Hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về xe điện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

author 15:25 21/12/2021

(VietQ.vn) - TS Nguyễn Đức Tuyên, Giảng viên bộ môn Hệ thống điện (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về xe điện để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Xe điện đang là xu thế của thế giới

Phát biểu tại toạ đàm “Tương lai phát triển xe điện tại Việt Nam” vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Phó Tổng Biên tập Báo Giao thông cho hay, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Thông điệp này một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tại Hội nghị thượng đỉnh Khí hậu COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 1/11/2021 vừa qua với cam kết Việt Nam sẽ hành động để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Với những lợi thế về năng lượng tái tạo, Việt Nam đang có tiền đề quan trọng tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.

Quang cảnh buổi toạ đàm

Để góp phần chung tay chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống, việc thúc đẩy đầu tư, phát triển các loại hình năng lượng tái tạo cần gắn chặt với xây dựng “hệ sinh thái” tiêu dùng năng lượng xanh, sạch. Và xe điện là một trong những “đầu ra” trong chuỗi hành động này.

Về sự phát triển của xe điện trên thế giới, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sau một thập kỷ tăng trưởng nhanh chóng, đã có 10 triệu chiếc xe điện trên toàn thế giới vào cuối năm 2020. Số lượng xe điện bán ra tăng 41% vào năm 2020, bất chấp sự sụt giảm 16% của doanh số bán ô tô trên toàn thế giới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Khoảng 3 triệu ô tô điện đã được bán trên toàn cầu (chiếm 4,6% thị phần) và châu Âu lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới. Số lượng xe buýt điện và xe tải điện được bán ra cũng tăng tại các thị trường lớn, đạt mức 600.000 chiếc đối với xe buýt điện và 31.000 chiếc đối với xe tải điện.

Hiện nay, trong và sau bối cảnh đại dịch Covid-19, khả năng phục hồi doanh số bán xe điện phụ thuộc vào 3 trụ cột chính. Đầu tiên là các khuôn khổ pháp lý hỗ trợ, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, nhiều quốc gia đã tăng cường các chính sách như tiêu chuẩn khí thải CO2 và các quy định về phương tiện không phát thải (ZEV).

Vào cuối năm 2020, hơn 20 quốc gia đã công bố lệnh cấm bán xe ô tô truyền thống hoặc bắt buộc tất cả các xe mới bán ra phải là xe ZEV.

Hạ tầng cho xe điện còn thiếu

TS. Nguyễn Quốc Khánh, chuyên gia năng lượng cho hay, xe điện đã trở thành xu thế trên thế giới và Việt Nam không năm ngoài xu thế đó. Tuy nhiên, việc này sẽ dẫn tới phát sinh nhu cầu về điện. Điện là một hạ tầng đặc biệt bởi vì cung cầu luôn luôn phải cân bằng tại mọi thời điểm.

Việc đáp ứng nhu cầu về điện cần thời gian từ 3-5 năm (xây dựng nhà máy, hoàn thiện hệ thống truyền tải..). Mặt khác, xe điện phải sử dụng trạm sạc và việc vận hành trạm sạc chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hệ thống mạng lưới điện (những vấn đề như quá áp, quá tải...).

Theo TS Nguyễn Đức Tuyên, Giảng viên bộ môn Hệ thống điện (Đại học Bách Khoa Hà Nội), hạ tầng cho xe điện hiện nay còn nhiều hạn chế. Về trạm sạc điện, hiện mới có khoảng 200 trạm sạc của Vinfast còn lại chưa có, còn thiếu chính sách ưu đãi cho xây dựng trạm sạc. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn của Việt Nam về hệ thống hạ tầng xe điện, đặc biệt là trạm sạc còn chưa hoàn thiện và không thống nhất.

TS Nguyễn Đức Tuyên, Giảng viên bộ môn Hệ thống điện (Đại học Bách Khoa Hà Nội)

Đề xuất chính sách nhằm thúc đẩy phát triển xe điện, TS Nguyễn Đức Tuyên cho rằng, đối với người tiêu dùng cần được hỗ trợ trực tiếp vào chi phí mua xe, thuế, chi phí sạc, trạm sạc tại nhà. Mức thuế đánh vào phát thải cũng cần ở mức cao để tác động tới ý thức người dùng. Bên cạnh đó, cần có khu vực vận hành riêng cho xe điện. Đối với các nhà sản xuất, phân phối cần được hỗ trợ về công nghiệp phụ trợ; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về xe điện để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.

Đối với hoạt động nghiên cứu, đào tạo, cần xây dựng thêm các trung tâm nghiên cứu; tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của xe điện tới lưới điện; đào tạo nguồn nhân lực chế tạo, sản xuất, vận hành dịch vụ xe điện. Bên cạnh đó, cần quy hoạch hệ thống trạm sạc, tận dụng các chính sách song phương...

Toạ đàm “Tương lai phát triển xe điện tại Việt Nam” do Báo Giao thông phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (Green ID) cùng Lab 100RE tổ chức. Toạ đàm nằm trong khuôn khổ "Tháng Năng lượng tái tạo 2021 (REM21)" do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cùng các đối tác tổ chức.

Tại buổi toạ đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra những kịch bản phát triển và dự báo quy mô thị trường xe điện tại Việt Nam; Khả năng ảnh hưởng của xe điện đối với quy hoạch, vận hành hệ thống điện; Đồng thời có những đề xuất sự thay đổi về tư duy chính sách, công nghệ, máy móc, kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ đối với sản phẩm xe điện... nhằm thúc đẩy phát triển phương tiện xanh, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam.

Buổi toạ đàm có nhiều khách mời đến từ các đơn vị có liên quan như: Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cùng nhiều chuyên gia về môi trường, năng lượng, kỹ thuật ô tô tại các tổ chức nghiên cứu và trường đại học hàng đầu Việt Nam…

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang