Sản phẩm tai nghe, loa giả mạo các nhãn hàng nổi tiếng bán tràn lan trên Facebook
Chuyên gia nêu giải pháp xây dựng thương hiệu Việt tại thị trường CPTPP
Cần có quy định hoàn chỉnh tại Luật KH&CN về đổi mới sáng tạo
Tai nghe cũng được trang bị thiết bị lọc không khí và ô nhiễm không khí
Theo ghi nhận của VietNamNet, tai nghe giả mạo đang được bán tràn lan trên Facebook trong thời gian qua, thậm chí những người bán hàng giả còn chạy chiến dịch quảng cáo tràn ngập Facebook một cách rất chuyên nghiệp.
Nhiều sản phẩm tai nghe của các nhãn hàng nổi tiếng bị làm giả
Tại thị trường của Việt Nam số lượng thiết bị điện tử hàng giả, hàng nhái kém chất lượng đang chiếm số lượng rất lớn. Bên cạnh những thương hiệu uy tín chuyên bán đồ chính hãng vẫn không thiếu những cửa hàng bán những thiết bị không rõ nguồn gốc, chất lượng sơ sài nhưng vẫn dán nhãn của những thương hiệu nổi tiếng.
Dạo qua một vòng các cửa hàng cung cấp những sản phẩm máy móc sẽ dễ dàng tìm kiếm cho mình những chiến tai nghe với thiết kế và màu sắc ấn tượng, đẹp mắt thậm chí là được gắn logo của những thương hiệu lớn. Nhiều loại tai nghe được sản xuất tại Trung Quốc đưa vào thị trường Việt Nam và chào hàng bằng từng thùng. Nếu chịu khó tìm kiếm trên các trang mạng Trung Quốc hoặc hàng Trung Quốc trên website Việt Nam các con buôn sẽ tìm được nguồn hàng với mức giá chỉ với 20.000 – 40.000 vnđ/cái.
Phản hồi thông tin trên, đại diện Ash Asia Việt Nam cho biết, thiết bị âm thanh của Marshall hiện được phân phối tại khu vực Đông Nam Á, chính hãng duy nhất thông qua Ash Asia. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những sản phẩm loa và tai nghe Marshall giả mạo được quảng cáo tràn lan trên thị trường với những thông tin sai lệch được truyền thông mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội.
Theo công ty nghiên cứu thị trường, hơn 90% sản phẩm loa và tai nghe Marshall được rao bán trên thị trường có dấu hiệu là hàng giả. Những sản phẩm Marshall giả mạo tuy có mẫu mã tương tự hàng chính hãng nhưng không đạt tiêu chuẩn về chất lượng âm thanh và độ an toàn sản phẩm.
Nhiều sản phẩm tai nghe giả mạo các nhãn hàng nổi tiếng bán tràn lan trên mạng
Theo đại diện Ash Asia, trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… xuất hiện rất nhiều các cửa hàng bán sản phẩm âm thanh của Marshall không chính hãng và đa phần là hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Mặc dù hằng tháng phía nhà phân phối đã làm việc với các sàn này để gỡ bỏ rất nhiều cửa hàng bán sản phẩm vi phạm, tuy nhiên, không thể xử lý một cách triệt để, khi gỡ được cửa hàng này thì cửa hàng khác lại mọc lên.
Thêm vào đó, gần đây trên Facebook cũng liên tục xuất hiện các quảng cáo bán hàng giả mạo liên quan đến các thiết bị âm thanh của Marshall, thậm chí nhiều quảng cáo bán các sản phẩm tai nghe giảm giá đến 70%. Nhưng thực tế, hoàn toàn không có chiến dịch giảm giá nào như vậy từ hãng.
Có một điều đáng chú ý, do quy định nghiêm ngặt của hãng âm thanh này, tại Đông Nam Á, ngay cả Ash Asia cũng không được dùng thương hiệu Marshall một cách chính danh. Do đó, các website có tên miền liên quan đến "Marshall" tại cả Việt Nam và Thái Lan đều không phải của hãng, cũng như các đơn vị phân phối chính hãng sản phẩm này.
Đại diện Ash Asia cho biết, đây là hành vi vi phạm bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ khi không có sự cho phép từ tập đoàn Marshall toàn cầu. Điều này đã gây hoang mang cho người tiêu dùng và gây ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của Marshall.
Thực tế, việc kinh doanh các thiết bị, phụ kiện công nghệ hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc tại Việt Nam không mới. Chẳng hạn như hãng phụ kiện Baseus được Thế Giới Di Động phân phối độc quyền tại Việt Nam hiện nay, nhưng hàng bán online vẫn tràn ngập, thậm chí nhiều nơi còn ghi là “độc quyền”, hay được đưa vào các gian hàng cam kết chính hãng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada… Đại diện hãng này cho biết, đó không phải là các sản phẩm được uỷ quyền bán ra bởi hãng.
Theo đó, Baseus trên các sàn thương mại điện tử chỉ có một gian hàng bán online duy nhất là Baseus Official Mall. Còn lại, kể cả các gian hàng được các sàn thương mại điện tử xác nhận bán hàng chính hãng như trên Shopee Mall hay Lazada Mall đều không được uỷ quyền từ hãng.
Không chỉ riêng Marshall hay Baseus, trong thời gian qua, trên Facebook liên tục xuất hiện các chiến dịch bán sản phẩm công nghệ liên quan đến âm thanh như tai nghe, loa hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc… được tổ chức rất chuyên nghiệp. Các chiến dịch này chạy quảng cáo rầm rộ trên Facebook với nội dung giảm giá 50-70%, các sản phẩm từ vài triệu đồng chỉ còn vài trăm ngàn đồng. Hàng được giới thiệu trên các website tên miền quốc tế với tên thương hiệu của hãng kèm chữ "store" để khách đăng ký mua sản phẩm, chờ mở bán chính thức…
Sau tai nghe Marshall, mới đây nhất đến phiên hãng âm thanh nổi tiếng của JBL cũng nằm trong chiến dịch này. Cụ thể, trên Facebook liên tục xuất hiện quảng cáo từ fanpage JBL Store Vietnam, với nội dung “nhận deal giảm giá cực lớn lên tới 75% cho 1.000 khách hàng đầu tiên đặt hàng qua website tên miền quốc tế có tên jblvietnamstore”.
Tuy nhiên, đại diện truyền thông của JBL cho biết, hoàn toàn không có cái gọi là JBL Store Vietnam như trên và sẽ báo cáo lại cho bộ phận pháp chế của hãng để xử lý việc giả mạo này.
Tinh vi hơn, trước đó trên Facebook xuất hiện một loạt quảng cáo về việc vị chủ tịch Samsung muốn bán 3.000 tai nghe Samsung với giá cực rẻ đã khiến nhiều khách hàng mắc bẫy.
Để hút khách, trang trên nền tảng Facebook còn trưng các mẩu quảng cáo dùng logo, tên trang tương tự các đài truyền hình, kênh tin tức. Ngang nhiên hơn, các trang này còn ghép hình mua sắm khuyến mãi tại các cửa hàng thời trang trong các siêu thị rồi cho rằng đó là hình giới trẻ đi mua... tai nghe.
Một thương hiệu khác cũng thường xuyên bị mạo danh là Apple. Để tăng tính thuyết phục, nhiều trang còn mạo danh luôn cả những hệ thống bán lẻ như FPT Shop, Di Động Việt, CellphoneS, 24hStore... Đến nỗi, một khách hàng mua điện thoại iPhone và phát hiện máy giả mang thẳng đến hệ thống bán lẻ 24hStore để khiếu nại.
Tác hại từ tai nghe giả, kém chất lượng
Cùng với chiến dịch truy quét mặt hàng công nghệ kém chất lượng được Cục quản lý thị trường TP HCM, TP. Hà Nội thực hiện, những sản phẩm tai nghe này dần lộ mối nguy hiểm đe doạ cho người tiêu dùng. Mổ xẻ 1 sản phẩm tai nghe, những sản phẩm này không hề có gắn ACL – loại chip ngắt âm cho phép người dùng thay đổi cường độ của âm thanh và phòng tránh khả năng âm thanh vượt tần số cao, gây hại cho thính giác của người sử dụng.
Không dừng ở đó, kết quả thu nhận được từ khâu kiểm nghiệm hóa chất đối với chất liệu lớp cao su bao bọc chiếc tai nghe không dây lẫn có dây này đã cho thấy: Đây là các chất hóa dẻo được tạo từ tính hóa học như DOP (Dioctyl Phthalate), DEP (Diethyl phthalate), DBP (dibutyl Phthalate). Tất cả chúng đều mang một điểm chung là chất hóa học được tái sử dụng nhiều lần, mang mầm mống rõ rệt của bệnh ung thư nếu tiếp xúc với lớp da trong thời gian dài.
Sử dụng các loại tai nghe kém chất lượng về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất xấu tới thính giác người sử dụng. Đặc biệt với những loại tai nghe với linh kiện bên trong thiết kế sơ sài, không có gắn chip ngắt âm thì người dùng sẽ rất khó để kiểm soát cường độ âm thanh trong quá trình trải nghiệm.
Khi phải nghe âm có cường độ lớn trên 110 dB (dexibel, bel là đơn vị để đo cường độ âm), các tế bào thần kinh sẽ bị tổn thương và do đó làm gián đoạn quá trình truyền thông tin. Hậu quả là người nghe sẽ mất cảm giác thính giác hay chúng ta gọi là điếc. Một khả năng nữa là người nghe có thể bị ù tai hay thuật ngữ y học gọi là cảm giác bóng ma.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), người dùng có thể căn cứ vào một số dấu hiệu để nhận biết các chiêu trò rao bán hàng giả và hàng nhái. Đầu tiên là giá quá rẻ. Song song đó có thể là chiêu "số lượng giới hạn" để khuyến khích khách mua hàng ngay lập tức. Để thêm thuyết phục, các sản phẩm nhận được đánh giá và nhận xét tích cực một cách quá mức, không tự nhiên...
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng nên kiểm tra thật kỹ thông tin về sản phẩm, giá bán từ nhiều nguồn khác nhau để có sự so sánh. Người dùng cũng nên kiểm tra thông tin về người bán, bao gồm địa chỉ, số điện thoại và nhận xét từ người mua khác trên các trang web đáng tin cậy. Người dùng có thể kiểm tra tài khoản của người bán trên mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử. Nếu tài khoản ít hoặc không có thông tin cá nhân, hoạt động mới hoặc không có đánh giá... là dấu hiệu về nguy cơ lừa đảo. Dù mục đích hoặc ngân sách mua tai nghe như thế nào thì việc lựa chọn 1 chiếc tai nghe chính hãng là điều kiện tiên quyết để bảo vệ sức khoẻ cho chính người dùng, đảm bảo chất lượng âm thanh tốt nhất khi sử dụng.
An Dương (T/h)