Vụ học sinh bị đình chỉ học viết thư cầu cứu Chủ tịch nước: Người lớn hãy nhìn lại!

author 09:59 21/02/2014

(VietQ.vn)- Yêu cầu về hộ khẩu là không sai nhưng trong từng trường hợp cụ thể cần có phương án xử lý hợp lý, đặt quyền lợi của trẻ em lên hàng đầu.

Tới bây giờ, khi đã có quyết định chính thức về vụ việc Đỗ Hồng Sơn, đang là HS lớp 11 Trường THPT Trần Hưng Đạo phải chuyển sang trường dân lập vi gia đình chưa nhập hộ khẩu HN, dư luận vẫn đặt câu hỏi: Lý là vậy song đã đúng tình chưa?

Nhìn lại câu chuyện của Đỗ Hồng Sơn, GS Văn Như Cương với tư cách là một hiệu trưởng cũng cho rằng, lãnh đạo nhà trường THPT Trần Hưng Đạo cũng có cái khó nếu giữ Sơn ở lại: “Quy định đã có, trường phải làm đúng luật. Trường có thể nhân nhượng nhưng Sở có thể không. Chỉ vì 1 trường hợp mà dẫn tới sai phạm cũng có thể bị Sở rút chỉ tiêu tuyển sinh năm sau thì cũng gay đấy…”, GS Cương nói.

Tuy nhiên, xét về góc độ sư phạm, GS Văn Như Cương bày tỏ đáng tiếc cho cách xử lý của nhà trường: “Đây là trường hợp đặc biệt, vì không bao lâu nữa gia đình sẽ xin nhập được hộ khẩu, hơn nữa, em đã theo học tới hơn 1 năm, chúng ta nên có hướng xử lý linh hoạt, không nên cứng nhắc. Thật đáng tiếc và không nên chút nào  bỏ một học sinh trong khi em muốn theo học… ”, vị GS già ngậm ngùi.

Sở GD-ĐT Hà Nội vừa quyết định Sơn phải chuyển sang trường tư nếu muốn theo học tiếp

Đồng tình với ý kiến trên, GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc Hội, cho rằng: Yêu cầu về hộ khẩu là không sai nhưng tùy từng lý do cụ thể, trong từng trường hợp cụ thể cần có phương án xử lý hợp lý, đặt quyền lợi của trẻ em lên hàng đầu.

“ Đối với trường hợp em Sơn, không phải là hàng trăm, hàng nghìn em thiếu hộ khẩu xin vào học trường đó, cũng không phải trường đó thiếu thốn đến mức không đủ 1 chỗ chỗ cho 1 em học. Vì vậy, quyết định dừng học đối với em là cứng nhắc, thiếu cái tình.”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

Theo GS Thuyết, mối quan hệ thầy trò ngoài việc truyền thụ kiến thức còn có tình cảm. Sơn không phải là một học sinh vô kỷ luật, thiếu đạo đức, ngược lại đây là học sinh ngoan hiền, học tốt vậy chẳng có lý do gì để bị đuổi học. “Đã không nhận thì không nhận ngay từ đầu, nhận rồi lại đuổi, tổn thương và làm chấn động tâm lý học sinh nghiêm trọng.”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc Hội nói.

Về quy định học sinh muốn học trường công phải có hộ khẩu Hà Nội, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, quy định như vây  đã lạc hậu. Kiến nghị để nghị Bộ công an thay đổi cách quản lý công dân bằng thẻ đã lâu, nhưng vẫn chưa làm được vì thiếu trình độ kỹ thuật.

“ Đáng lý ra, trẻ em ở đâu thì có quyền được học mới đúng, nhưng do điều kiện cơ sở vật chất trường lớp của chúng ta chưa đủ nên các TP lớn mới “mọc” ra các quy định về hộ khẩu để hạn chế. Có luật, tất người ta sẽ tìm cách lách luật được, ví như chuyện chạy trọt, tìm người bảo hộ…để được nhập khẩu và nó vô hình tạo kẽ hở cho  tham nhũng”, GS Thuyết phân tích.

Theo ông Thuyết, “người lớn” hãy nhìn lại phân tích sẽ thấy không phải tự nhiên người dân ở các tỉnh khác cho cả con cái lên đây để học hành. “Thông thường thì bố mẹ đi làm còn con cái ở nhà với ông bà. Trường hợp như Sơn là cá biệt, chỉ có những trường hợp họ có khả năng nhập cư sớm hoặc muộn thì họ mới cho con cái lên thôi”.

Qua đây, ông Thuyết kiến nghị TP Hà Nội cần xem xét lại quy định trên để tránh thiệt thòi cho con trẻ. “Giải pháp xa hơn là cần đầu tư xây dựng hệ thống trường lớp đầy đủ để mọi học sinh có thể đến trường mà không bị đuổi học chỉ vì những chính sách rườm rà”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

 

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang