Hiểm họa khôn lường từ thịt ốc, cá khoai tẩm ướp chất bảo quản

author 06:24 26/01/2021

(VietQ.vn) - Thịt ốc, cá khoai đều là những món ăn quen thuộc. Tuy nhiên theo ghi nhận của lực lượng chức năng đây là những món ăn có nguy cơ ngâm tẩm hóa chất độc hại.

Chế biến thịt ốc, cá khoai ngâm tẩm hóa chất độc hại có thể gây ung thư

Có thể nói thực phẩm là nguồn cung cấp năng lượng, chất dinh dưỡng cần thiết để duy trì sức khỏe, sự sống và sự phát triển của cơ thể. Tuy nhiên, thực phẩm cũng có thể là nguồn gốc gây bệnh nguy hiểm và nhiều hệ lụy khác nếu không đảm bảo an toàn, ngâm tẩm hóa chất độc hại. Trong số đó phải kể tới những loại thực phẩm vỉa hè.

Theo ghi nhận từ báo Tiền Phong, vừa qua, Đội 5 Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP.HCM đã ập vào một cơ sở chế biến thịt ốc tại Khu dân cư Bến Lức (P.7, Q.8, TPHCM) do người đàn ông tên Huân làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện ông Huân cùng các công nhân đang dùng hóa chất công nghiệp để ngâm thịt ốc. Hóa chất này sẽ được pha chế với nước rồi dùng để ngâm ốc trong vòng 7 tiếng.

 Người tiêu dùng nên tránh dùng những thực phẩm như ốc, cá khoai bán vỉa hè vì nguy cơ ngâm tẩm hóa chất độc hại. Ảnh: Tiền Phong

Sau khi ngâm hóa chất, ốc sẽ sạch, tươi bóng và tăng ký ốc trước khi giao cho các chợ và tiệm ăn trên địa bàn TPHCM. Được biết, đây là cơ sở chế biến ốc lớn nhất ngay khu vực chợ đầu mối nông sản Bình Điền. Nhiều tiệm ăn, xí nghiệp và chợ trên địa bàn TPHCM lấy sản phẩm ốc do cơ sở ông Huân cung cấp. Công an đã niêm phong gần 500 kg hóa chất và hơn 1,3 tấn ốc để phục vụ công tác xử lý, điều tra.

Cùng thời điểm, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Thanh Hóa cũng phát hiện bắt giữ một ô tô tải chở 25 thùng (2,5 tạ) cá khoai đi tiêu thụ. Toàn bộ sản phẩm sau khi được lực lượng chức năng test nhanh đều cho kết quả dương tính với phoocmon - hóa chất cấm sử dụng trong thực phẩm do gây ung thư cho người dùng nếu đưa vào cơ thể liên tục.

Theo ghi nhận của lực lượng chức năng TP.HCM, thời điểm cận tết, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ đầu mối trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP). Chỉ tính riêng trong tháng 12/2020, Ban Quản lý ATTP TPHCM đã ban hành 30 quyết định xử phạt vi phạm ATTP với tổng số tiền phạt gần nửa tỷ đồng. Trong đó, thống kê cho thấy, các hành vi vi phạm tập trung tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm là để côn trùng (ruồi, gián...) lẫn vào trong nguyên liệu chế biến. Các khu vực nhà kho chứa hàng đông lạnh bám bẩn, lâu ngày không được vệ sinh hoặc các quầy kệ đựng nguyên liệu chế biến đều gỉ sét bong tróc… Ngay cả khi quy định cho các cơ sở sản xuất chế biến tự công bố ATTP thì nhiều cơ sở cũng không có hồ sơ này.

Tỉnh táo khi lựa chọn mỹ phẩm tế bào gốc cho da đẹp 'không tì vết' (VietQ.vn) - Mỹ phẩm tế bào gốc đã trở thành sản phẩm được nhiều chị em lựa chọn vì những lời khen “có cánh” tràn lan nhưng theo các chuyên gia mỹ phẩm nên thận trọng khi sử dụng sản phẩm này.

Nguy cơ từ thực phẩm ngâm tẩm hóa chất độc hại

Theo các chuyên gia ATTP,  một thực phẩm được xem là không an toàn khi nó có chứa các tác nhân gây hại cho sức khỏe của người sử dụng. Các tác nhân đó gồm: tồn dư các thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất, phẩm màu độc hại, chất bảo quản, kim loại, kháng sinh cấm hoặc vượt quá giới hạn cho phép, thực phẩm biến chất, các độc tố tự nhiên trong thực phẩm hay các tác nhân sinh học gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm mốc…

Trong đó thực phẩm ngâm tẩm hóa chất là hành vi gian lận thương mại. Làm như vậy, người bán mới có lãi cao. Bởi lẽ, thực phẩm ngâm hóa chất sẽ ngon hơn, nặng cân hơn, thời gian bảo quản cũng được lâu hơn. Nếu dùng không hết, thực phẩm ngâm hóa chất chỉ cần bỏ tủ lạnh hoặc cấp đông dùng kéo dài nhiều tháng, thậm chí cả năm chẳng sợ hư hỏng.

TS Phan Thế Đồng, Giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng trường Đại học Hoa Sen cho biết, hóa chất công nghiệp không được dùng trong thực phẩm. Mỗi hóa chất gây ảnh hưởng khác nhau tới sức khỏe con người. Có hóa chất làm cho người dùng đau dạ dày, xuất huyết dạ dày, viêm ruột, gây biến chứng, hấp thụ trong máu làm cho dễ mắc xơ gan, thiếu máu, rối loạn chuyển hóa trong cơ thể…

BS CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam lưu ý: “Thực phẩm ngâm hóa chất dễ làm cho người ăn phải bị ngộ độc cấp tính, gây dị ứng, có thể làm ngộ độc mãn tính, ảnh hưởng đến các cơ quan chuyển hóa của cơ thể như gan, thận, ruột… Lâu dài có thể gây nguy cơ ung thư”.

Ngoài những hậu quả trực tiếp đối với sức khỏe người dùng, mất an toàn thực phẩm còn tác động xấu đến nhiều mặt khác của đời sống con người. Về kinh tế, thiệt hại chính do các bệnh gây ra từ thực phẩm đối với cá nhân gồm các chi phí khám bệnh, phục hồi sức khỏe, chi phí do phải chăm sóc người bệnh, sự mất thu nhập do phải nghỉ làm…

Đối với nhà sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đó là những chi phí do phải thu hồi, lưu giữ sản phẩm, hủy hoặc loại bỏ sản phẩm, những thiệt hại do mất lợi nhuận do thông tin quảng cáo… và thiệt hại lớn nhất là mất lòng tin của người tiêu dùng. Ngoài ra còn có nhiều thiệt hại khác như phải điều tra, khảo sát, phân tích, kiểm tra độc hại, giải quyết hậu quả…

Hậu quả của thực phẩm không an toàn là rất nghiêm trọng và mỗi người dân cần nhận thức được. Mỗi người dân hãy là những người tiêu dùng thông thái, quan tâm đến sức khỏe lâu dài; Nhà sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm cần có lương tâm và trách nhiệm, có nhận thức đúng đắn về các nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ đó làm ra và cung ứng những sản phẩm sạch cho người tiêu dùng, góp phần xây dựng sự an toàn cho xã hội và an ninh con người.                 

An Dương (T/h)

                                                               

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang