Hoàn thiện Nghị định về nhãn hàng hoá giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí

author 06:41 10/07/2020

(VietQ.vn) - Việc hoàn thiện dự thảo sửa đổi nghị định số 43/2017/NĐ-CP sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí khi Nghị định này được ban hành và đi vào thực tiễn.

Ngày 9/7, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Tổng cục TCĐLCL) đã chủ trì tổ chức hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hoá và Thông tư quy định việc thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử. Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 khách mời đến từ các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp... như Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội các Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam...

Tại buổi hội thảo, rất nhiều ý kiến hoan nghênh Dự thảo Thông tư quy định về việc thể hiện một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử. Đồng thời, các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp... cũng rất vui mừng, ủng hộ việc ban hành Thông tư này khi việc có nhãn điện tử doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được phần chi phí in ấn nhãn như trước.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến góp ý cho rằng một số điều khoản của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP chưa được hợp lý trong thực tiễn.

Một vị đại diện của AmCham cho rằng, việc liên tục điều chỉnh những quy định về nhãn mác gây tốn kém và là rào cản cho doanh nghiệp. Ví dụ như tại khoản 4, Điều 9 của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định về việc trách nhiệm ghi nhãn hàng hoá sẽ gây ra rào cản cho doanh nghiệp nhập khẩu.

Đồng thời, một số ý kiến góp ý cũng cho rằng dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP cần quy định rõ ràng và đầy đủ hơn. Đặc biệt là các quy định về nhãn hàng cho máy móc và linh kiện máy móc được nhập khẩu từ nước ngoài hoặc việc mua hàng trên các sàn thương mại điện tử thì khi giao hàng về Việt Nam sẽ không có tên nhà nhập khẩu.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Đỗ Hoàng Giang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: “Chúng tôi xin chân thành cảm ơn và ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp của các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp. Đây là dự thảo sơ bộ nên chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định số 43/2017/NĐ-CP để khi ban hành sẽ áp dụng khả thi và có hiệu quả trên thực tế”.

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL phát biểu khai mạc hội thảo

Ngoài ra, do thời gian của hội thảo có hạn nên ban tổ chức chưa thể ghi nhận hết tất cả ý kiến góp ý của các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp. Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã xây dựng dự thảo Nghị định bổ sung sửa đổi và Thông tư quy định ghi nhãn dán mong nhận được ý kiến đóng góp, góp ý của các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp bằng văn bản qua địa chỉ email: [email protected][email protected] để hoàn thiện hơn cho Dự thảo Nghị định và Thông tư. Bên cạnh đó, việc sửa đổi bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP cũng giúp hàng hoá lưu thông tại Việt Nam theo kịp thông lệ quốc tế và giúp doanh nghiệp cắt giảm được thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí hơn.

Được biết, ngày 31/12/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ và giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hoá và Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá để kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo ghi nhãn, xuất xứ Việt Nam.

Ông Đỗ Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&CN 

Theo chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc giao chủ trì triển khai nhiệm vụ, Tổng cục TCĐLCL đã rà soát, tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành liên quan có đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP. Trên cơ sở tổng hợp các nội dung đề xuất của các Bộ, ngành, địa phương trong thực tế triển khai Nghị định 43/2017/NĐ-CP, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã xây dựng dự thảo Nghị định bổ sung sửa đổi và Thông tư quy định ghi nhãn dán một số nội dung ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử.

Trước đó, ngày 14/04/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hoá quy định cách ghi và quản lý Nhà nước về nhãn đối với hàng hoá lưu thông tại Việt Nam, hàng hoá nhập khẩu. Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ra đời đã khắc phục những điểm khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tiếp tục triển khai Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, Tổng cục TCĐLCL đã chủ trì xây dựng Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN ngày 26/06/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN được ban hành tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc ghi nhãn hàng hoá, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đồng thời, Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN ra đời cũng năng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về nhãn hàng hoá và đặc biệt là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Anh Đức

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang