảm thuế giá trị gia tăng xuống 8%. Như vậy, các doanh nghiệp có hoạt động như: sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (mã ngành 3100); bán buôn giường, tủ, bàn ghế và đồ dùng nội thất tương tự (mã ngành 4649); bán lẻ đồ điện gia dụng, giường, tủ, bàn, ghế và đồ nội thất tương tự, đèn và bộ đèn điện, đồ dùng gia đình khác chưa được phân vào đâu trong các cửa hàng chuyên doanh (mã ngành 4759); sửa chữa giường, tủ, bàn, ghế và đồ nội thất tương tự (mã ngành 9524) đều thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng xuống còn 8%.

Cũng trong Phụ lục IIIA của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định: “Máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính” thuộc đối tượng không được giảm thuế giá trị gia tăng, thì các doanh nghiệp doanh nghiệp có hoạt động như: sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính (mã ngành 2620); bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm (mã ngành 4651); bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh (mã ngành 4741) đều không được giảm thuế giá trị gia tăng.

5. Thủ tục để được giảm thuế giá trị gia tăng

Đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8%:

Cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Trên hóa đơn, dòng thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi 8%, tiền thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền người mua phải thanh toán.

Trường hợp cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng đã phát hành hóa đơn đặt in dưới hình thức vé có in sẵn mệnh giá chưa sử dụng hết (nếu có) và có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì cơ sở kinh doanh thực hiện đóng dấu theo giá đã giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng bên cạnh tiêu thức giá in sẵn để tiếp tục sử dụng.

Cơ sở kinh doanh kê khai các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP cùng với Tờ khai thuế giá trị gia tăng

Đối với cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng.

Khi thực hiện xuất hóa đơn riêng đối với hàng hóa dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Khi lập hóa đơn bán hàng cung cấp hàng hóa dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa dịch vụ ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, đồng thời ghi chú “đã giảm,… (số tiền) tương ứng 20% mức tỉ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Cơ sở kinh doanh kê khai các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP cùng với Tờ khai thuế giá trị gia tăng.

6. Trường hợp hóa đơn ghi sai mức thuế suất thuế giá trị gia tăng cơ sở kinh doanh phát hiện và điều chỉnh trước khi cơ quan thuế kiểm tra tại đơn vị

Theo quy định tại khoản 5 điều 1 Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, người bán và người mua lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh và giao hóa đơn điều chỉnh cho người mua. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra tương ứng (nếu có).

Trường hợp người bán không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP hai bên chưa kê khai thuế, thì người bán và người mua lập biên bản xóa bỏ hóa đơn và xuất lại hóa đơn mới tách riêng cho hàng hóa dịch vụ được giảm thuế và hàng hóa dịch vụ không được giảm thuế.

7. Trường hợp hóa đơn ghi sai mức thuế suất thuế giá trị gia tăng mà cơ sở kinh doanh chưa tự điều chỉnh, cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện thì xử lý căn cứ khoản 5 điều 12, Thông tư số 219/2013/TT-BTC

Theo đó, trường hợp: Hàng hóa dịch vụ thuộc loại được giảm thuế (thuế suẩt đúng là 8%) nhưng doanh nghiệp ghi trên hóa đơn 10%, thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn cao hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế giá trị gia tăng.

Đối với cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ: phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo thuế suất đã ghi trên hóa đơn (10%);

Đối với cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ: khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế giá trị gia tăng (8%). Trường hợp xác định được bên bán đã kê khai, nộp thuế theo đúng thuế suất ghi trên hóa đơn (10%) thì được khấu trừ thuế đầu vào theo thuế suất 10% ghi trên hóa đơn, nhưng phải có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý người bán.

Trường hợp: hàng hóa dịch vụ thuộc loại không được giảm thuế (thuế suất đúng là10%) nhưng doanh nghiệp ghi trên hóa đơn là 8%, Trường hợp này, thuế suất thuế giá trị gia tăng ghi trên hóa đơn (8%) thấp hơn thuế suất đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế giá trị gia tăng (10%):

Đối với cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ: khấu trừ thuế đầu vào (nếu có) theo thuế suất ghi trên hóa đơn (8%).

Đối với cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ: phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng theo thuế suất thuế giá trị gia tăng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế giá trị gia tăng (10%). Như vậy, trường hợp này doanh nghiệp đã chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước và phải thực hiện kê khai bổ sung điều chỉnh, nộp đủ số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước và số tiền phạt chậm nộp thuế giá trị gia tăng nếu có phát sinh.

8. Kết luận

Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng của Quốc hội là đúng đắn, kịp thời để giảm khó khăn cho người dân. Tuy nhiên, chính sách được triển khai và có hiệu lực ngay tại thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, dẫn đến người dân và doanh nghiệp chưa kịp thời nắm bắt nội dung, lúng túng khi áp dụng và có khả năng hiểu sai vận dụng không đúng chính sách của Nhà nước, khó có tác động tích cực được đến người tiêu dùng như kỳ vọng về chính sách đã đề ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2022). Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
  2. Chính phủ (2022). Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% được áp dụng với các nhóm hàng hóa, dịch vụ.
  3. Bộ Tài chính (2013). Thông tư số 219/2013/TT-BTC về hướng dẫn thi hành một số điều luật thuế giá trị gia tăng.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang