Hoàn thiện pháp luật về thành lập doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh
QUATEST 1 hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý phát thải khí nhà kính theo ISO 14064-1:2018
1. Đặt vấn đề
Việc thành lập và vận hành doanh nghiệp là nhu cầu bức thiết của nền kinh tế. Để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của công dân và sự phát triển của nền kinh tế thị trường, Nhà nước Việt Nam đã luôn chú trọng xây dựng hành lang pháp lý cho sự hình thành, tổ chức và vận hành của các chủ thể đặc biệt này. Việc thành lập và vận hành doanh nghiệp của các cá nhân, pháp nhân đáp ứng các quyền cơ bản của công dân - quyền tự do kinh doanh. Đây là chủ trương lớn của Đảng trong xây dựng nền kinh tế thị trường hội nhập. Việc thành lập doanh nghiệp không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu của chủ trương phát triển nền kinh tế của Đảng, mà còn thỏa mãn nhu cầu phát triển kinh tế gia đình của các chủ thể đầu tư.
Kế thừa các điểm tiến bộ của các phiên bản Luật Doanh nghiệp trước đây, Luật Doanh nghiệp năm 2020 được đánh giá đã tạo ra bước đột phá lớn quan trọng trong các quy định về thành lập doanh nghiệp, thay đổi phương thức quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có tác động tích cực tới tình hình phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ năm 2021 đến năm 2023, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới tăng lên đáng kể.
Năm 2021, có 116.839 doanh nghiệp được thành lập mới, vốn đăng ký là 1.611.109 tỷ đồng. Năm 2022, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới là 148.533, vốn đăng ký là 1.590.860 tỷ đồng. Năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 159.298 doanh nghiệp, vốn đăng ký là 1.521.259 tỷ đồng. Qúy 1 năm 2024 số lượng doanh nghiệp được thành lập mới là 34.590 doanh nghiệp, vốn đăng ký là 471.275 tỷ đồng [9]. Những số liệu trên cho thấy các tác động tích cực của Luật Doanh nghiệp đến môi trường kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam là một đòi hỏi bức thiết trong tiến trình hội nhập quốc tế, trong đó, pháp luật về các hình thức tổ chức kinh doanh - pháp luật gia nhập thị trường đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong khi đó, hệ thống pháp luật gia nhập thị trường lại còn nhiều khiếm khuyết, ảnh hưởng đến việc cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật về doanh nghiệp nói chung và pháp luật về thành lập nói riêng là một nhiệm vụ cấp bách.
2. Bất cập của pháp luật về thành lập doanh nghiệp
2.1. Về điều kiện thành lập doanh nghiệp
Điều kiện thành lập doanh nghiệp được coi như một công cụ hữu hiệu để quản lý nền kinh tế. Ở mỗi quốc gia, phụ thuộc vào nhu cầu quản lý, đều đưa ra các điều kiện để doanh nghiệp có thể gia nhập thị trường.
Ở Việt Nam, sự tiến bộ vượt bậc của pháp luật doanh nghiệp trong thời gian qua đã đơn giản hóa cả về điều kiện và thủ tục thành lập doanh nghiệp, giúp tiết giảm chi phí cho việc thành lập đến vận hành một doanh nghiệp. Bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính, pháp luật về chủ thể kinh doanh (bao gồm Luật Doanh nghiệp năm năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020) đã góp phần đáng kể trong cải thiện môi trường đầu tư và phát huy được năng lực kinh doanh của các chủ thể.
Các điều kiện cần thiết để gia nhập thị trường không còn là yếu tố mang tính chất rào cản đối với người kinh doanh mà tạo cơ hội tối đa để họ có thể sở hữu doanh nghiệp, tham gia vào các hoạt động của thị trường. Về cơ bản, các điều kiện thành lập doanh nghiệp bao gồm:
Một là, về nhân thân người thành lập doanh nghiệp - Người thành lập doanh nghiệp là mọi cá nhân, pháp nhân có đủ năng lực hành vi dân sự và không ở vào trường hợp bị pháp luật cấm thành lập doanh nghiệp[1].
Đối tượng bị pháp luật cấm thành lập doanh nghiệp, tham gia quản lý doanh nghiệp chưa được quy định rõ ràng và đầy đủ. Chủ thể có quyền góp vốn vào doanh nghiệp bao gồm: tổ chức, cá nhân trừ những người ở vào trường hợp bị pháp luật cấm thành lập doanh nghiệp[1].
Như vậy, có vẻ như Luật Doanh nghiệp năm 2020 vẫn cho phép các tổ chức không có tư cách pháp nhân được thành lập doanh nghiệp, góp vốn vào doanh nghiệp. Quy định này là không hợp lý bởi với những tổ chức không có tư cách pháp nhân như doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác chỉ có thể tham gia quan hệ pháp luật dân sự với tư cách của cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, tổ trưởng tổ hợp tác.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng không có quy định nhằm hạn chế số lượng doanh nghiệp mà một cá nhân/pháp nhân làm chủ sở hữu, trừ khi doanh nghiệp họ thành lập là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh. Với cách quy định này của pháp luật dẫn tới hiện tượng khá phổ biến trong thời gian qua ở Việt Nam là một người, vào cùng một thời điểm/hoặc trong một khoảng thời gian rất ngắn đã thành lập nhiều doanh nghiệp mà không gặp bất kỳ trở ngại nào của pháp luật.
Các doanh nghiệp đó chủ yếu được thành lập để phục vụ các mục đích bất chính của chủ doanh nghiệp như rửa tiền, buôn bán hóa đơn... Đây là những hiện tượng bất thường liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế, có tác động tiêu cực tới sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.
Có thể thấy, quy định theo hướng không hạn chế số lượng doanh nghiệp mà một cá nhân có thể làm chủ sở hữu là phù hợp với thông lệ quốc tế. Cho tới hiện tại, không có luật pháp của bất kỳ quốc gia nào hạn chế số lượng doanh nghiệp mà một người có thể thành lập và sở hữu.
Tuy nhiên, pháp luật của các quốc gia này đều có các phương án nhằm giảm thiểu sự lợi dụng chính sách để thực hiện các hoạt động bất chính. Chẳng hạn như tại Trung Quốc, một người có thể thành lập nhiều doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp sau chỉ được thành lập với điều kiện các doanh nghiệp trước của người đó có vận hành và không ở trong tình trạng nợ thuế của nhà nước[8].
Hai là, về vốn thành lập doanh nghiệp.
Vốn thành lập doanh nghiệp là một lượng tài sản mà người thành lập doanh nghiệp quyết định đưa nó trở thành tài sản - sản nghiệp của doanh nghiệp. Nói đến vốn thành lập doanh nghiệp, chúng ta cần quan tâm đến các nội dung:
Thứ nhất, về hình thức vốn góp, bất kỳ tài sản nào cũng có thể trở thành vốn góp vào doanh nghiệp trừ một số ngoại lệ nếu tài sản đó không được phép lưu thông. Đối với các tài sản không phải là tiền, người thành lập doanh nghiệp phải thực hiện việc định giá tài sản. Người có quyền định giá đối với tài sản góp vốn vào doanh nghiệp có thể là tổ chức có chức năng định giá tài sản hoặc chính các thành viên của doanh nghiệp[1].
Yêu cầu về tính chất của việc định giá tài sản góp vốn cũng được đặt ra, chẳng hạn như đảm bảo sự chính xác, trung thực của việc định giá. Tuy nhiên, yêu cầu đó chỉ dừng lại ở cơ chế tự bảo đảm của người thành lập doanh nghiệp mà hầu như không chịu sự kiểm soát nào của công quyền. Thực tiễn cho thấy, những tài sản không phải là tiền mặt mà là quyền sử dụng đất trong các dự án bất động sản, quyền hưởng dụng đối với bất động sản, quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ… thì việc đưa những tài sản này trở thành vốn góp vào doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn do sự không tương thích của Luật Doanh nghiệp với các văn bản pháp luật chuyên ngành[3,4,5], cũng như chưa có các quy định cụ thể về việc thẩm định giá trị tài sản góp vốn, quy trình thực hiện việc góp vốn...
Thứ hai, về giá trị của tài sản góp vốn, trừ các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ngành nghề có yêu cầu về vốn pháp định, cần phải có đủ phần vốn pháp định ngay tại thời điểm thực hiện hoạt động kinh doanh, còn các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực ngành nghề khác hầu như không chịu sự kiểm soát của cơ quan chức năng về giá trị vốn đầu tư vào doanh nghiệp. Theo quy định của pháp luật chuyên ngành, hiện tại có khoảng hơn 100 ngành nghề pháp luật quy định về vốn pháp định của doanh nghiệp.
Các hành vi kê khai khống vốn điều lệ, góp không đủ vốn điều lệ trở nên khá phổ biến ở nhiều doanh nghiệp. Mặc dù pháp luật đã quy định khá rõ về hậu quả và thẩm quyền, trình tự, xử lý khi có vi phạm[7]. Tuy nhiên, cơ chế để thi hành các chế tài này đối với doanh nghiệp vẫn chưa rõ.
Theo pháp luật về doanh nghiệp của Trung Quốc, để một doanh nghiệp được thành lập cần đảm bảo các điều kiện cứng, trong đó có điều kiện về tài sản. Đối với từng loại hình doanh nghiệp mà Luật Công ty năm 2005 của Trung Quốc có những quy định về mức vốn pháp định khác nhau. Cụ thể, để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, người thành lập doanh nghiệp phải có tối thiểu 100.000 nhân dân tệ; để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phải có tối thiểu 30.000 nhân dân tệ; để thành lập công ty cổ phần, tối thiểu phải có 5.000.000 nhân dân tệ. Số vốn này bắt buộc phải có tối thiểu 20% từ thời điểm thành lập doanh nghiệp[8].
Theo đó, nếu vốn thành lập doanh nghiệp là tiền mặt, doanh nghiệp cần mở tài khoản tại ngân hàng và nộp tiền góp vốn ban đầu vào tài khoản đó, ngân hàng sẽ xác nhận về giá trị tài sản doanh nghiệp có để thành lập doanh nghiệp trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Trường hợp tài sản góp vốn không phải là tiền mặt mà là các tài sản khác, người thành lập doanh nghiệp phải thực hiện việc chuyển quyền sở hữu tài sản và thông qua tổ chức thẩm định giá hợp pháp để xác định giá trị của tài sản góp vốn vào doanh nghiệp. Báo cáo thẩm tra vốn từ cơ quan kiểm toán trong một số trường hợp là tài liệu không thể thiếu trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Pháp luật Trung Quốc cũng có những quy định nhằm chống lại nạn khai khống vốn của người thành lập công ty bằng cách buộc họ phải bồi thường thiệt hại cho công ty và cho các chủ nợ. Đồng thời, việc khai khống vốn của chủ công ty đều dẫn tới hậu quả là chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự sẽ được áp dụng đối với họ[8].
Thứ ba, về thời hạn góp vốn, người thành lập doanh nghiệp không cần phải góp đủ số vốn điều lệ vào thời điểm đăng ký doanh nghiệp mà có thể góp sau khi doanh nghiệp được đăng ký kinh doanh. Cụ thể, đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực đòi hỏi về vốn pháp định, phần vốn pháp định phải có đủ khi doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh (là điều kiện để doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện để kinh doanh). Đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực không bị đòi hỏi về vốn pháp định thì vốn điều lệ của doanh nghiệp được đóng đủ trong vòng 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Quy định về thời hạn góp vốn vào doanh nghiệp có một vài bất cập như sau:
+ Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề không bị yêu cầu có vốn pháp định, thời hạn góp vốn là 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, nếu doanh nghiệp chưa có đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải tiến hành các thủ tục đăng ký thay đổi/giảm vốn điều lệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề đòi hỏi về vốn pháp định, pháp luật chỉ quy định về thời điểm hoạt động của doanh nghiệp là khi doanh nghiệp đã có đủ vốn pháp định mà không định lượng rõ khoảng thời gian đó là bao lâu. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng và gây khó khăn cho hoạt động quản nhà nước đối với doanh nghiệp.
+ Đối với các doanh nghiệp đăng ký vốn điều lệ là tài sản hiện vật (không phải là tiền mặt) mà các tài sản này là nguồn cơ bản tạo nên cơ sở vật chất của doanh nghiệp (chẳng hạn như máy móc, trang thiết bị, công nghệ…) nếu phần tài sản góp vốn này được nhập khẩu từ nước ngoài về thì rất có thể, qua 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp những tài sản đó vẫn chưa về tới Việt Nam. Trường hợp này doanh nghiệp có bị coi là vi phạm nghĩa vụ góp vốn hay không?
Các quy định liên quan tới vốn góp và thời điểm góp vốn vào doanh nghiệp thể hiện sự thông thoáng của hệ thống pháp luật về chủ thể kinh doanh. Điều này góp phần tạo nên làn sóng các doanh nghiệp mới được hình thành với số lượng rất lớn nhưng chất lượng đầu vào của doanh nghiệp đặc biệt là điều kiện về vốn lại không được kiểm soát, do vậy, chất lượng của phần lớn các doanh nghiệp đã đăng ký chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng và phát triển kinh tế của đất nước.
Ba là, tên gọi của doanh nghiệp.
Tên gọi doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhằm hình thành nên giá trị của doanh nghiệp. Pháp luật quy định về cách đặt tên doanh nghiệp cũng như những cấm kỵ trong đặt tên doanh nghiệp[1]. Một trong những cấm kỵ đối với đặt tên doanh nghiệp là: tên doanh nghiệp sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong, mỹ tục của dân tộc[1]. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, dẫn tới cách xử lý hồ sơ thành lập doanh nghiệp liên quan tới nội dung tên gọi của doanh nghiệp chưa thống nhất tại các địa phương.
Thực tế vẫn tồn tại tình trạng các doanh nghiệp có tên gọi dễ gây nhầm lẫn, điều đó tác động bất lợi đối với sự tồn tại minh bạch của thị trường. Hiện tại, pháp Luật Doanh nghiệp đang trao cho cơ quan đăng ký kinh doanh quyền quyết định đối với tên gọi của doanh nghiệp. Đây là một nhiệm vụ có thể nhận định vượt quá năng lực của cơ quan đăng ký kinh doanh, tạo ra nhiều bất lợi cho nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý nhà nước khi xử lý các hồ sơ thành lập doanh nghiệp.
Pháp luật Trung Quốc về vấn đề đặt tên của doanh nghiệp lại quy định khá chi tiết. Để có thể thành lập doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp phải tiến hành bước đầu tiên trong thủ tục thành lập doanh nghiệp là chọn tên cho doanh nghiệp, bằng cách làm hồ sơ xin chấp thuận của Cục Quản lý công nghiệp và thương mại địa phương (AIC) về tên gọi của doanh nghiệp. Dựa trên các tiêu chí cụ thể về tên thương mại của doanh nghiệp, cơ quan này có thể phê chuẩn tên gọi đó hoặc không. Trong trường hợp tên gọi của doanh nghiệp đã được phê chuẩn bởi AIC, chủ doanh nghiệp mới có thể tiến hành các bước tiếp theo để thành lập doanh nghiệp[8].
Bốn là, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp được tự do kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề pháp luật không cấm. Các ngành nghề cấm kinh doanh được quy định bởi Luật Đầu tư 2020[2]. Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành, trong các nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Nghị định của Chính phủ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên[2]. Các ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Hiện có khoảng 228 ngành nghề kinh doanh bị yêu cầu về điều kiện kinh doanh theo các văn bản pháp luật chuyên ngành, thậm chí là trong các văn bản hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội.
Đây là các rào cản và vướng mắc pháp lý gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số hoạt động kinh doanh xuất hiện trong những năm gần đây rất cần được quản lý nhưng vẫn chưa được quy định là ngành nghề pháp luật cấm hay ngành nghề có điều kiện, chẳng hạn như kinh doanh tiền ảo, kinh doanh tài sản mã hóa, do vậy không có khung khổ pháp lý để bảo vệ quyền của chủ sở hữu đối với các tài sản này.
2.2. Về thủ tục thành lập doanh nghiệp
Thứ nhất, về phạm vi áp dụng của Luật Doanh nghiệp.
Việc thành lập doanh nghiệp trải qua thủ tục đăng ký doanh nghiệp và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Để đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp phải chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp
Điều kiện thành lập doanh nghiệp, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp không hoạt động trên các lĩnh vực ngành nghề mà pháp luật chuyên ngành quy định về thành lập và tổ chức quản lý doanh nghiệp. Tức là cùng một lúc tồn tại song song hai hệ thống cơ quan đăng ký doanh nghiệp: Cơ quan đăng ký doanh nghiệp - phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng ký cho các doanh nghiệp hoạt động thông thường; và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đăng ký cho các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực ngành nghề thuộc phạm vi quản lý chuyên môn[1].
Điều này có thể tạo ra sự chồng lấn về thủ tục quản lý, gây khó khăn cho người thành lập doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp; gây khó khăn cho công tác tổng hợp, thống kê các số liệu liên quan tới doanh nghiệp, ảnh hưởng tới việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Thứ hai, về hồ sơ thành lập doanh nghiệp.
Để thành lập doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp phải chuẩn bị một bộ hồ sơ hợp lệ. Vậy hồ sơ hợp lệ là gì? Hồ sơ hợp lệ là hồ sơ có đầy đủ các giấy tờ theo quy định của pháp luật và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định của pháp luật[1]. Quy định này dẫn tới cách hiểu không thống nhất của cơ quan đăng ký kinh doanh tại các địa phương về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.
Với các tài liệu có trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp như hợp đồng thành lập doanh nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp; Biên bản các cuộc họp Hội đồng thành viên/Đại Hội đồng cổ đông; báo cáo tài chính của doanh nghiệp… cơ quan đăng ký kinh doanh có cần xem xét về tính hợp pháp, chính xác của các văn bản này hay chỉ cần kiểm tra về số lượng theo đầu mục hồ sơ?
Việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp được quy định về thành phần hồ sơ bao gồm: nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần[6].
Với cách hành văn liệt kê như trên dẫn đến cách hiểu khá khác nhau của các cơ quan đăng ký kinh doanh là hồ sơ phải bao gồm cả nghị quyết và quyết định của chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Hội đồng thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh và Đại hội đồng cổ đông của công ty cổ phần, trong khi 2 văn bản này có tính chất tương đương nhau. Điều này gây khó khăn cho người thành lập doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp.
2.3. Về cơ chế hậu kiểm đối với doanh nghiệp
Các quy định khá cởi mở của pháp luật về doanh nghiệp liên quan tới điều kiện thành lập doanh nghiệp như hiện nay nhằm tạo cơ hội cho mọi chủ thể có thể tham gia vào quá trình đầu tư kinh doanh, tạo ra sản phẩm cho đời sống xã hội. Do vậy, quá trình đó cũng đòi hỏi có sự giám sát chặt chẽ của các chủ thể có thẩm quyền nhằm hạn chế sự lạm dụng. Tuy nhiên, cơ chế hậu kiểm đối với việc thành lập doanh nghiệp hiện nay còn bỏ ngỏ.
Các yêu cầu về điều kiện thành lập doanh nghiệp được pháp luật yêu cầu: cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký kinh doanh; người thành lập doanh nghiệp tự kê khai hồ sơ thành lập doanh nghiệp và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp[6]. Trong những trường hợp doanh nghiệp thành lập mà không thỏa mãn một/một số điều kiện thành lập doanh nghiệp thì ai có trách nhiệm phát hiện? Phát hiện thông qua cơ chế nào? Khi phát hiện những vi phạm đó, ai có quyền xử lý và hình thức xử lý cụ thể ra sao?… Đó là những vấn đề mà pháp luật về doanh nghiệp còn chưa có quy định đầy đủ.
3. Các kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thành lập doanh nghiệp
Từ các bất cập của pháp luật về thành lập doanh nghiệp đã được phân tích, chúng tôi đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về thành lập doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất, về nhân thân người thành lập doanh nghiệp.
Một là, pháp luật Doanh nghiệp cần quy định rõ về đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp, theo đó, cần xác định rõ các tổ chức không có tư cách pháp nhân không được thành lập doanh nghiệp hoặc tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để đảm bảo tương thích với các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015;
Hai là, cần quy định rõ các điều kiện để một người có thể thành lập nhiều hơn 1 doanh nghiệp. Theo đó, chúng ta có thể tiếp thu kinh nghiệm xây dựng pháp luật của Trung Quốc về vấn đề này. Cụ thể, khi một người thành lập nhiều hơn 1 doanh nghiệp, các doanh nghiệp sau chỉ được thành lập nếu đáp ứng được các điều kiện sau đây: (1) Các doanh nghiệp được thành lập trước đó vẫn đang hoạt động bình thường; (2) Không có các nghĩa vụ tài chính chưa thực hiện được;
Ba là, cần quy định rõ việc áp dụng mã số định danh cá nhân trong thành lập và quản lý doanh nghiệp nhằm giảm thiểu các vi phạm pháp luật về thành lập doanh nghiệp.
Thứ hai, về vốn góp vào doanh nghiệp.
Một là, Luật Doanh nghiệp nên xem xét việc quy định về mức vốn tối thiểu mà 1 doanh nghiệp cần có để thành lập doanh nghiệp để đảm bảo doanh nghiệp có thể thực hiện được các hoạt động kinh doanh ngay sau khi nó gia nhập thị trường. Tránh tình trạng các doanh nghiệp “ma” được thành lập khi mà người thành lập nó không hề có vốn và thành lập để nhằm các mục đích bất chính
Hai là, về hình thức tài sản góp vốn vào doanh nghiệp.
Việc đa dạng hóa các tài sản góp vốn vào doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đời sống kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề định giá tài sản cần đảm bảo được thực hiện bởi chủ thể có thẩm quyền và theo đúng trình tự luật định. Do vậy, pháp luật cần quy định rõ về chủ thể có thẩm quyền định giá tài sản, nguyên tắc và quy trình định giá tài sản. Chỉ những chủ thể có thẩm quyền mới có quyền định giá đối với tài sản góp vốn vào doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật chuyên ngành và các chuẩn mực kế toán cũng cần hoàn thiện để đảm bảo quyền sử dụng tài sản góp vốn thành lập doanh nghiệp của các chủ thể.
Ba là, về thời hạn góp vốn vào doanh nghiệp.
Nên có quy định cụ thể về thời hạn góp vốn đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề đòi hỏi về vốn pháp định. Bởi nếu không có quy định này sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh trên các ngành nghề khác nhau;
Về thời điểm góp vốn đối với các tài sản góp vốn là hiện vật nên xác định kể từ thời điểm người thành lập doanh nghiệp bắt đầu thực hiện hành vi chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn sang cho doanh nghiệp. Thời hạn góp vốn đối với vốn góp là các tài sản hình thành trong tương lai của người góp vốn cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của hoạt động đầu tư kinh doanh hay các hoạt động thương mại quốc tế mà không nên quy định cứng là 90 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng cần quy định bổ sung thêm các chế tài đối với các vi phạm liên quan đến nghĩa vụ góp vốn vào doanh nghiệp.
Thứ ba, về tên gọi của doanh nghiệp.
Để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường cũng như cải thiện được môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, Luật Doanh nghiệp cần:
Một là, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh để quy định về những từ ngữ, ký hiệu trong tên gọi của doanh nghiệp vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
Hai là, quy định rõ về trình tự đặt tên của doanh nghiệp, theo đó tên của doanh nghiệp cần phải được sự chấp thuận của Cục Sở hữu trí tuệ trước khi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Thứ tư, về ngành nghề kinh doanh.
Một là, cần xác định rõ: quy định về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại các Luật của Quốc hội hoặc các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Hai là, cần quy định về tài sản ảo, tài sản mã hóa và các điều kiện để đầu tư, kinh doanh đối với loại tài sản này. Bởi nếu những quy định này chưa hiện hữu thì quyền của các chủ sở hữu đối với các loại tài sản đó chưa có cơ chế bảo vệ. Trong khi đó, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, hiện tượng đầu tư và kinh doanh những loại tài sản đó ngày càng trở nên phổ biến.
Thứ năm, về đảm bảo cơ chế hậu kiểm đối với doanh nghiệp.
Việc kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp cả về điều kiện thành lập và hoạt động kinh doanh nếu được thực hiện một cách đúng quy trình, mức độ sẽ mang lại những hiệu quả tích cực. Hoạt động này góp phần làm lành mạnh hóa thị trường, khắc phục được tình trạng lạm dụng sự thông thoáng của pháp luật và sự buông lỏng hoạt động hậu kiểm đối với doanh nghiệp để thực hiện các hành vi bất hợp pháp, giảm thiểu tình trạng các “doanh nghiệp ma”,… Vì vậy, việc hậu kiểm đối với doanh nghiệp cần phải:
Một là, quy định rõ về nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm: cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, môi trường, … trong việc phát hiện các vi phạm về thành lập doanh nghiệp của các cá nhân, pháp nhân;
Hai là, quy định rõ về thẩm quyền, trình tự và thủ tục xử lý vi phạm trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp;
Ba là, quy định rõ chế tài đối với các cơ quan và cá nhân công chức khi không thực hiện đúng nhiệm vụ hậu kiểm đối với doanh nghiệp.
Theo Tạp chí Công thương
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Quốc hội 14 (2020). Luật Doanh nghiệp năm 2020.
2. Quốc hội 14 (2020). Luật Đầu tư năm 2020.
3. Quốc hội 13 (2013). Luật Đất đai năm 2013; Quốc hội 15 (2024). Luật Đất Đai sửa đổi bổ sung năm 2024.
4. Quốc hội 11 (2005). Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Quốc hội 15 (2022). Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2022.
5. Quốc hội 13 (2015). Luật Kế toán năm 2015.
6. Chính phủ (2021). Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ, trình tự đăng ký doanh nghiệp.
7. Chính phủ (2021). Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 27/12/2021 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực đầu tư.
8. Luật Công ty Trung Quốc năm 2005.
9. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2024). Dự thảo Báo cáo đánh giá thi hành Luật Doanh nghiệp 2020. Truy cập tại: https://vibonline.com.vn/wp-content/uploads/2024/07/Du-thao-Bao-cao-danh-gia-thi-hanh-Luat-Doanh-nghiep-2020.pdf.