Hơn 86 triệu mối đe dọa bảo mật từ thiết bị nội bộ được phát hiện tại Việt Nam

author 15:44 22/02/2025

(VietQ.vn) - Trong năm 2024 đã có tổng số 86.233.675 sự cố liên quan đến mối đe dọa bảo mật từ thiết bị nội bộ được phát hiện tại Việt Nam, gây ảnh hưởng đến 52,1% người dùng.

Sự kiện: AN TOÀN THÔNG TIN

Tình hình và xu hướng mối đe dọa bảo mật nội bộ tại Việt Nam

Trong năm 2024, Việt Nam ghi nhận 86.233.675 sự cố liên quan đến mối đe dọa bảo mật từ thiết bị nội bộ, ảnh hưởng đến 52,1% người dùng, giảm đáng kể so với 114.802.178 sự cố năm 2023 và giảm gần 65% so với hơn 250 triệu sự cố năm 2020.

Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Công ty an ninh mạng Kaspersky Security Network (KSN), các mối đe dọa này xuất phát từ phần mềm độc hại xâm nhập qua tệp tin nhiễm virus, thiết bị lưu trữ di động, chương trình cài đặt phức tạp hay tệp mã hóa, cùng với các mã độc được phát hiện trong quá trình quét ban đầu.

Xu hướng giảm sút cho thấy nhận thức an ninh mạng của người dùng được nâng cao, đồng thời minh chứng cho hiệu quả của các biện pháp bảo mật do Chính phủ và doanh nghiệp triển khai.

Ông Adrian Hia – Giám đốc Điều hành Kaspersky khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhận định “sự nỗ lực của Chính phủ trong nâng cao nhận thức và cải thiện hệ thống an ninh mạng cùng tinh thần tự bảo vệ của người dùng đã góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu mối đe dọa từ thiết bị nội bộ”.

Đáng chú ý, năm 2024 còn ghi nhận xu hướng lây nhiễm mã độc mới qua các thiết bị USB, khi mã độc không chỉ đánh cắp dữ liệu mà còn hoạt động như worm lây lan qua thiết bị khác, khiến ông Hia khuyến nghị người dùng triển khai giải pháp chống virus, thiết lập tường lửa và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng USB, CD hay DVD.

Thách thức và giải pháp đối phó với mối đe dọa an ninh mạng trong tương lai

Năm 2025 dự báo Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều thách thức mới về an ninh mạng. Các vụ tấn công mạng có tính gián điệp, phá hoại ngày càng tinh vi với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) – từ tấn công APT, spyware cho đến ransomware nhắm vào hệ thống điều khiển công nghiệp, xe tự hành, drone và các thiết bị khác.

Sự xuất hiện của siêu máy tính và chip lượng tử với khả năng tính toán khủng mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn cho hệ thống mã hóa, đồng thời gia tăng nguy cơ trộm cắp qua ví điện tử, sàn giao dịch hay thanh toán tiền chuộc. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp và tổ chức cần đầu tư mạnh vào các giải pháp tiên tiến như ứng dụng AI và thông tin tình báo an ninh mạng để phát hiện và ứng phó kịp thời.

Đồng thời, nguồn nhân lực an ninh mạng tại Việt Nam đang gặp khó khăn với hơn 20,06% đơn vị chưa có nhân sự chuyên trách và 35,56% chỉ bố trí không quá 5 người, không đáp ứng yêu cầu của mô hình giám sát SOC 24/7 (tối thiểu từ 8 đến 10 vị trí). Các trường đào tạo hiện nay chưa đủ đáp ứng nhu cầu về chất lượng và kinh nghiệm thực tiễn, khiến nhiều doanh nghiệp đánh giá thấp tầm quan trọng của an ninh mạng.

Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khuyến nghị các cơ quan, doanh nghiệp cân nhắc thuê ngoài dịch vụ giám sát SOC và thúc đẩy xây dựng các bộ tiêu chuẩn, chứng nhận cùng hệ thống đánh giá nhân lực.

Ngoài ra, việc sử dụng sản phẩm “Make in Vietnam” trong lĩnh vực an ninh mạng hiện chỉ đạt khoảng 24,77% cho thấy sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài vẫn đáng kể. Nhiều quốc gia đã khuyến khích, thậm chí quy định bắt buộc sử dụng sản phẩm nội địa trong các lĩnh vực trọng yếu để giảm thiểu rủi ro gián điệp và chiến tranh mạng, đồng thời thúc đẩy đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Vũ Ngọc Sơn – Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhấn mạnh: "Tình trạng tấn công mạng hiện nay đòi hỏi nâng cao nhận thức và đầu tư vào các giải pháp an ninh mạng tiên tiến, cùng thúc đẩy sự hợp tác giữa Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng công nghệ để bảo vệ không gian mạng quốc gia và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong kỷ nguyên số”.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang