Hoạt động sản xuất công nghiệp từng bước hồi phục sau ‘mở cửa’

author 09:10 16/11/2021

(VietQ.vn) - Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiên tính đến nay ngành công nghiệp đã có sự hồi phục nhất định. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 3,3%, cao hơn tốc độ tăng 2,7% của cùng kỳ năm ngoái.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiên ngành công nghiệp cũng đã có sự hồi phục nhất định. Tính chung 10 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tính tăng 3,3%, cao hơn tốc độ tăng 2,7% của cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm nghiệp Việt Nam (VIFOREST) cho biết, hầu hết doanh nghiệp ngành gỗ đã sản xuất trở lại với công suất đạt 70 - 80% so trước dịch; lượng lao động quay lại làm việc cũng được khoảng 75%. Hiệp hội và các địa phương thường xuyên có hoạt động đối thoại giúp đẩy nhanh tiến độ phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp. Nhờ đó, chỉ số xuất khẩu của ngành tăng dần từ đầu tháng 10 vừa qua.

Điều này cho thấy, dù ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, nhưng ngành gỗ đã hồi phục nhanh chóng, có thể đạt mục tiêu 14,5 tỷ USD xuất khẩu Chính phủ giao cho năm 2021. Đồng thời, một số ngành như dệt may, da giày, công nghiệp chế biến chế tạo... cũng đang dần có những dấu hiệu khởi sắc...

Hoạt động sản xuất công nghiệp đã dần hồi phục sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128. Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đánh giá, nhìn chung hoạt động sản xuất công nghiệp sau “mở cửa” đã dần hồi phục. Tuy nhiên, ngành công nghiệp vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề do một số địa phương vẫn tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch cao hơn quy định tại Nghị quyết số 128/NQ-CP và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Một số địa phương cũng chậm ban hành hướng dẫn mới, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong phục hồi sản xuất, nhất là các quy định phòng, chống dịch khắt khe đã khiến nhiều doanh nghiệp thiếu lao động.

Việc xử lý, tháo gỡ, khôi phục sản xuất tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, khiến doanh nghiệp bị đình trệ quá lâu, đã và đang tác động tiêu cực đến hồi phục sản xuất và tăng trưởng kinh tế đất nước.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đánh giá, chính sách chống dịch giữa các địa phương đã được cải thiện nhiều, nhưng vẫn còn hạn chế và không phù hợp Nghị quyết 128/NQ-CP, khiến nỗ lực mở cửa kinh tế và kêu gọi đầu tư nước ngoài chưa mang lại hiệu quả. Chính phủ kêu gọi đầu tư nước ngoài nhưng các chuyến bay quốc tế chưa được khôi phục, nhà đầu tư, chuyên gia hay thậm chí cả người Việt Nam ở nước ngoài cũng không thể nhập cảnh.

Với sản xuất trong nước, hàng hóa và con người cũng chưa thể lưu thông liên tỉnh thông suốt. Nếu muốn thu hút đầu tư nước ngoài, phải có cách mở cửa chính sách nhịp nhàng, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Cần có cơ quan đặc biệt chuyên rà soát và đồng bộ chính sách, vừa loại bỏ những hạn chế không đáng có, các quy định chống dịch trái Nghị quyết 128/NQ-CP của các địa phương, vừa bảo đảm chống dịch, khôi phục kinh tế cũng như thu hút đầu tư FDI trở lại.

Vì vậy, thời gian tới, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu và năng lượng đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ cao nhất các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng. 

Đồng thời, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại (FTA) đã và đang thực hiện để thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước và nước ngoài, đẩy mạnh thương mại điện tử, tăng cường kết nối giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối, tiêu thụ.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang