Hợp tác, kết nối nâng cao thương hiệu nông sản Tây Nguyên

author 15:59 25/09/2021

(VietQ.vn) - Với đất đai màu mỡ, Tây Nguyên có nhiều nông sản chất lượng hàng đầu thế giới. Doanh nghiệp trong nước cần liên kết, hợp tác với nhau để nâng cao thương hiệu cho nông sản Tây Nguyên cả thị trường trong và ngoài nước. Cần xây dựng chuỗi liên kết, tạo nguồn cung ổn định để thúc đẩy tiêu dùng và xuất khẩu nông sản Tây Nguyên.

Đây là ý kiến của các doanh nghiệp tại Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản khu vực Tây Nguyên sáng 25/9/2021. Diễn đàn có sự tham dự của đại diện 5 tỉnh Tây Nguyên là Đăk Lăk, Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum và tỉnh Đăk Nông. 

Trái bơ Tây Nguyên được người tiêu dùng ưa chuộng 

Nông sản Tây Nguyên được thị trường ưa chuộng 

Các doanh nghiệp cho biết, trong khi các tỉnh Tây Nguyên đang lo lắng về đầu ra cho nông sản chủ lực của tỉnh như quả bơ, sầu riêng, chanh leo... thì các doanh nghiệp lại đang thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến tiêu dùng và xuất khẩu. 

Ông Đinh Cao Khuê- Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng đến nay, khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu hoa quả của DOVECO tại Ninh Bình, Sơn La cũng như Tây Nguyên vẫn được duy trì hoạt động ổn định, không bị đứt gãy. Trung bình mỗi ngày, DOVECO tiêu thụ khoảng 200 - 250 tấn hoa quả các loại. 

Theo ông Đinh Cao Khuê, vấn đề về vùng nguyên liệu tại khu vực Tây Nguyên cần được quan tâm nhiều hơn. Hiện nay ở Tây Nguyên, Công ty chỉ có 11.000 ha diện tích trồng chanh leo cung cấp cho 4 nhà máy chế biến. Sắp tới tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng sẽ diễn ra. Trong khi đó hiện nay sản phẩm từ chanh leo của Việt Nam chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu thế giới. Chính vì vậy các địa phương, đơn vị ở khu vực Tây Nguyên cần tiếp tục trồng và phát triển chanh leo theo quy mô lớn- ông Đinh Cao Khuê kiến nghị. 

Ngoài ra, tại Tây Nguyên, hiện DOVECO còn có 1.200 ha trồng dứa tại Gia Lai. Quả dứa trồng tại Tây Nguyên có đặc điểm ít sâu bệnh, năng suất cao với 45-70 tấn tùy loại. Với mức tiêu thụ 200-250 tấn/ngày của DOVECO, thời gian tới, công ty sẽ cung cấp giống và sẵn sàng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với những vùng nguyên liệu. 

Với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu, bà Ngô Tường Vy- Phó Giám đốc cho hay, trong 1 năm trở lại đây, Công ty Chánh Thu từ chỗ chỉ có thị trường Trung Quốc, công ty đã mang quả sầu riêng của Việt Nam sang các thị trường khó tính như Nhật, Úc… Tín hiệu rất khả quan khi người tiêu dùng các nước đã thay đổi sự ưa chuộng sầu riêng Musang King của Malaysia sang sầu riêng Ri6 của Việt Nam. 

Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu cũng cho biết, quả chanh dây tại Tây Nguyên là sản phẩm rất đáng được quan tâm. Nhu cầu quả chanh dây tươi của thế giới lớn. Các tỉnh Tây Nguyên cần có những đề án hỗ trợ bảo quản sau thu hoạch để có thể xuất khẩu. 

Đại diện Sài Gon Co.op cho rằng, nông sản phẩm Tây Nguyên hoàn toàn có thể đưa ra thị trường quốc tế. Hiện đơn vị này đã tiêu thụ được nông sản Tây Nguyên ở Singapore. Chúng tôi cam kết ưu tiên hợp tác xã nông nghiệp có chứng nhận OCOP. Rất mong các địa phương hỗ trợ về quy hoạch vùng trồng. 

Còn bà Trần Kim Nga- Giám đốc Đối ngoại Mega Market cho hay, hiện nay 5 tỉnh Tây Nguyên là nguồn cung lớn cho siêu thị của Mega Market, đặc biệt là Lâm Đồng với 15.000 tấn rau củ quả, Đăk Lăk là bơ, chanh leo, sầu riêng, Đăk Nông là chanh leo, khoai lang. Hiện Mega Market đang làm việc với tỉnh Gia Lai và Kon Tum để mở rộng nguồn cung nông sản. 

Doanh nghiệp, nhà quản lý đồng hành 

Theo Chủ tịch HĐQT DOVECO, để tìm được vùng đất màu mỡ như Tây Nguyên là rất khó. Nếu khắc phục được công tác tưới tiêu trong mùa khô thì khó có vùng đất nào có những lợi thế, điều kiện thuận lợi như Tây Nguyên. Thị trường thế giới có nhu cầu rất cao với sản phẩm hoa quả nhưng sức chế biến của Việt Nam vẫn chưa cao. Chính vì thế các doanh nghiệp trong nước cần liên kết, hợp tác với nhau để tận dụng tốt những lợi thế của Tây Nguyên, đẩy mạnh xuất khẩu chế biến hoa quả tươi. 

Bên cạnh đó, DOVECO cũng đang có nhu cầu số lượng lớn đối các loại hoa quả xoài Đài Loan, xoài keo, bơ… Công ty sẵn sàng cung cấp hợp đồng bao tiêu lâu dài cho các vùng nguyên liệu tại Tây Nguyên. 

Công ty Chánh Thu cho hay, sẽ đồng hành cùng các HTX trong tư vấn kỹ thuật, chịu trách nhiệm về vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi liên kết, tạo nguồn cung ổn định để thúc đẩy xuất khẩu. Xác định quả sầu riêng sẽ là sản phẩm xuất khẩu chủ lực thời gian tới, Công ty đã đầu tư nhà máy công suất lớn với 300-500 tấn/ngày. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất vẫn là nguồn nguyên liệu đầu vào. Hy vọng trong mùa vụ tới, tỉnh Đăc Lăk có thể cung cấp được cho Chánh Thu 3.000 tấn sầu riêng, qua đó xây dựng tư duy về nguồn cung ổn định nơi người nông dân. Công ty đang phấn đấu để xây dựng thương hiệu sản phẩm sầu riêng OCOP 5 sao, từ đó quảng bá sang các thị trường khó tính nhưng vô cùng tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản. 

Ông Paul Lê- đại diện Central Retail cho biết, để kết nối với 5 tỉnh Tây Nguyên, hệ thống siêu thị sẽ hỗ trợ tất cả sản phẩm OCOP để đưa đến với người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, Tây Nguyên cũng có nhiều sản phẩm hàng đầu thế giới, do đó doanh nghiệp sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất về bao bì và thương hiệu để tiếp cận tốt hơn với khách hàng nước ngoài. 

Theo đại diện Central Retail, điều cần làm hiện nay là chúng ta phải hợp tác với nhau để làm sao nâng cao được thương hiệu cho các nông sản của Tây Nguyên. Trong tương lai, Central Retail sẽ xây dựng thêm nhiều trung tâm thương mại thương hiệu GO! để giúp người tiêu dùng Đông Nam Á tiếp cận sản phẩm Việt Nam và ngược lại. 

Tại Diễn đàn, nhiều doanh nghiệp đã ký kết hợp tác với các địa phương và đơn vị ở khu vực Tây Nguyên bao tiêu nông sản. Điển hình như UBND tỉnh Đăk Lăk và Kon Tum ký hợp tác kết nối cung cầu nông sản với hệ thống siêu thị MM Mega Maket; chuỗi cửa hàng Bác Tôm ký hợp tác với UBND tỉnh Gia Lai và HTX Thành Đạt (Lâm Đồng); Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm, thuỷ sản Đăk Lăk ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Hữu cơ Việt Nam... 

Nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đề nghị, tiếp tục đẩy mạnh chương trình kết nối nông sản, đưa các hoạt động đi vào thực chất. Cần tiếp tục đưa Diễn đàn kết nối thành 'chợ phiên' thường xuyên của nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà sản xuất. 

Đặc biệt, vấn đề vùng nguyên liệu rất quan trọng và cần được quan tâm nhiều hơn. Các địa phương và Sở NN&PTNT các tỉnh Tây Nguyên cần rà soát lại các vùng nguyên liệu để xây dựng những chuỗi mô hình liên kết gắn với hoạt động của HTX, qua đó đảm bảo vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Không để tồn tại mâu thuẫn là địa phương nói còn hàng rất nhiều, nhưng doanh nghiệp lại kêu thiếu nguyên liệu sản xuất- Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang