Kẹo giảm cân Bứa Sbody Slim quảng cáo sai, người dùng thận trọng khi sử dụng

author 12:45 26/11/2022

(VietQ.vn) - Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Bứa Sbody Slim do Công ty TNNH dược phẩm quốc tế Healthy Care (địa chỉ: số 126, tổ 39, khu phố 3, Phường Trảng Dài, TP.Biên Hoà, Tỉnh Đồng Nai) phân phối quảng cáo công dụng giảm cân là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lừa dối người tiêu dùng?

Cuối năm, nhiều người bị ám ảnh bởi cân nặng khiến họ cố gắng giảm cân bằng mọi cách để có thân hình đẹp đón Tết. Nắm bắt được tâm lý này, nhiều đơn vị kinh doanh đã giới thiệu các sản phẩm giảm cân với lời quảng cáo có cánh. Tuy nhiên, bên cạnh những sản phẩm chất lượng, hỗ trợ sức khỏe thì vẫn còn nhiều đơn vị vì lợi nhuận mà quảng cáo sai công dụng nhằm mục đích “dụ” người tiêu dùng chi tiền mua sản phẩm.

Thời gian qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được thông tin phản ánh của độc giả về sản phẩm TPBVSK Bứa Sbody Slim quảng cáo sai công dụng có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cụ thể, tại trang https://keobuasbodyslim.com/ đã thay đổi tên TPBVSK Bứa Sbody Slim thành “Kẹo Bứa giảm cân”. Theo quảng cáo, Kẹo Bứa giảm cân Sbody Slim có thành phần 100% nguyên liệu thuần tự nhiên như quả bứa, kim ngân hoa, nghệ, táo xanh,... có công dụng giảm từ 2-5kg/sau 1 hộp/10 ngày sử dụng mà không gây mệt mỏi hay tác dụng phụ.

Sản phẩm này còn được “nổ” sẽ không tăng cân sau khi ngưng dùng, giảm cân nhanh chóng; làm sạch, giải độc và tăng sự trao đổi chất; giúp ngăn hấp thụ chất béo từ thức ăn mà không gây hại cho cơ thể; giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể; phục hồi làn da sáng khỏe mạnh...

 Kẹo giảm cân Bứa Sbody Slim quảng cáo sai, người tiêu dùng không nên sử dụng?

Để người tiêu dùng tin vào hiệu quả của sản phẩm, tại trang website trên còn đăng tải video giới thiệu khách hàng dùng Kẹo Bứa giảm cân Sbody Slim đạt hiệu quả. Trong video khách hàng (chưa được kiểm chứng) cho rằng, loại kẹo này có thành phần nhập khẩu, sản xuất dựa trên công nghệ máy móc của Hàn Quốc. Chỉ sau 1 tháng sử dụng, người này không chỉ giảm được 3kg mỡ dư thừa mà còn giảm 15cm vòng bụng, không cần tập luyện hay ăn kiêng... cuối video khuyên mọi người chi tiền mua sản phẩm trải nghiệm với slogan “bán mỡ liền tay, rinh ngay dáng đẹp” cùng kẹo bứa.

Ngoài ra, tổ chức kinh doanh còn đăng tải, sử dụng hình ảnh nhiều y, dược sỹ mặc áo Blouse, tay cầm Bứa Sbody Slim để quảng cáo nhằm tăng uy tín, “dụ” khách hàng chi tiền mua sản phẩm.

Những quảng cáo trên như liều thuốc đánh trúng tâm lý số đông người đang tìm phương pháp giảm cân. Chính những quảng cáo này khiến nhiều người nhầm tưởng sử dụng Bứa Sbody Slim sẽ giảm được số kg như mong muốn. Nhưng liệu sản phẩm này có “thần thánh” như quảng cáo không, chất lượng sản phẩm có đảm bảo không và cơ quan nào cấp phép cho sản phẩm này... là những câu hỏi khiến độc giả quan tâm.

Theo các chuyên gia y tế, giảm cân cơ bản phụ thuộc vào việc tạo ra cân bằng lượng calo xuất - nhập, trong khi thuốc giảm cân hoạt động theo cơ chế giúp người dùng ít nhập calo hơn, hấp thụ calo ít hơn, tiêu thụ nhiều calo hơn. Theo đó, thuốc giảm cân có thể làm đầy đường tiêu hóa bằng cách hút nước, trương phình chiếm chỗ các khoang trống trong ống tiêu hóa và dạ dày, giúp người dùng có cảm giác không cảm thấy đói, nên ít nhập calo hơn.

Bên cạnh đó, thuốc giảm cân có thể làm giảm sự hấp thu các chất dinh dưỡng. Các chất này tác động lên hệ thần kinh gây khó ngủ, chán ăn, ăn không ngon miệng. Ngoài ra, một số loại thuốc giảm cân thường chứa hormon tuyến giáp, giúp gia tăng chuyển hóa chất béo, vì vậy, người dùng tiêu thụ nhiều calo hơn.

 Người tiêu dùng không nên tin vào những quảng cáo có cánh mà chi tiền mua Kẹo Bứa giảm cân sử dụng?

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, thay vì dùng các loại chế phẩm giảm cân gây nguy hiểm, người dân có thể áp dụng những biện pháp an toàn, hiệu quả như dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ngày. Trong bữa ăn hàng ngày, nên tránh các loại thực phẩm chứa năng lượng quá nhiều (bánh rán, thịt nhiều mỡ, đồ chiên xào…) và các thực phẩm mang năng lượng rỗng (bánh kẹo, nước có gas, bia…); Tăng sử dụng các sản phẩm gây no nhưng không mang năng lượng (trái cây, rau xanh…).

Đặc biệt, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân không nên mua thuốc giảm cân trôi nổi trên thị trường, đề phòng hàng giả mạo, gây những hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe. 

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), về chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, căn cứ Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/03/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, hành vi không ghi hoặc không nêu rõ nội dung “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” trên quảng cáo sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng;

Hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn đến 24 tháng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo; hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. Trường hợp quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ, công dụng, xuất xứ,… có thể bị phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định này.

Việc quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về “Tội quảng cáo gian dối” theo Điều 197 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, mức phạt cao nhất tối đa 03 năm tù giam.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty TNNH dược phẩm quốc tế Healthy Care có mã số thuế 3603824563, do bà Phạm Thị Hiền làm đại diện pháp luật, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 16/09/2021. Ngoài ra, TPBVSK Bứa Sbody Slim không được Cục ATTP cấp phép công dụng giảm cân như những quảng cáo nêu trên.

 NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang