Lạm dụng thuốc giảm đau chữa viêm khớp khiến người đàn ông bị thủng dạ dày

(VietQ.vn) - Mới đây, một nam bệnh nhân 70 tuổi bị viêm khớp nhiều năm nhưng tự uống thuốc giảm đau tại nhà suốt nhiều ngày liền khiến dạ dày bị thủng.
Cảnh báo nguy cơ thủng dạ dày ở trẻ em nhiễm Covid-19
Tự uống thuốc nam điều trị đau cột sống, người đàn ông bị thủng dạ dày
Trẻ dễ thủng dạ dày vì thói quen ăn uống kiểu này, cha mẹ cần biết
Bác sĩ Bùi Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp 2, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, bệnh nhân dùng thuốc giảm đau tại nhà suốt ba tháng. Gần đây, ông đau bụng dữ dội vùng thượng vị mạn sườn phải, điều trị ở một bệnh viện tuyến dưới một ngày không đỡ. Người bệnh được chuyển tới Bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng nhiễm trùng toàn thân, đau khắp bụng. Bác sĩ chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng dạ dày.
Kíp trực cấp cứu đã hồi sức và phẫu thuật khâu lại lỗ thủng, lau rửa sạch ổ bụng và sử dụng kháng sinh điều trị tình trạng nhiễm trùng. Hiện, người bệnh tỉnh táo, không đau, bụng không chướng, ăn uống sinh hoạt, đi lại bình thường.

Lạm dụng thuốc giảm đau khiến người đàn ông bị thủng dạ dày. Ảnh: VNExpress
Theo bác sĩ, đa số trường hợp diễn tiến nặng xuất phát từ việc điều trị sai phương pháp và không đúng chuyên khoa hoặc thường đến khám khi bệnh đã trở nặng. Nguy hiểm hơn, người bệnh tự mua thuốc uống không theo toa của bác sĩ hoặc uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày tá tràng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ khuyến cáo người mắc bệnh lý dạ dày, tá tràng phải khám định kỳ, điều trị kịp thời, nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ bị viêm phúc mạc toàn thể.
Ngoài gây hại đến hệ tiêu hóa, lạm dụng thuốc giảm đau còn gây ra bệnh tim mạch, gan và thận. Người bệnh còn có thể gặp một số tác dụng phụ khác khi sử dụng thuốc giảm đau nhóm thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm không steroid và paracetamol như mệt mỏi, chóng mặt, dị ứng, phát ban da, ngứa, buồn ngủ. Nặng hơn còn có thể bị sốc nhiễm trùng, tử vong.
Chính vì thế, cần sử dụng thuốc liều thấp và trong thời gian ngắn nhất nhưng vẫn mang lại hiệu quả điều trị. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thêm các thuốc như misoprostol hoặc PPIs để giúp bao bọc bảo vệ đường tiêu hóa hoặc chọn các thuốc giảm đau hạ sốt kháng viêm không steroid có chọn lọc COX-2 nhóm coxib ít gây tác dụng phụ lên đường tiêu hóa trong điều trị.
Đối với trẻ em dưới 16 tuổi không được sử dụng thuốc aspirin vì có thể ảnh hưởng tới não, gan do cơ thể và sự phát triển của trẻ em khác nhiều so với người lớn.
Đối với phụ nữ có thai và cho con bú không nên sử dụng các loại thuốc có thể ảnh hưởng tới thai nhi hoặc chất lượng sữa mẹ, trong đó có các loại thuốc liên quan đến giảm đau hạ sốt kháng viêm.
Đối với người cao tuổi cần hết sức thận trọng tác dụng phụ với các thành phần của thuốc do có thể giai đoạn này chức năng gan thận và đường tiêu hóa không còn khỏe mạnh như thời niên thiếu. Do vậy, cần lựa chọn chính xác loại thuốc giảm đau và liều lượng sử dụng chính xác để tránh các biến chứng không mong muốn.
An Dương (T/h)