Hương vị Tết Hà thành

author 07:26 11/02/2024

(VietQ.vn) - Hương xuân chạm ngõ Hà thành là lúc mà trời cũng sáng dần lên, những đợt rét đậm, rét hại thưa, không còn kéo dài. Buổi sáng ngày cuối năm, mưa bụi lất phất, trời ấm và ẩm. Trên khắp các cánh đồng của làng Nhật Tân đào hé nụ. Với những người con Hà thành Tết luôn có hương vị riêng mà dù đi đâu xa thì khi thời khắc đất trời giao hòa, chuyển mình ai ai cũng nao nao nhớ về.

Tết Hà thành luôn hiển hiện trong tâm trí của những người con xa xứ mỗi độ gió xuân về. Hình ảnh những người mẹ rậm rịch với đám hành củ hăng mện để muối một vại dưa hành Tết ăn kèm giò mỡ chắc chắn khiến cho những người con xa quê chỉ muốn trở về thật nhanh bên chái bếp. Ở không gian đó, những ngày cận Tết luôn thơm ngào ngạt với đầy đủ các phong vị khách nhau. Mẹ cũng làm vài mẻ ô mai khế, táo dành đợi Tết đãi khách. Chị gái thì hì hục sên thêm một chút mứt gừng, mứt bí, mứt cà rốt bày biện ra khay để ngày Tết uống trà. Đám cúc chi ngoài sân nổ rộ, hái phơi khô làm túi thơm treo trước gió thế là Tết thơm mùi Giêng Hai.

Ngày Tết, bố làm nhiều loại giò: giò lụa, giò mỡ và cả giò bò nữa. Tết thì không thể thiếu bánh chưng. Tết ở Hà thành thường 2-3 nhà chung nhau một nồi nấu bánh. Ngày 27 tháng Chạp, các bà các mẹ rủ nhau đi chợ mua lá dong rửa và hong khô; đãi đỗ xanh, vo gạo cho ráo nước. Các ông bố thì hò nhau đụng lợn, chia đều ra từng phần đầy đủ các loại thịt, lòng mà phần nào cũng đầy ăm ắp. Sau đó thì làm những que thăm các gia đình chọn để không nhà nào tị nạnh nhà nào. Có một phần thịt chung nửa nạc, nửa mỡ để các bố ướp thịt, gói bánh chưng. Bánh nấu trên nồi sôi ùng ục chừng 12 giờ là chín. Bánh chưng chín chính là thời khắc của Tết về. Không ai bảo ai, chỉ cần nhìn thấy những chiếc bánh vuông vức, thơm lừng mùi lá là trong lòng mỗi người đều tự nhiều Tết đã hiển hiện rất rõ ràng. Một nồi bánh chưng chia đều cho mỗi nhà Mười cái ăn Tết.

 Xin chữ đầu năm là một trong những nét đẹp văn hóa của người Hà thành mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Tết Hà thành còn đặc trưng với những hương vị của các loại hoa trong vườn nhà. Nhà nào cũng có một bình vi ô lét cắm đan xen với thược dược điểm thêm vài cành dơn. Có một người bạn của tôi xa quê, năm nào cũng chỉ mong được về hít hà mùi hoa vi ô lét tím. Nó bảo, chỉ khi thấy mùi thơm thuần khiết ấy thì mới là lúc Tết về. Năm trước nó không được về Hà thành ăn Tết, nằng nặc đòi tôi gửi vài cành thược dược và vi ô lét vào miền Nam xa xôi. Thế là tôi lại tức tốc lên chợ hoa Quảng Bá và mua mỗi thứ một bó. Thật may, giờ các dịch vụ vận chuyển cũng phát triển mà chỉ buổi sáng gửi là chiều bạn tôi đã nhận được những sắc hoa chưng Tết. Nó mừng rỡ gọi video về khoe bình hoa vừa cắm và nhận định, có sắc tím của vi ô lét là năm nay thì nhà mới có Tết. Và rồi cả hai cùng ôn lại những kỉ niệm Tết xưa khi hồi bé hai đứa lon ton chạy dọc phố mỗi sáng mồng 1 để nhặt xác pháo. Nhớ về những ngày Tết khoe nhau chiếc áo mới màu đỏ màu, vàng và nhớ về mùi hương trầm của ngày đầu năm được mẹ dắt tay đi lễ ở phủ Tây Hồ.

Nhắc đến Tết Hà thành không thể không nhắn đến hương vị của mực Tàu. Cái mùi mực Tàu cũng giống như mùi trầm ấy nếu thiếu là vị Tết không trọn. Đã thành thông lệ, người Hà thành nhưng sớm đầu năm thường dẫn con cháu đến phố Ông Đồ để xin chữ. Mùi mực Tàu, mùi giấy điệp quyện với nhau tạo nên những nét chữ thanh thoát chính là nét văn hóa mà không phải nơi nào cũng còn lưu giữ được. Với người lớn, Tết thường xin chữ Thọ, chứ Phúc; với những người làm ăn kinh doanh buôn bán thì xin chữ Lộc, chữ Tín; còn với con trẻ thì xin chữ Tài, chữ Hiếu, chứ may. Nhiều người cũng đến xin chữ để gửi tặng bạn bè nơi phương xa. Mà lạ thay, cái mùi mực Tàu quyện với hương giấy đẹp tạo nên hương vị Tết mà ai cũng phải cũng phải nghiện. Hồi bé, đám trẻ con chúng tôi thường đi mài mực thuê cho các ông Đồ. Vậy nên, với những đứa trẻ Hà thành sống cạnh phố Ông Đồ, mùi mực Tàu còn đọng lại trong tâm trí với biết bao nhiêu kí ức của tuổi thơ. Những ngày Tết xưa, Tết cũ.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang