Johnson & Johnson tiếp tục bị kiện với cáo buộc phấn rôm gây ung thư buồng trứng

author 13:39 08/02/2023

(VietQ.vn) - Thời gần đây Johnson & Johnson (J&J) lại tiếp tục phải đối mặt với nhiều đơn kiện liên quan đến bột talc trong phấn rôm trẻ em. Người tiêu dùng nghi ngờ bột này nhiễm amiăng khiến họ bị ung thư buồng trứng.

Johnson & Johnson phải đối mặt với các vụ kiện ngày càng gia tăng trong khoảng một thập kỷ gần đây. Các nguyên đơn cáo buộc rằng bệnh ung thư buồng trứng hoặc ung thư trung biểu mô, một loại ung thư hiếm gặp ảnh hưởng đến lớp mô mỏng ở ngực và bụng, là do amiăng có trong phấn rôm trẻ em của công ty gây ra.

Cụ thể, bà Smith (Texas Two-Step, Mỹ) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng vào năm 2003, sau khi bác sĩ phát hiện ra khối u trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ u xơ tử cung. Bà trải qua 2 cuộc phẫu thuật và 3 đợt hóa trị khiến tóc rụng từng mảng. Đến nay, bà Smith phải đội tóc giả vì tóc không bao giờ mọc lại như cũ.

Theo đơn kiện của bà Smith, bà đã sử dụng phấn rôm trẻ em J&J để thấm hút mồ hôi và giữ cho làn da khô thoáng trong hơn 15 năm. Đến năm 2003, bà cũng từng sử dụng Shower to Shower, một sản phẩm chứa bột talc do J&J sản xuất trước đây.

Trong đơn kiện, bà Smith trích dẫn hơn 25 nghiên cứu được công bố từ năm 1982 đánh giá mối liên hệ giữa bột talc và nguy cơ ung thư buồng trứng.

Vụ kiện cáo buộc rằng gần như tất cả nghiên cứu đó đều ghi nhận rủi ro liên quan đến việc sử dụng bột talc trên vùng sinh dục. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá việc sử dụng bột talc là “có thể gây ung thư”.

Bà Smith đang yêu cầu J&J nhận án phạt và phải bồi thường chi phí y tế và đền bù cho những đau đớn mà bà trải qua. Bà cho biết căn bệnh ung thư đã thuyên giảm từ năm 2005.

Thông tin về các đơn kiện, J&J liên tục phủ nhận các sản phẩm làm từ bột talc của họ có chứa amiăng. Người phát ngôn của J&J cho biết: “Chúng tôi đảm bảo sự an toàn của phấn rôm trẻ em Johnson. Đó là sản phẩm an toàn, không chứa amiăng và không gây ung thư".

Tuy nhiên, cuộc điều tra năm 2018 của Reuters cho thấy ngay từ 1970, J&J đã biết một số loại phấn rôm trẻ em của họ bị nhiễm một lượng nhỏ amiăng.

Johnson & Johnson tiếp tục bị kiện với cáo buộc phấn rôm gây ung thư. Ảnh minh họa 

Reuters báo cáo rằng họ thu được các báo cáo nội bộ, tài liệu bí mật, cũng như các lời khai trước tòa của J&J. Theo cuộc điều tra, vụ kiện sớm nhất liên quan đến ung thư buồng trứng và phấn rôm trẻ em J&J đã được đệ trình vào năm 1997.

Johnson & Johnson phủ nhận với Reuters việc họ biết hoặc che giấu bất kỳ vấn đề an toàn nào liên quan đến bột talc và cho biết các cuộc kiểm tra độc lập đã cho thấy bột talc của họ không chứa amiăng.

Tiến sĩ Arthur Frank, giáo sư môi trường và sức khỏe nghề nghiệp tại Đại học Drexel (Mỹ), cho hay các giao thức được sử dụng trong các thử nghiệm amiăng của J&J không nhạy bằng một số phương pháp phát hiện khác.

Ông Frank nói: “Các phòng thí nghiệm có phương pháp cẩn thận hơn phòng thí nghiệm của doanh nghiệp đều có thể tìm thấy amiăng trong nhiều sản phẩm".

Trong một thông báo đưa ra mới đây, hãng kinh doanh các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thiết bị y tế J&J của Mỹ thông báo sẽ dừng bán sản phẩm phấn rôm trẻ em có thành phần bột talc trên toàn cầu vào năm 2023. Hơn 2 năm trước, J&J cũng đã chấm dứt kinh doanh sản phẩm này ở Mỹ và Canada trong bối cảnh đối mặt với hàng ngàn đơn kiện của người tiêu dùng về tính an toàn.

Cụ thể, J&J cho biết quyết định chuyển sang sản xuất hoàn toàn phấn rôm trẻ em làm từ bột ngô “là một phần trong việc đánh giá lại danh mục sản phẩm trên toàn cầu”.

Trước đó hãng cũng cho biết thêm phấn rôm làm từ bột ngô được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Khác với bột talc là một loại khoáng chất, bột ngô có thành phần tự nhiên, thân thiện với môi trường và có thể ăn được nên được đánh giá là an toàn hơn cho trẻ em.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang