Hoàn thiện khung pháp lý về quản lý thuốc lá thế hệ mới

author 14:41 10/11/2023

(VietQ.vn) - Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong Quý IV/2023 sẽ hoàn thiện khung pháp lý về quản lý thuốc lá thế hệ mới nhằm hạn chế các tác hại cho sức khỏe con người.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ban hành văn bản thí điểm chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng có hương liệu, Bộ Công Thương đã làm việc với Bộ Y tế về chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới.

Theo ông Diên, hiện vẫn đang trong quá trình rà soát, thống nhất quan điểm hoàn thiện chính sách. Theo đó, Bộ Công Thương dự kiến đưa mặt hàng thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định số 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá để có hướng quản lý phù hợp, và dự kiến sẽ trình Chính phủ trong Quý IV/2023.

Hiện nay trên thị trường các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng…) đã và đang thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau như xách tay, tiểu ngạch, nhập lậu được trà trộn bán tại các cửa hàng kinh doanh hoặc rao bán trên các trang mạng xã hội.

Trên thị trường có khoảng 20.000 loại hương liệu để sản xuất thuốc lá điện tử, trong đó có nhiều loại hương liệu chưa được đánh giá toàn diện về mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe. Những hương liệu này được bày bán công khai như các loại thuốc lá thông thường tại các cửa hàng tạp hóa đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người sử dụng.

Dự kiến trong quý 4/2023 sẽ hoàn thiện khung pháp lý về thuốc lá điện tử. Ảnh minh họa

Theo kết quả tổng hợp của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong 8 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng của Ban Chỉ đạo 389 bộ, ngành và địa phương đã phát hiện, xử lý 2.513 sản phẩm thuốc lá điện tử.

Đơn cử một số vụ việc do lực lượng Quản lý thị trường, Công an địa phương phát hiện gần đây như: Ngày 05/10/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế PC03, Công an tỉnh Hà Nam kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Vĩnh Phát tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, phát hiện Công ty đang thực hiện hoạt động đóng gói và các hoạt động khác làm ra hàng hóa là thuốc lá điện tử các loại, số lượng hàng hoá thu giữa là 108.782 sản phẩm thuốc lá điện tử cùng nhiều nguyên phụ liệu, thiết bị đi kèm.

Ngày 13/10/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các lực lượng Công an, Hải quan, kiểm tra kho tập kết hàng hóa của một doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Thuận Thành, phát hiện 103.000 sản phẩm thuốc lá điện tử không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Ngày 29/9/2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, phát hiện bắt giữ 6.266 thùng tinh dầu các loại 30ml, 100ml thành phẩm, bán thành phầm, 217 thùng thực phẩm chức năng thành phẩm, bán thành phẩm, 2.600 thiết bị thuốc lá điện tử (VAPE), không có hóa đơn, chứng từ, 370 kg tem nhãn mác tinh dầu của nhiều hãng tại nước ngoài, nhiều dụng cụ, máy móc trang thiết bị sử dụng sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, số vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng bị phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, trong thời gian tới Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Biên phòng... tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển và kinh doanh trái phép thuốc lá mới; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, tăng nguy cơ mắc bệnh răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác bao gồm các triệu chứng tiêu hóa, phổ biến nhất là đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, tiêu chảy và xuất huyết tiêu hoá.

Các chuyên gia cho rằng, thuốc lá cho dù là thuốc lá điếu thông thường hay thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe con người và là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm. Tổ chức Y tế giới khuyến cáo, không có ngưỡng an toàn cho việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và không có một loại thuốc lá nào là an toàn cho sức khỏe. Các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng không phải là sản phẩm ít hại hơn và không phải là sản phẩm giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.

Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2023-2025, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%; Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 30%; tại nhà hàng xuống dưới 75%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 80%; tại khách sạn xuống dưới 60%; Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Giai đoạn 2026-2030 giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%;...

Chiến lược đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện gồm: Hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống giám sát về phòng, chống tác hại của thuốc lá; Kiện toàn, nâng cao năng lực mạng lưới về phòng, chống tác hại của thuốc lá; 7 Hợp tác quốc tế.

Trong đó, xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới; quy định mức giá bán tối thiểu các sản phẩm thuốc lá, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả của phương án tính thuế các sản phẩm thuốc lá trên giá bán lẻ để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Hạn chế, kiểm soát chặt chẽ việc bán các sản phẩm thuốc lá tại cửa hàng miễn thuế; đề xuất ban hành quy định về ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng; việc bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên hoặc trẻ vị thành niên bán thuốc lá theo Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới.

Xây dựng chương trình, kế hoạch thông tin, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá phù hợp với từng giai đoạn; thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá với các hình thức đa dạng, phù hợp đặc điểm từng vùng, miền, từng nhóm đối tượng; tăng cường sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá

 An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang