ISO 56000 - Bộ tiêu chuẩn hữu ích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ

author 06:30 25/10/2021

(VietQ.vn) - Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 có thể được áp dụng cho tất cả các tổ chức, bất kể loại hình, khu vực, mức độ trưởng thành hoặc quy mô.

Với sự khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, những định hướng cải thiện năng suất, khả năng cạnh tranh đã chuyển từ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, chất lượng sang đổi mới và tinh thần sáng tạo. Trong các doanh nghiệp đổi mới có thể được thực hiện đối với sản phẩm, dịch vụ, quá trình, thiết bị và công nghệ, phương pháp quản lý, mô hình kinh doanh và hầu như tất cả các khía cạnh của hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Việc áp dụng đổi mới có thể là những đổi mới nhỏ, đột phá hoặc triệt để. Với chu kỳ sống của sản phẩm ngày càng ngắn hơn, môi trường kinh doanh không ngừng phát triển, việc thúc đẩy mạnh mẽ và quản lý đổi mới đã trở nên không thể thiếu đối với tăng trưởng năng suất bền vững.

Theo đuổi sự đổi mới có thể sẽ là thách thức nếu không có sự hướng dẫn và tiêu chuẩn rõ ràng. Nhằm hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy đổi mới một cách có hệ thống, từ năm 2019, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã ban hành một số tiêu chuẩn liên quan đến quản lý đổi mới như thuật ngữ, công cụ và phương pháp. Các tiêu chuẩn này được bao gồm: cung cấp cơ sở từ vựng, các khái niệm cơ bản, các nguyên tắc quản lý đổi mới, và cách tiếp cận để thực hiện quản lý đổi mới một cách có hệ thống… Bộ tiêu chuẩn này có thể được áp dụng cho tất cả các tổ chức, bất kể loại hình, khu vực, mức độ trưởng thành hoặc quy mô. Bộ tiêu chuẩn đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp này thường thiếu bí quyết công nghệ, phương pháp quản trị và nguồn lực để thực hiện các hoạt động đổi mới.

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh minh họa

Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 tập hợp các quy trình vận hành tiêu chuẩn được thiết kế để cung cấp một khuôn khổ chung cho tất cả các tổ chức, bất kể loại hình, ngành nghề hoặc quy mô, để thực hiện thành công, duy trì và cải tiến liên tục hệ thống quản lý đổi mới. Bộ tiêu chuẩn đưa ra hướng dẫn chung đối với tất cả các loại hình đổi mới, như đổi mới sản phẩm, dịch vụ, quá trình, mô hình kinh doanh và phương pháp từ cải tiến nhỏ đến đổi mới triệt để, cũng như tất cả các phương pháp tiếp cận, như đổi mới nội bộ và đổi mới mở cho người dùng, thị trường, công nghệ, các hoạt động đổi mới dựa trên thiết kế, quản lý quan hệ đối tác trong đổi mới...  

ISO 56000 cho phép kết hợp với các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO khác nhau, như bộ tiêu chuẩn ISO 9000 về hệ thống quản lý chất lượng hay ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường,…

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 được thiết kế và soạn thảo bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế - cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế bao gồm các đại diện từ tổ chức tiêu chuẩn các quốc gia. Tổ chức này đã đưa ra các tiêu chuẩn thương mại và công nghiệp trên phạm vi toàn thế giới. Việc tiếp cận sớm với tiêu chuẩn ISO 56000 là cơ hội tạo ra lợi thế người dẫn đầu để vận hành quản lý đổi mới như là năng lực cốt lõi của tổ chức. Các tổ chức có thể áp dụng một cách linh hoạt để có thể hỗ trợ các sáng kiến và mục tiêu đổi mới của tổ chức trong khi vẫn có thể cải tiến các hệ thống quản lý của mình.

ISO 56000 hỗ trợ các doanh nghiệp

ISO 56000 cung cấp đầy đủ thông tin mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần để tạo ra một hệ thống đổi mới trong các tổ chức của họ. Theo Planbox, để đạt được mục tiêu quản lý đổi mới, các doanh nghiệp cần phân tích những năng lực cốt lõi của họ trong năm lĩnh vực sau:

Chiến lược: Làm thế nào để các nhiệm vụ phù hợp với các mục tiêu đổi mới của một doanh nghiệp? Các dự án sẽ hỗ trợ và nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo ra sao? Các công ty cần có một chiến lược rõ ràng và cụ thể để quản lý đổi mới.

Văn hoá: Làm thế nào để đổi mới đóng một vai trò trong công việc hàng ngày của một doanh nghiệp? Đổi mới có phải là một phần của văn hóa của một doanh nghiệp? Hay chỉ là một suy nghĩ thoáng qua?

Quá trình: Các doanh nghiệp cần nhiều lần đánh giá thành công của họ để phát triển các chiến lược quản lý đổi mới của họ. Đổi mới không nên chỉ được nuôi dưỡng ở giai đoạn não công mà phải được nuôi dưỡng trong suốt quá trình thiết kế và phát triển cho đến khi ra mắt sản phẩm.

Công cụ và kỹ thuật: Các doanh nghiệp cũng cần sử dụng các công cụ và kỹ thuật phù hợp (và thực hành tốt nhất) khi quản lý đổi mới.

Thước đo: Tổ chức sẽ đo lường và theo dõi các chiến lược quản lý đổi mới của họ như thế nào? Họ sẽ sử dụng những KPIs nào? Những kiến thức nào sẽ được tạo ra?

ISO 56000 tạo ra nguồn thông tin duy nhất để quản lý đổi mới và giúp các tổ chức nhận ra các mục tiêu đổi mới của họ. Tuy nhiên, cũng như với các tiêu chuẩn ISO khác, các doanh nghiệp cần thực hiện một cách tiếp cận chủ động và tìm các giải pháp thực hiện một cách tự động các chiến lược đổi mới của họ, cho dù đó là quản trị, theo dõi, quản lý hoặc báo cáo.

An Hạ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang