Hoạt động kinh doanh giảm sự phụ thuộc vào sàn thương mại điện tử

author 18:56 25/12/2024

(VietQ.vn) - Các nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử đang tìm cách đa dạng kênh bán và tránh để doanh thu phụ thuộc quá nhiều vào các sàn có chi phí cao.

Lê Linh - một nhà bán hàng online các sản phẩm thời trang chia sẻ rằng TikTok và Threads là những kênh tiếp thị cô ưu tiên để tiếp cận khách hàng. Với kênh bán, cô chọn Instagram và Zalo Business thay vì các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada hay TikTok Shop.

"Các sàn thương mại điện tử ở Việt Nam "không ổn" vì chiến lược "đốt tiền" qua khuyến mãi hấp dẫn khách hàng. Về đường dài, nhà bán khó có lợi nhuận bền vững và nhận thấy khi mới gia nhập thị trường, các sàn chỉ đưa ra mức phí sàn thấp để thu hút người bán”, Linh nói.

Tuy nhiên, khi thị trường cạnh tranh và người bán đã kinh doanh ổn định, phụ thuộc vào sàn để có doanh thu thì các sàn tăng phí. Đồng thời sẽ có nhiều chính sách vô tình gây bất lợi cho người bán như cho phép khách đổi trả hàng trong 15 ngày. Điều này có thể khiến người bán bị động về vốn lưu động và chịu phiền phức cho việc đổi trả hàng với các điều khoản không rõ ràng.

Không phủ nhận các sàn thương mại điện tử và nền tảng thương mại xã hội giúp nhà bán tiếp cận lượng lớn khách hàng. Đây cũng là kênh giúp tăng doanh số nhanh nhưng tùy chiến lược từng giai đoạn, họ phải chọn kênh bán phù hợp để tránh tình trạng có doanh số nhưng không có lợi nhuận.

Vifiba là câu chuyện điển hình về xu hướng đa kênh và giảm sự phụ thuộc vào sàn. Với đa số nhân viên Gen Z, có khi lướt TikTok Shop hơn ba tiếng mỗi ngày nên đội ngũ tự tin hiểu nền tảng này chen được vào "con sóng" vừa qua. Tuy nhiên, đây không phải kênh giúp thương hiệu gia dụng Vifiba có lợi nhuận tốt.

"Trong tất cả các kênh bán, TikTok Shop mang về doanh số cao nhất nhưng không phải là kênh mang về lợi nhuận tốt nhất", bà Nguyễn Thanh Thùy, CEO Vifiba chia sẻ.

Người tiêu dùng lên mạng tìm kiếm sản phẩm.

Bà Thùy cho biết, tổng mức phí công ty trả cho các sàn thương mại điện tử ở mức cao, với Lazada và Shopee khoảng 15%, trong khi TikTok Shop là 12,5%. Để bảo vệ lợi nhuận, Vifiba đang đa dạng hóa kênh bán, chú trọng hơn vào website công ty và Facebook.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan quan sát các doanh nghiệp tồn tại trên 3 năm thường không "all in" vào một kênh bán hàng. Vị này ước tính sàn thương mại điện tử chiếm khoảng 40% doanh số, trong khi website của thương hiệu đóng góp 13% và kênh Meta (như Facebook) chiếm 31%. "Kênh Meta không phải nơi tạo ra đơn nhiều nhất nhưng lại mang lại lợi nhuận cao", ông Tấn cho biết.

Bênh cạnh đó, ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc Bộ phận Market Insights, YouNet ECI cũng nhìn nhận các gian hàng chính hãng đang ngày càng chiếm ưu thế trên sàn TMĐT. Từ cuối năm 2022 tới nay, các thương hiệu đã có xu hướng mở gian hàng chính hãng trên sàn TMĐT. Việc xây gian hàng chính hãng trên sàn giúp các thương hiệu vừa mở rộng kênh phân phối vừa đảm bảo trải nghiệm mua sắm tốt nhất cho khách hàng.

"Về phía người tiêu dùng, khi nhu cầu mua sắm trên TMĐT ngày càng tăng thì hiển nhiên yêu cầu về chất lượng sản phẩm và dịch vụ cũng sẽ cao hơn trước và gian hàng chính hãng sẽ là địa chỉ đáng tin cậy để họ lựa chọn mua sắm"- ông Lâm nhìn nhận. Chính vì thế, theo ông và cả nền tảng Metric, các doanh nghiệp cần chuẩn bị chiến lược kinh doanh rõ ràng, sẵn sàng ứng biến với mọi kịch bản có thể xảy ra.

Tuy nhiên, khâu chính sách nên có những hỗ trợ hiệu quả hơn cho các DN Việt trong việc bán hàng trên “sân nhà” từ kênh ngoại tuyến cho đến trực tuyến. Nhất là cần tránh hạn chế các cơ hội kinh doanh của DN nội địa khi vẫn còn có xu hướng chồng chéo ở khâu thủ tục.

Điều này có thể thấy rõ như đề xuất mới đây của Bộ Công Thương về việc bổ sung lĩnh vực “Dịch vụ TMĐT do nền tảng số trung gian quy mô lớn hoặc rất lớn cung cấp” vào Danh mục phải đăng ký tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Nói chung, vẫn còn những mối lo cho hàng Việt nhìn từ câu chuyện hàng ngàn nhà bán hàng rời bỏ sàn TMĐT lớn cho đến thách thức từ hàng Trung Quốc giá rẻ cùng yếu tố “ngầm” phía sau hành vi chuyển kênh mua sắm… Tất cả là “bài toán” cần DN Việt và nhà quản lý nên có giải pháp hữu hiệu hơn.

Thanh Hiền (t/h) 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang